Lãnh đạo Ủy ban nhân dân Thành phố Uông Bí (Quảng Ninh) đã yêu cầu trụ trì chùa Ba Vàng chấm dứt “thỉnh vong, cúng oan gia trái chủ” và các hoạt động giảng Pháp do Phật tử Phạm Thị Yến, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Cúc Vàng, phật tử chùa Ba Vàng thực hiện.
Hiện, website của chùa Ba Vàng cũng đã biến mất. Trước đó, website này có nhiều nội dung, thông tin gây tranh cãi.
Là một website đăng tải hoạt động của chùa Ba Vàng, nhưng ngay trang chủ website này lại đăng tải thông báo về thông tin số tài khoản ngân hàng của nhà chùa để phật tử phát tâm cúng dường về nhà chùa. Trong chỉ dẫn còn nêu rõ cách khấn phúc báo oan gia trái chủ.
Việc thỉnh oan gia trái chủ được lập một chuyên mục riêng trong website. Nội dung cũng được nhà chùa dàn dựng hết sức công phu từ hình ảnh đến video.
Trong đó có sự xuất hiện của nhiều hình ảnh, video về nhiều người bị bệnh tật, điên dại, hoạn nạn do vong báo oán, nghiệp từ kiếp trước.
Để hóa giải được kiếp nạn, họ phải phát tâm cúng dường cho nhà chùa dưới sự hỗ trợ, dẫn dắt của một người phụ nữ tên Phạm Thị Yến. Đáng chú ý, bà Phạm Thị Yến cũng có một kênh youtube riêng với nhiều video rao giảng những chuyện hoang đường, mê tín dị đoan.
Nói về việc "vong báo oán" ở chùa Ba Vàng gây xôn xao dư luận mấy ngày nay, Đại đức Thích Trúc Thái Minh -Trụ trì chùa Ba Vàng khẳng định oan gia trái chủ hoàn toàn có thật, và xác nhận có lễ giải oán kết, giải oan gia trái chủ tại chùa Ba Vàng.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng viện Văn hóa và Phát triển (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) thẳng thắn cho rằng, thỉnh vong, làm lễ oan gia trái chủ giải nghiệp tại chùa Ba Vàng là đi ngược với giáo lý nhà phật.
Trụ trì Thích Trúc Thái Minh chịu trách nhiệm như thế nào sau những hoạt động thỉnh vong tại chùa Ba Vàng. Ảnh: TP. |
Phó Giáo sư Lê Quý Đức cho rằng: “Rao giảng những câu chuyện hoang đường và hướng dẫn những người đến "thỉnh vong giải nghiệp" bỏ ra hàng triệu đồng công đức phải bị lên án.
Chính những nhà tu hành có chức sắc trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã lên tiếng về vong, sao giải hạn… không có trong giáo lý của Phật giáo. Họ cũng lên án, phê phán việc này.
Để kiếm tiền, trục lợi, họ gieo rắc nỗi sợ hãi cho những người đang gặp chuyện bất trắc, chuyện buồn để nộp tiền làm lễ cúng vong, giải nghiệp”.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, trên kênh youtube của bà Phạm Thị Yến có nhiều bài giảng, video phát tán nội dung hoang đường, phản khoa học, nhưng chủ trương "thỉnh oan gia trái chủ" xuất phát từ thầy trụ trì chùa Ba Vàng, là tâm nguyện của Đại đức Thích Trúc Thái Minh.
Đáng nói, số tiền để "thỉnh oan gia trái chủ" có thể gửi qua tài khoản ATM, có thể trả góp, không đủ trả góp thì làm công quả tại chùa Ba Vàng để giải quyết các vấn đề bế tắc đang gặp trong cuộc sống như bệnh tật, làm ăn không thuận, gia đình lục đục...
Về việc này, Phó Giáo sư Lê Quý Đức chỉ ra: “Truyền bá chuyện vong báo oán, quả báo hay nghiệp từ kiếp trước là gieo rắc sự mê tín dị đoan, làm cho con người không còn tin vào mình nữa, thậm chí mất niềm tin vào chính bản thân mình.
Gieo rắc cho người ta như mắc một cái tội tổ tông, vong của kiếp trước để buộc người ta phải cúng dường, hoặc làm công quả tại chùa là hành vi trục lợi, buôn thần bán thánh.
Họ truyền bá vong báo oán khiến con người sợ cái gì đó vô hình. Điều này vừa truyền bá mê tiến vừa làm mất đi năng lực, khả năng của con người để tự khẳng định mình.
Đó là những việc làm, hành vi đi ngược lại giáo lý nhà phật, đi ngược đạo đức và điều này ít nhiều làm giảm uy tín của phật giáo. Nhà chùa sao lại đi làm việc đó”.
Biển chỉ đẫn đến nơi thỉnh giải nghiệp. Hiện khu vực này đã đóng cửa, biển chỉ dẫn đã được cất đi. Ảnh: Mai Phương. |
“Về mặt kinh tế đó là hành vi trục lợi, trục lợi siêu lợi nhuận, mỗi lần làm lễ người ta phải bỏ ra cả triệu đồng, thậm chí cả chục triệu đồng để thỉnh oan gia trái chủ.
Từ đầu năm chúng ta đã nói rất nhiều về việc dâng sao giải hạn rồi, nay lại có việc cũng dường, thỉnh oan gia trái chủ như một hình thức lợi dụng chính sách của nhà nước về tôn giáo để làm những việc sai trái”, Phó Giáo sư Đức nói.
Nói về việc truyền bá vong báo oán giữa thanh thiên bạch nhật một thời gian mà không bị “tuýt còi”, Phó Giáo sư Lê Quý Đức cho rằng có trách nhiệm của chính quyền địa phương. Trách nhiệm quản lý nhà nước của chính quyền địa phương ở đây là chưa hoàn thành để những hoạt động trái giáo lý nhà phật tại chùa Ba Vàng.
Trước đó, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Trần Hữu Sơn cho biết, ông đã xem clip về những người truyền bá tại chùa Ba Vàng và đưa ra những thí dụ mang tính quy chụp, không có căn cứ, xúc phạm cả những người đã khuất.
"Người ta đưa cả sự việc đau xót về cô gái bán gà bị xâm hại ra để làm thí dụ, bình luận bậy bạ, cực đoan. Tệ hơn nữa là những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống để bảo vệ tổ quốc cũng được mang ra làm ví dụ, nói rằng người này bị chết là do kiếp trước gây ra tội ác để kiếp này phải chết trận như vậy", ông Sơn nhấn mạnh.
Nếu không có sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ thì làm sao đất nước hòa bình được, chúng ta phải biết ơn, biết trân trọng những hy sinh ấy. Cho nên phải làm rõ xem những tuyên truyền ấy có thế lực nào đứng sau không, có phải là hành vi phá hoại không?