Việt Nam và Ấn Độ có thể tái cân bằng sức mạnh khu vực

26/04/2016 06:10
Đông Bình
(GDVN) - Chiến lược hành động hướng Đông của Ấn Độ và chính sách hướng Tây của Việt Nam đã cho thấy hai nước có cơ hội xây dựng cân bằng sức mạnh châu Á.

Đa Chiều ngày 25/4 dẫn bình luận trên tờ The National Interest Mỹ ngày 25/4 cho rằng, Ấn Độ không còn che giấu nguyện vọng phát huy vai trò tích cực về chính trị và an ninh ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Nguyên Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Ấn Độ ngày 28/10/2014. Nguồn ảnh: Reuters/Đa Chiều
Nguyên Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Ấn Độ ngày 28/10/2014. Nguồn ảnh: Reuters/Đa Chiều

Do các nguyên nhân chính trị và thương mại, khu vực này đã trở nên quan trọng trong tư duy chiến lược của Ấn Độ. New Delhi đang từng bước thông qua chính sách hành động hướng Đông, hải quân tầm xa và ngoại giao đa phương đem sức mạnh chiến lược và kinh tế của họ mở rộng tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Trong bối cảnh an ninh châu Á-Thái Bình Dương không ngừng thay đổi, Việt Nam đã đóng vai trò quan trọng để Ấn Độ thường xuyên hiện diện ở khu vực này.

Trong vài năm qua, Hà Nội ngày càng quan trọng trong chiến lược ngoại giao của New Delhi. Chiến lược hành động hướng Đông của Ấn Độ và chính sách hướng Tây của Việt Nam đã cho thấy hai nước có cơ hội xây dựng cân bằng sức mạnh châu Á.

Trong chiến lược châu Á hoàn thiện và mới nhất của Ấn Độ, chính quyền Thủ tướng Narendra Modi sẽ tiếp xúc dày đặc với các nhà lãnh đạo cấp cao Việt Nam. Nhiều phối hợp ngoại giao và quân sự hơn cũng sẽ được tiến hành, Ấn-Việt sẽ xây dựng quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn.

Ngoài ra, Trung Quốc đang thúc đẩy các hoạt động bành trướng lãnh thổ và công khai thách thức đối với các thông lệ quốc tế cũng đã làm cho quan hệ hai nước Việt-Ấn càng thêm chặt chẽ.

Việt Nam mua 6 tàu ngầm thông thường lớp Kilo của Nga để bảo vệ chủ quyền biển đảo. Nga và Ấn Độ giúp Việt Nam huấn luyện về tàu ngầm. Ảnh nguồn: Thời báo Hoàn Cầu, Trung Quốc
Việt Nam mua 6 tàu ngầm thông thường lớp Kilo của Nga để bảo vệ chủ quyền biển đảo. Nga và Ấn Độ giúp Việt Nam huấn luyện về tàu ngầm. Ảnh nguồn: Thời báo Hoàn Cầu, Trung Quốc

Bài viết cho rằng, Ấn Độ và Việt Nam cần áp dụng các cơ chế chính trị, quân sự để thích ứng với trật tự châu Á đang không ngừng thay đổi, những hợp tác quốc phòng, ngoại giao hàng hải và đầu tư thương mại lớn hơn của hai nước đang có triển vọng rộng lớn.

Ngay từ tháng 10/2014, trong thời gian thăm Ấn Độ của nguyên Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, các nhà lãnh đạo hai nước đã cam kết thông qua phương thức đối thoại an ninh để tăng cường quan hệ quốc phòng, tăng cường hợp tác hỗ trợ lẫn nhau, tăng cường xây dựng khả năng và hoạt động gỡ mìn nhân đạo.

Khi đó, hai nước cũng đã ký kết một bản ghi nhớ mua sắm thiết bị quốc phòng, điều này đánh dấu Ấn Độ sẵn sàng giúp đỡ Việt Nam tăng cường năng lực phòng thủ và trở thành nước xuất khẩu vũ khí của Việt Nam.

Tương tự, Việt Nam cũng đang tìm kiếm hợp tác với Ấn Độ trong vấn đề "quyền lợi hàng hải". Việt-Ấn đã tiến hành giao lưu tàu chiến thường xuyên, sĩ quân Ấn Độ còn giúp đỡ lực lượng tàu ngầm Việt Nam tiến hành huấn luyện/đào tạo.

Báo cáo mới nhất của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) cho biết, trong 5 năm qua, lượng nhập khẩu vũ khí của khu vực châu Á-Thái Bình Dương chiếm 46% tổng lượng toàn cầu. Cuộc chạy đua về thiết bị quân sự này đã bộc lộ lỗ hổng an ninh của khu vực này.

Hơn nữa, Trung Quốc ngày càng ra sức tiến hành quân sự hóa, Việt Nam càng cấp bách muốn có được sự ủng hộ của Ấn Độ.

Trung Quốc ra sức tiến hành quân sự hóa Biển Đông. Trong hình là một chi đội tàu đổ bộ Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc tiến hành tập trận ngày 17/4/2016, trong đó có sự tham gia của tàu đệm khí Type 726. Nguồn ảnh: Thời báo Hoàn Cầu, Trung Quốc
Trung Quốc ra sức tiến hành quân sự hóa Biển Đông. Trong hình là một chi đội tàu đổ bộ Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc tiến hành tập trận ngày 17/4/2016, trong đó có sự tham gia của tàu đệm khí Type 726. Nguồn ảnh: Thời báo Hoàn Cầu, Trung Quốc

Bài viết cho rằng, từ xưa đến nay, Ấn Độ rất thận trọng trong vấn đề lãnh thổ. Nhưng sau khi ông Narendra Modi lên nắm quyền, chính sách của ông phát triển theo hướng chủ nghĩa thực tế, đối đầu với Trung Quốc ngày càng rõ rệt.

Ấn Độ đã gia nhập vào hàng ngũ theo ý tưởng chiến lược của Mỹ, ủng hộ tuần tra tự do ở Biển Đông. Mặc dù Ấn Độ đã chấm dứt đàm phán tuần tra chung với Mỹ, nhưng tham vọng phát huy vai trò an ninh quan trọng hơn ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương của họ đang từng bước được tăng cường.

Ngoài ra, Ấn Độ, Việt Nam và Mỹ đang ngăn cản Trung Quốc thống trị tuyến đường thương mại trên biển và có mục tiêu lợi ích tương đồng trong vấn đề tăng cường chủ quyền lãnh thổ.

Khi Trung Quốc tiến hành quân sự hóa ở Biển Đông, Việt Nam "coi Mỹ là trở ngại tăng cường sức mạnh quân sự của Trung Quốc". Thực ra, xây dựng quân sự của Mỹ ở khu vực này chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng to lớn đối với cân bằng sức mạnh.

Nhưng cam kết kinh tế của New Delhi đối với Hà Nội cũng là nhân tố quan trọng ảnh hưởng tới cân bằng của khu vực này.

Nỗ lực tăng cường quan hệ đối tác song phương Việt-Ấn không chỉ rất quan trọng đối với cân bằng sức mạnh khu vực châu Á, hơn nữa đã đặt nền tảng cho Ấn Độ thực sự tham gia vào các vấn đề của khu vực châu Á-Thái Bình Dương và giữ một vai trò quan trọng.

Đối với Ấn Độ, chính sách đúng đắn đối với Việt Nam rất quan trọng. Phương thức thực tế hơn là tập trung việc "bôi trơn" quan hệ chiến lược và quốc phòng vào các lĩnh vực đầy sức sống như thương mại, dệt may, nông nghiệp, y dược, năng lượng và dầu khí.

Đông Bình