Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Martin Dempsey thăm Việt Nam. |
Defense News ngày 4/10 bình luận, quyết định của Mỹ nới lỏng lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam có thể tác động lớn đến tổng thể cân bằng quyền lực trong khu vực cũng như ngành công nghiệp vũ khí Mỹ. Doanh số bán các thiết bị sẽ được giới hạn trong phòng vệ hàng hải, một thuật ngữ "mơ hồ" cho phép Mỹ quyết định trên cơ sở từng trường hợp Việt Nam đề nghị.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ xác định rõ mục tiêu của quyết định này là giúp Việt Nam nâng cao năng lực phòng vệ hàng hải và nó được đưa ra dựa trên các mối quan hệ với Việt Nam được cải thiện chứ không phải một hành động chống Trung Quốc. Trong thực tế quan hệ Việt - Mỹ đã được hâm nóng trong nhiều năm qua, đặc biệt kể từ chuyến công du Việt Nam của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton năm 2010.
Nhưng cũng không thể phủ nhận rằng sự gây hấn ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực đã lên đến đỉnh điểm trong mùa hè này khi Bắc Kinh kéo giàn khoan 981 cùng hạm đội tàu hộ tống xâm phạm sâu vào vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, dẫn đến khủng hoảng giữa 2 nước trên mặt biển. Bắc Kinh cuối cùng cũng rút giàn khoan dầu, nhưng vụ việc này khiến Việt Nam phải nhìn lại mối đe dọa thực sự từ láng giềng phương Bắc.
Murray Hiebert, Phó Chủ nhiệm tổ Nghiên cứu Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế đưa ra nhận xét này. Ông cho rằng Hoa Kỳ đã quan tâm đến việc gia tăng các mối quan hệ quân sự trong những năm gần đây, vụ giàn khoan 981 có thể trở thành động lực cho cả Mỹ và Việt Nam thúc đẩy mọi việc diễn ra.
"Giống như rất nhiều nước trong khu vực, Việt Nam đang cố gắng cân bằng quan hệ với Trung Quốc và Mỹ. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, cung cấp điện cho miền Bắc Việt Nam, cung cấp linh kiện cho các sản phẩm xuất khẩu nên Việt Nam chỉ có thể làm được như vậy. Đó là một cách tiếp cận được hiệu chuẩn và thận trọng", Murray Hiebert bình luận.
Trang Kiến Trung từ đại học Giao thông Thượng Hải thì cảnh báo rằng, Bắc Kinh sẽ không vui với những gì họ xem như là các thiết bị vũ trang mới của Việt Nam. Học giả này cho rằng, các thiết bị này nhằm "chống lại Trung Quốc" và Bắc Kinh không hài lòng với quyết định này, nhưng sẽ "không phản ứng thái quá vì không có mâu thuẫn trực tiếp hay chiến tranh giữa Việt Nam với Trung Quốc".
Tuy nhiên theo ông Trung, Bắc Kinh sẽ mang chuyện Mỹ nới lỏng cấm vận vũ khí cho Việt Nam ra nói chuyện trong chuyến công du Trung Quốc của Tổng thống Barack Obama bên lề hội nghị APEC tháng 11 tới. Murray Hiebert đồng ý là Bắc Kinh sẽ không hài lòng với động thái mới này, nhưng không có khả năng kích động phản ứng từ công chúng về nó. Các quốc gia khác trong khu vực cũng không có nhiều phiền phức về quyết đinh này.
"Tôi nghĩ rằng hầu hết các nước, đặc biệt là các bên tranh chấp khác ở Biển Đông sẽ chỉ thấy điều này như giúp tăng cường khả năng phòng thủ hàng hải còn rất yếu của Việt Nam", ông bình luận.