Tập 1 của chương trình tìm kiếm người mẫu Vietnam Next Top Model khiến không ít khán giả đặt câu hỏi: Cuộc thi tìm kiếm tài năng hay tìm kiếm... bé ngoan?
Được vào vòng trong hay được…ban ơn?
Lễ độ, biết nói lời cám ơn xin lỗi là một “kỹ năng mềm” đáng học tập trong cuộc sống. Biết nói lời cám ơn, xin lỗi sẽ giúp cho chúng ta sống đẹp hơn, đáng yêu hơn trong mắt những người xung quanh. Không ít bạn trẻ hiện nay rất ít khi biết nói lời cám ơn, xin lỗi. Đây là một “lỗ hổng” trong kỹ năng mềm của các bạn trẻ.
|
Thí sinh đã được chọn nhưng lại bị loại vì không nói lời cám ơn |
Tuy nhiên, ở trong một cuộc thi thì câu chuyện lại không hoàn toàn như vậy. Một thí sinh nữ trong chương trình Vietnam Next Top Model dù đã được chọn nhưng ngay sau đó lại bị loạn vì không nói lời cám ơn giám khảo. Việc loại thí sinh chỉ vì cô ấy không nói cám ơn là hành động khó chấp nhận trong một cuộc thi. Bởi “kỹ năng mềm” nói lời cám ơn ấy chỉ có thể coi là thứ “điểm ưu tiên” chứ không thể là yếu tố quyết định cho một cuộc thi người mẫu.
Chính vì vậy, khi thí sinh đó đã đủ tiêu chuẩn nghề nghiệp (theo đánh giá của “bộ tứ quyền lực”) thì không có lý do gì để loại thí sinh chỉ vì cô ấy không có “điểm ưu tiên” ấy!
Rõ ràng, việc lựa chọn thí sinh mới chỉ là giai đoạn đầu trước khi họ có thể trở thành người mẫu. Họ còn phải trải qua một giai đoạn dài “huấn luyện” trước khi hoàn thiện những kỹ năng của một người mẫu. Điều đó cũng có nghĩa, khi thí sinh đủ tiêu chuẩn và đã được lựa chọn thì việc loại cô ấy là hành động phi lý và có phần lộng quyền.
Nếu nhìn ở một góc độ khác có thể thấy: Thí sinh đủ tiêu chuẩn thì được lựa chọn. Đó là điều tất yếu. Việc họ được đi tiếp không phải là kết quả sự “ban ơn” của bốn vị giám khảo. Chính vì vậy, việc loại bỏ thí sinh chỉ vì không nói lời cám ơn là việc làm có phần "hống hách" của bộ tứ giám khảo. Nó biến cuộc thi Vietnam Next Top Model không còn là một cuộc thi nữa.
|
Muốn được chọn, thí sinh phải biết...quỳ gối? |
Loại thí sinh vì không cảm ơn: Chiêu trò gây sự chú ý?
Nhiều người đặt câu hỏi: Phải chăng nhà tổ chức dùng việc loại thí sinh vì không cảm ơn là một “chiêu” nhằm tạo sự chú ý của dư luận? Qua hành động này, các vị giám khảo muốn xây dựng một “thương hiệu” chuyên nghiệp từ những chi tiết nhỏ. Nhưng việc loại thí sinh chỉ vì họ không nói lời cảm ơn chính là hành động thiếu chuyên nghiệp nhất của cuộc thi. Bởi Vietnam Next Top Model đã loại bỏ thí sinh đủ những tiêu chuẩn làm người mẫu.
Phải chăng thí sinh nữ bị loại vì thiếu câu cảm ơn trong tập 1 của Vietnam Next Top Model chỉ là một “con tốt thí mạng” nhằm tăng sức nóng cho chương trình?
|
Dàn giám khảo Vietnam Next Top Model dùng những lời lẽ khá nặng nề khi nhận xét về Lê Thúy |
Còn nhớ ở các mùa giải trước, khán giả xem truyền hình đã từng cảm thấy bất bình trước những lời nhận xét kiểu như: "Em đi như con hổ vồ mồi", hay: "Ði như con khỉ qua cầu treo", hay: "Em ngu ngố..." xuất hiện khá nhiều trên sóng truyền hình. Thậm chí, Xuân Lan còn mắng thí sinh bằng những từ ngữ thường xuất hiện ngoài chợ: "Tôi nói với em mà cái mặt em cứ trơ trơ ra thôi. Em không cho chúng tôi biết là em có lắng nghe chúng tôi không nữa"…
|
Việc dùng những lời lẽ thiếu tế nhị dành cho các thí sinh của giám khảo Vietnam Next Top Model đã được nhắc đến nhiều. |
Nhắc lại câu chuyện này để thấy, cách hành xử của “bộ tứ quyền lực” trong Vietnam Next Top Model cũng chưa được hoàn thiện ngay từ đầu. Nó đã hứng chịu khá nhiều sự chỉ trích, lên án của dư luận. Nhưng chưa chắc, những lời lẽ thiếu tế nhị như trên sẽ không xuất hiện ở Vietnam Next Top Model 2014. Bản thân các vị giám khảo còn chưa hoàn thiện ngay được thì việc “trừng phạt” thí sinh khi họ chưa hoàn thiện theo cách bộ tứ quyền lực của chương trình đã làm là hành động không thể chấp nhận.
Phải chăng văn hóa ứng xử luôn là vấn đề nan giải trong khuôn khổ của Vietnam Next Top Model?
Quốc Khánh