Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình theo đuổi đường lối quân sự cứng rắn trên Biển Đông kể từ khi lên nắm quyền. |
Howard French, một nhà bình luận địa chính trị Đông Á ngày 13/10 phân tích trên tờ The Atlantic, sự huênh hoang khiêu khích của Trung Quốc đã khiến các nước láng giềng đặc biệt chú ý. Có những nước vốn tưởng như không thể trở thành đối tác của nhau cuối cùng lại có chung một mối quan tâm: Ngăn chặn sự bành trướng của Bắc Kinh.
Điều này cũng trở thành mục tiêu nổi bật nhất trong trục châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ: Tăng cường quan hệ với các nước láng giềng đang lo ngại về Trung Quốc, những nước có lợi ích chung trong việc ngăn chặn Bắc Kinh sử dụng vũ lực. Dù các nước này không ở trong một liên minh hoàn toàn họ vẫn có thể hợp tác hiệu quả trong việc kiềm chế mộng bành trướng của Bắc Kinh và buộc Trung Nam Hải phải tuân thủ luật pháp quốc tế.
Theo Howard French, hoạt động hợp tác Việt Nam - Ấn Độ là một minh họa sinh động. 2 nước láng giềng của Trung Quốc đều không ngồi chờ đợi Mỹ chỉ cho họ đường đi. Ấn Độ đã đồng ý đào tạo giúp Việt Nam lực lượng thủy thủ tàu ngầm và cung cấp 100 triệu USD tín dụng để người Việt tăng cường năng lực tuần tra, giám sát hàng hải.
Nhật Bản đóng góp nhiệt tình với một sự tích tụ quốc phòng tập trung vào hải quân ở cả Việt Nam và Philippines. Ngay cả Hàn Quốc hiện cũng đang bán trang thiết bị quân sự cho Philippines.
Trong nhiều thập kỷ, Trung Quốc thực hiện chủ trương giấu mình chờ thời của Đặng Tiểu Bình và chưa bao giờ có một tuyên bố rõ ràng về việc thu hồi, chấm dứt hay thay đổi chủ trương này. Nhưng hành động của Trung Quốc kể từ giữa năm 2013 cho thấy rõ ràng cách tiếp cận của Đặng Tiểu Bình đã bị gạt sang một bên.
Trung Quốc đang thúc đẩy mạnh mẽ yêu sách chủ quyền vô lý và phi pháp trên Biển Đông, đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực. |
Ngay sau khi nhậm chức, Tập Cận Bình đã tuần du phương Nam và thị sát đại quân khu Quảng Châu, hạm đội Nam Hải. Tại đây ông Bình chỉ thị phải xây dựng quân đội có khả năng chiến đấu và giành chiến thắng trong chiến tranh. Tháng 8/2013, Tập Cận Bình thị sát tàu sân bay Liêu Ninh trước khi nó bắt đầu bước vào hoạt động và hô hào chỉ huy con tàu cải thiện khả năng sẵn sàng chiến đấu.
Mục tiêu của Bắc Kinh muốn làm "trùm" khu vực không phải điều gì khó hiểu. Khu vực bắt đầu bước vào một giai đoạn dài và nguy hiểm khi Trung Quốc tìm cách khẳng định mình nhiều hơn và mạnh mẽ hơn.
Tuy nhiên nghịch lý lại nằm ở chỗ, hành vi của Trung Quốc không chỉ phản ánh sự gia tăng mức độ tự tin của các nhà lãnh đạo mà còn tăng cả sự bất an của bộ máy nhà nước này trong thời kỳ chủ nghĩa dân tộc cực đoan hẹp phát triển mạnh mẽ dưới sự bùng nổ của các phương tiện truyền thông xã hội.
Internet và các phương tiện truyền thông xã hội Trung Quốc đã khuếch đại tiếng nói của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, hẹp hòi, liên tục yêu cầu giới chức nước này không chùn tay trong việc sử dụng vũ lực. Điều này dường như đã làm giới lãnh đạo Trung Quốc sợ hãi khi nói điều ngược lại.
Một cựu phát ngôn viên Bộ Ngoại giao, Giám đốc Học viện Ngoại giao Trung Quốc về hưu ông Ngô Kiến Dân đã nói với tờ Asahi Shimbun rằng "bạn sẽ là kẻ phản bội" khi được hỏi, liệu có bất kỳ lãnh đạo nào của Trung Quốc dám công khai thảo hiệp với các nước láng giềng hay không.
Tuy nhiên bộ máy lãnh đạo ở Trung Quốc vẫn có một "hộp đen bí mật" khá lớn và không ai có thể chắc chắn lý do tại sao quốc gia này lại đột ngột khẳng định bản thân "tích cực" ở Đông Á như vậy