Vớt vát cho VNEN, một số nơi đang làm trái chỉ đạo của Bộ trưởng

18/10/2016 06:38
Bài và ảnh: Lê Văn Vỵ
(GDVN) - Nhằm “vớt vát” lại một chút cho mô hình trường học mới VNEN, một số nơi đã và đang làm trái Công văn 4068 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

LTS: Sau gần 5 năm (2012 - 2016) triển khai thực hiện mô hình trường học mới VNEN, một số địa phương đã quay lưng lại với mô hình này.

Rất nhiều cán bộ, giáo viên tâm huyết, ngoài và trong cuộc đều đặt ra câu hỏi: “Liệu mô hình trường học mới VNEN có phù hợp với giáo dục Việt Nam hay không?”

Sau đây là ý kiến của thầy giáo Lê Văn Vỵ (một giáo viên ở Hà Tĩnh, người đã viết hàng chục bài phản biện về VNEN đăng trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam).

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!

Sự lựa chọn nhiều bất cập!

Để trả lời câu hỏi liệu mô hình trường học mới VNEN có phù hợp với giáo dục Việt Nam hay không?, chúng tôi đặt ra vấn đề hiện nay Giáo dục Việt Nam đang ở đâu và trả lời nó.  

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, nền giáo dục cách mạng Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu cả về xóa mù, phổ cập cho đến đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước và được thế giới biết đến.

Tại Hà Tĩnh, năm 1995, UNESCO đã tặng xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên giải thưởng Crupxkaia về thành tích xóa mù.

Giáo dục Cẩm Bình đã được 4 lần được Nhà nước phong tặng anh hùng và một thời nổi tiếng về “ngọn đèn làng học”, về mô hình Bình dân học vụ.

Mô hình trường học mới VNEN ra đời từ Cô-lôm-bi-a đã khắc phục được tình trạng thiếu giáo viên, sáng tạo được mô hình tự quản, biến quá trình giáo dục thành tự giáo dục.

Nhưng mô hình này quả là không hợp với giáo dục Việt Nam, vì giáo dục Việt Nam đặt ra trong thế kỷ XXI không phải là vấn đề xóa mù, phổ cập, mà là vấn đề bồi dưỡng nguồn nhân lực đáp ứng sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Việc tìm kiếm mô hình giáo dục tiến tiến vô cùng cấp bách, cần thiết, nhưng mô hình đó tuyệt nhiên không phải là mô hình trường học mới của Cô-lôm-bi-a.

Học sinh lớp 7 ở Hà Tĩnh tán thành bỏ VNEN.
Học sinh lớp 7 ở Hà Tĩnh tán thành bỏ VNEN.

Chúng ta triển khai thí điểm  mô hình trường học mới VNEN trên phạm vi toàn quốc và sau gần 5 năm,  một số địa phương đã quay lưng lại mô hình này, chứng tỏ nó không ưu việt như Dự án đã khuyến cáo!

“Nửa dơi, nửa chuột”

Nghĩa đen của mô hình là hình mẫu, hình chuẩn.

Trả lời câu hỏi mô hình trường học mới VNEN có phải là mẫu và chuẩn không? chúng tôi thấy, mô hình này không mẫu, không chuẩn.

Việc triển khai mô hình  trong thời gian gần 5 năm (2012-2016), thiếu cả một lộ trình triển khai bài bản, cẩn trọng, khoa học, tuân thủ từng bước cần có của một mô hình thực nghiệm.

Học sinh lớp 7C trường Trung học Cơ sở Nam Hà, thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh khuôn mặt tươi vui rạng rỡ khi được bỏ chương trình VNEN.
Học sinh lớp 7C trường Trung học Cơ sở Nam Hà, thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh khuôn mặt tươi vui rạng rỡ khi được bỏ chương trình VNEN.

Sự tùy tiện, vội vàng được biểu hiện ở mấy điểm sau đây:

1. Ở bậc Tiểu học, mô hình bắt đầu từ lớp 2, bỏ qua lớp 1; ở Trung học Cơ sở bắt đầu từ lớp 6.

Rất nhiều giáo viên, phụ huynh học sinh ngỡ ngàng khi thấy mô hình không đầu không cuối, và băn khoăn lo lắng liệu tương lai của mô hình sẽ ra sao có thực hiện ở bậc Trung học Phổ thông hay không?

Có người nghi ngờ mô hình trường học mới chủ yếu nhằm giải ngân một dự án 84,6 triệu USD. Kết thúc dự án, hết tiền là hết mô hình?

2. Dự án mô hình trường học mới VNEN ở Việt Nam (GPE-VNEN) không giám sát được tình hình nên bỏ mặc địa phương mỗi nơi làm một kiểu.

Ví như tại Hà Tĩnh, năm học 2016-2017, Sở Giáo dục và Đào tạo đã triển khai 100% mô hình trường học mới đến các trường Tiểu học, Trung học Cơ sở, bất chấp Nghị định 115/2010/NĐ-CP về thẩm quyền quản lý Nhà nước về giáo dục, bất chấp luật giáo dục và điều lệ trường trung học.

Việc xuất bản, phát hành, kinh doanh sách thử nghiệm khi chưa được Hội đồng quốc gia thẩm định và chưa được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành là hoàn toàn trái với Khoản 3, Điều 29 Luật giáo dục.

Hiện, tại Hà Tĩnh dư luận xôn xao về một triệu bản sách thử nghiệm VNEN với số tiền lên đến 20 tỷ đồng đang được dư luận đặt câu hỏi:

Liệu đây có phải là lợi ích nhóm đã len vào trong mô hình thử nghiệm? (Chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này trong một bài báo riêng).

Trường Trung học Cơ sở Nam Hồng, thị xã Hồng Lĩnh là một trong những trường đã bỏ mô hình VNEN trong năm học 2016-2017.
Trường Trung học Cơ sở Nam Hồng, thị xã Hồng Lĩnh là một trong những trường đã bỏ mô hình VNEN trong năm học 2016-2017.

3. Việc bê nguyên  xi một số phần mô hình trường học mới VNEN từ Cô-lô-bi-a vào Việt Nam như:

“Ngồi theo mâm”, tổ chức lớp và các chức danh: Chủ tịch Hội đồng tự quản, Trưởng ban đối ngoại, học tập,  nhóm Chim sơn ca, nhóm Vui vẻ, nhóm Sáng tạo, nhóm Họa mi đã bị chính các em học sinh khước từ sau một thời gian thực hiện mà tự các em chuyển đổi sang một cách gọi giản dị hơn: Lớp trưởng, Lớp phó, Tổ 1, 2, 3,4.

Điều này chứng tỏ, mô hình trường học mới VNEN đã vỡ trận.

Trường Trung học Cơ sở Nam Hồng (thành phố Hà Tĩnh) là một trong những trường đã bỏ mô hình VNEN trong năm học 2016-2017.
Trường Trung học Cơ sở Nam Hồng (thành phố Hà Tĩnh) là một trong những trường đã bỏ mô hình VNEN trong năm học 2016-2017.

4. Nhằm “vớt vát” lại một chút cho mô hình trường học mới VNEN, một số nơi đã và đang làm trái Công văn 4068 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tại Hà Tĩnh đang có chỉ đạo ngầm vận dụng VNEN vào chương trình truyền thống và ngược lại, điều này đã làm khó cho giáo viên và học sinh, biến mô hình giáo dục thành quái dị “nửa dơi, nửa chuột”.

Nguyện vọng giáo viên, phụ huynh mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo vào cuộc thanh tra toàn diện mô hình trường học mới VNEN; có đánh giá khoa học, chính xác và nhanh chóng kết thúc mô hình này càng sớm càng tốt.

Clip biểu quyết bỏ VNEN của lớp 7, trường Trung học Cơ sở Nam Hồng, thị xã Hồng lĩnh, Hà Tĩnh:

Bài và ảnh: Lê Văn Vỵ