Ngày 11/12/2018, tại Trung tâm hội nghị Quốc gia Mỹ Đình đã diễn ra hội thảo “Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội cho nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng mạng xã hội, hướng tới xây dựng môi trường lành mạnh, an toàn tại Việt Nam”. Hội thảo do Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo chủ trì.
Hội thảo “Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội cho nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng mạng xã hội, hướng tới xây dựng môi trường lành mạnh, an toàn tại Việt Nam”. |
Hiện nay, mạng xã hội là một trong những xu hướng truyền thông phát triển nhanh nhất thế giới. Theo Báo cáo năm 2018 của Tổ chức We are Social, số lượng người sử dụng mạng lưới dịch vụ toàn cầu đã đạt 3,2 tỷ người, chiếm 42% dân số thế giới, tỉ lệ tăng trưởng hàng năm khoảng 13%/năm.
Hiện nay, số lượng người sử dụng mạng xã hội của Việt Nam đạt khoảng 55 triệu người, với tỷ lệ khoảng 57% dân số, riêng số lượng người sử dụng mạng xã hội qua điện thoại di động đạt khoảng 50 triệu người (52% dân số).
Về thời lượng sử dụng Internet và mạng xã hội trong 1 ngày của người sử dụng Việt Nam đạt tương ứng khoảng 7 giờ và 2.5 giờ.
Với sự phát triển vượt bậc của công nghệ, Internet nói chung, mạng xã hội nói riêng đã đem lại cho đời sống kinh tế - xã hội những thành quả tích cực không thể phủ nhận.
Thông qua các trang mạng xã hội, người sử dụng có thể dễ dàng tiếp cận và chia sẻ thông tin một cách hiệu quả, với tốc độ nhanh chóng, nội dung phong phú, đa dạng.
Tuy nhiên, bên cạnh các tác động tích cực môi trường mạng đã trở thành một không gian truyền bá những thông tin xấu độc, cùng với đó những tin tức giả, những phát ngôn gây thù ghét đang trở nên tràn lan trên mạng xã hội, gây ảnh hưởng tiêu cực đến thuần phong mĩ tục, nền tảng văn hóa và đạo đức của dân tộc, gây chia rẽ, thù hằn dân tộc, xác phạm nhân phẩm, danh dự của cá nhân, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Nhà báo tham gia mạng xã hội phải chuẩn mực và có trách nhiệm |
Ngày 24/11/2017, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 55/2017/QH14 về hoạt động chất vấn về kì họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.
Trong đó, đối với lĩnh vực Thông tin Truyền thông, Quốc hội yêu cầu “Tiếp tục hoàn thiện các quy định về quản lý hoạt động thông tin trên mạng, đặc biệt là các dịch vụ cung cấp xuyên biên giới, đảm bảo môi trường pháp lý bình đẳng, minh bạch, phù hợp với thực tiễn phát triển của xã hội, xây dựng và phát triển bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội cho các nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam, hướng tới xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn tại Việt Nam”.
Thực hiện nghị quyết của Quốc hội, trước yêu cầu về tăng cường công tác quản lý nhà nước nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tác động tiêu cực của mạng xã hội, nâng cao chuẩn mực đạo đức của người dùng mạng xã hội tại Việt Nam và nhằm tạo ra môi trường Internet lành mạnh, cũng như kiến tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển, các cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có Bộ Thông tin và Truyền thông đã tiến hành xây dựng và phát triển “Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội cho nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng mạng xã hội, hướng tới xây dựng môi trường lành mạnh, an toàn tại Việt Nam”.
Trên cơ sở nghiên cứu, phân tích các hiện trạng hoạt động cung cấp, sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam hiện nay, đánh giá về những mặt được và mặt chưa được, tham khảo kinh nghiệm quốc tế nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tác động tiêu cực của mạng xã hội tại Việt Nam và nhằm tạo ra môi trường Internet lành mạnh, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển, hỗ trợ cho công tác quản lý nhà nước đối với mạng xã hội.
Lên mạng xuyên tạc chính sách, bôi nhọ người khác mà lại vô tội sao? |
Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội được xây dựng theo các chuẩn mực và thông lệ quốc tế về xây dựng bộ quy tắc ứng xử nói chung, bộ quy tắc ứng xử trên truyền thông nói riêng, không phân biệt đối xử giữa nhà cung cấp dịch vụ với người sử dụng trong và ngoài nước.
Hiện nay, bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội đã hoàn thành dự thảo, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức tọa đàm lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan vào ngày 18/5/2018.
Đây là nhiệm vụ có đối tượng ảnh hưởng rộng, được sự quan tâm của người sử dụng, vì thế đã tạo được sự đồng thuận và bảo đảm chất lượng nội dung, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục cung cấp thông tin cho báo chí về nhiệm vụ để truyền thông cho mọi người dân và tổ chức thêm các hội thảo để xin ý kiến góp ý để hoàn thiện, ban hành.