Bloomberg ngày 31/5 đưa tin cho biết, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói trong một cuộc phỏng vấn trước đó một ngày với hãng tin này rằng Việt Nam đã chuẩn bị các bằng chứng cho một vụ kiện pháp lý chống lại các hành động vi phạm chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông trong vụ hạ đặt giàn khoan 981 và đang xem xét thời điểm thích hợp để khởi kiện.
"Chúng tôi đang chuẩn bị và sẵn sàng cho hành động pháp lý. Chúng tôi đang xem xét thời điểm thích hợp nhất để tiến hành biện pháp này", Bloomberg dẫn lời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. |
Theo Bloomberg, việc khởi kiện Trung Quốc lên tòa án quốc tế có thể gây ảnh hưởng hại tới quan hệ kinh tế với Bắc Kinh, tuy nhiên, nó sẽ gây thêm áp lực trong việc đưa Trung Quốc ra tòa án quốc tế.
Trong cuộc phỏng vấn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã nhấn mạnh tới lập trường yêu chuộng hòa bình và không muốn chiến tranh của nhân dân Việt Nam. Theo Thủ tướng, nếu xung đột nổ ra ở Biển Đông sẽ "không có bên nào giành chiến thắng" bởi hai phần ba thương mại hàng hải toàn cầu đi qua Biển Đông. Do đó, một cuộc xung đột trong khu vực này sẽ khiến tất cả các bên đều tổn thất, nền kinh tế toàn cầu cũng sẽ bị tổn thương và phương hại lớn.
Thủ tướng cho biết, vụ Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam đã gây ra một số tác động trong một vài lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, chính phủ Việt nam đã thực hiện các biện pháp thích hợp để đáp ứng.
Ngoài ra, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh rằng Việt Nam sẽ sử dụng "tất cả các biện pháp hòa bình có thể" để bảo vệ chủ quyền" và "sẽ chỉ có những hành động quân sự khi chúng ta buộc phải dùng để tự vệ".
Bloomberg dẫn lời Alexander Vuving, một nhà phân tích an ninh tại Trung tâm nghiên cứu an ninh Châu Á -Thái Bình Dương ở Hawaii cho biết, những hành vi hung bạo của Trung Quốc trên Biển Đông buộc Việt Nam phải sử dụng các biện pháp pháp lý để chống lại là bằng chứng cho thấy Bắc Kinh đã không còn là "láng giềng tốt" của Việt Nam.
Tờ báo cho biết, Việt Nam cũng như Philippines đều theo đuổi vụ kiện dựa trên cơ sở Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) mà cả ba bên đều đã phê chuẩn, nhưng Bắc Kinh đang vi phạm. Bloomberg cũng cho rằng Chủ tịch Tập Cận Bình đang mở rộng hoạt động của lực lượng Hải quân để giúp thực thi các tuyên bố bá quyền của nước này ở Biển Đông.