Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Diễn đàn kinh tế quốc tế St. Petersburg 2015 |
Tờ "Tin tức Trung Quốc" ngày 20 tháng 6 đưa tin, ngày 19 tháng 6, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, các nước châu Á-Thái Bình Dương trong ngắn hạn sẽ trở thành động lực chính cho tăng trưởng nhu cầu hàng hóa và dịch vụ của thế giới.
Tại Diễn đàn kinh tế quốc tế St. Petersburg tổ chức cùng ngày, ông Vladimir Putin đã đưa ra quan điểm trên. Ông nói, hiện nay, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước ASEAN đã chiếm 1/4 kinh tế thế giới.
Trong 10 năm tới, thị trường của những nước này sẽ trở thành động lực chủ yếu của tăng trưởng nhu cầu hàng hoá và dịch vụ của thế giới. "Bất kể chính trị, kinh tế thế giới sẽ thay đổi như thế nào, đều không thể làm thay đổi xu thế này".
Ông Vladimir Putin cho biết, hiện nay, Trung Quốc là đối tác thương mại số một của Nga, kim ngạch thương mại song phương là 85 tỷ USD. "Nhưng, tôi cho rằng, vài năm tới, kim ngạch thương mại song phương hoàn toàn có thể đạt 200 tỷ USD".
Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Diễn đàn kinh tế quốc tế St. Petersburg 2015 |
Ông Vladimir Putin cho biết, hợp tác kinh tế giữa Nga và Trung Quốc không ngừng được tăng cường. Sự kết nối giữa Liên minh kinh tế Âu-Á với ý tưởng xây dựng Vành đai kinh tế con đường tơ lụa do Trung Quốc đưa ra cũng đang được thực hiện.
Đây là con đường mới tăng cường hợp tác giữa Liên minh kinh tế Âu-Á với Trung Quốc, mục đích là mở rộng hợp tác trên phương diện xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở lớn, đơn giản hóa các thủ tục hợp tác kinh tế thương mại và tiếp tục củng cố hợp tác đầu tư.
Ông Vladimir Putin cho biết, Chính phủ Nga đã đưa ra dự luật xây dựng cảng Tự do thuộc Vladivostok, hiệu lực của dự luật này sẽ mở rộng tới các cảng quan trọng của toàn bộ khu vực Primorsky Krai.
Cảng Tự do không chỉ được hưởng ưu đãi về thuế, mà sẽ còn được hưởng quy trình đơn giản hóa về visa và giám sát xuất nhập cảnh.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Diễn đàn kinh tế quốc tế St. Petersburg 2015 |
Tại diễn đàn, ông Vladimir Putin đã có quan điểm lạc quan đối với tình hình kinh tế Nga hiện nay. Ông Putin nói, kinh tế Nga không xảy ra khủng hoảng nghiêm trọng như dự đoán. "Trái lại, Nga đã tích lũy được sức mạnh đủ để vượt qua cửa ải khó khăn".
Các ngân hàng và hệ thống tài chính Nga đã thích ứng với môi trường phát triển mới, "tỷ giá đồng rúp giữ ổn định, lạm phát được kiểm soát". "Hy vọng mức độ tăng trưởng kinh tế vài năm tới của Nga có thể đạt mức bình quân của thế giới - khoảng 3,5%, đồng thời giảm tỷ lệ lạm phát xuống 4%".
Về ngoại giao, ông Vladimir Putin cho biết, Nga không theo đuổi xưng bá, "cũng không tranh thủ vị thế siêu cường suông", mà là hy vọng xây dựng quan hệ bình đẳng với Mỹ và các nước Âu-Á. "Trước đây, Nga từng đề xuất các loại hợp tác. Nhưng vẫn bị ép đến giới hạn không thể nhượng bộ".
Theo ông Vladimir Putin, Nga giải quyết vấn đề từ trước tới nay đều không sử dụng vũ lực, "luôn tìm kiếm biện pháp giải quyết trong khuôn khổ đàm phán".
Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Diễn đàn kinh tế quốc tế St. Petersburg 2015 |
Ngoài ra, ông Vladimir Putin nhấn mạnh, trong tình hình NATO bành trướng hiện nay, Nga với Trung Quốc sẽ không xây dựng bất cứ đồng minh quân sự nào, "chúng tôi không có tư duy đồng minh".
Diễn đàn kinh tế quốc tế St. Petersburg là diễn đàn gặp gỡ các nhà lãnh đạo các nước lớn kinh tế mới, chủ yếu thảo luận các vấn đề kinh tế mấu chốt của Nga, các thị trường mới nổi và toàn bộ thế giới.
Diễn đàn kinh tế St. Petersburg lần thứ nhất tổ chức vào năm 1997. Năm 1998, diễn đàn kinh tế quốc tế St. Petersburg chuyển sang tổ chức mỗi năm một lần. Tại Diễn đàn kinh tế St. Petersburg tổ chức vào năm 2014, các bên đã ký kết tổng cộng 175 thỏa thuận, tổng trị giá đạt 4.010,4 tỷ rúp.