Ông là học sinh trường Bưởi (nay là Trung học phổ thông Chu Văn An, Hà Nội). Tham gia Cách mạng tháng Tám 1945 tại Hà Nội, thoát ly gia đình tham gia kháng chiến từ 19/12/1946, làm liên lạc cho Tự vệ chiến đấu khu phố Tống Duy Tân, Mặt trận Hà Nội.
Là Ủy viên Ban Chấp hành Thanh niên Cứu quốc huyện Thư Trì, Chính trị viên trung đội du kích Căm Hờn huyện Tiên Hưng (tỉnh Thái Bình).
Chính trị viên đại đội bộ đội, Khu Tả ngạn sông Hồng. Tham gia tiếp quản thị xã Hải Dương,ủy viên Thường vụ thị ủy năm 1955.
Ông làm báo chuyên nghiệp từ tháng 8/1957, là cây bút phóng sự điều tra về nông nghiệp, nông thôn và tiểu phẩm thế sự có dấu ấn trong lòng bạn đọc.
Nguyên là Tổng biên tập Báo Nhân dân, Chủ nhiệm Khoa báo chí Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng các khoá VII, VIII, Uỷ viên Uỷ ban đối ngoại Quốc Hội các khoá IX, X, nguyên Trưởng ban Tư tưởng, văn hóa Trung ương (1995-2001); nguyên Trợ lý Tổng Bí thư (2001-2006). Ông vẫn muốn được gọi là NHÀ BÁOkể cả khi đang giữ các trách nhiệm trong bộ máy công quyền.
Ông nghỉ hưu tháng 1/2007; là nhà báo lão thành ở Việt Nam vẫn tiếp tục viết báo, trao đổi ý kiến, giữ chuyên mục "Chuyện làm ăn";"Bàn góp sự đời" trên Báo Nhân Dân cuối tuần với bút danh Nhân Nghĩa, "Chuyện đời" trên tạp chí Thế giới mới.
Nhà báo Hữu Thọ - Cây đại thụ của báo chí cách mạng Việt Nam. ảnh: Tuổi trẻ. |
Trong thời kỳ "tiền đổi mới", là một trong số những nhà báo đi đầu trong việc ủng hộ khoán sản phẩm cuối cùng và giao đất giao rừng cho hộ trong nông nghiệp.
Ông từng giành rất nhiều giải thưởng danh giá: 8 Giải Nhất (hoặc A) của Hội Nhà báo Việt Nam và Giải thưởng của thành phố Hải Phòng, Giải thưởng Hùng Vương của tỉnh Vĩnh Phú về các bài viết ủng hộ các sáng kiến, mô hình đổi mới; Giải báo chí Quốc gia 2009.
Giải Bông Sen Vàng tai Liên hoan phim Việt Nam lần thứ nhất(8/1970) cho kịch bản phim “Lúa trên đất lửa: (đồng tác giả với Phan Trọng Quỳ).
Bên cạnh đó, Nhà báo Hữu Thọ còn được trao tặng bằng Danh dự và Huy Chương Vàng của Tổ chức quốc tế các nhà báo (OIJ); Huân chương kháng chiến hạng Ba; Huân chương kháng chiến hạng Nhất; Huân chương Lao động hạng nhất; Huân chương Độc lập hạng nhất; Huy chương "Chiến sỹ văn hóa"; Huy chương "Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam"; Huy chương "Vì sự nghiệp báo Nhân Dân; Huân chương Tự Do (Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào.)
Nói về nghề báo, ông từng có những phát biểu rất nổi tiếng: "Tôi không biết viết thế nào để thành công vì mỗi bài báo là một sự thử thách, nhưng tôi chắc chắn bài báo sẽ thất bại nếu làm vừa lòng mọi người (Đề từ sách Người hay cãi); "Khi trong lòng còn hồ nghi thì ngòi bút nên do dự”; Hay "Làm báo trung thực, công bằng, đúng mực thì sẽ được tin cậy; sự tin cậy của xã hội là phần thưởng cao quý nhất đối với người làm báo".
Lễ viếng Nhà báo Hữu Thọ dự kiến được tổ chức sáng 14/8 tại nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội).