"Vụ án Hàn Đức Long sẽ khiến nhiều người... rợn tóc gáy"

02/08/2014 07:42
Ngọc Quang
(GDVN) - "Căn cứ vào lời tự thú của ông Long và lời khai của một số người, không nhân chứng, không vật chứng mà lại kết tội là phản khoa học", Luật sư Quang khẳng định.

Trao đổi với phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam, Luật sư Nguyễn Đăng Quang - Trưởng văn phòng Luật sư Đăng Quang nhận định: "Vụ án Hàn Đức Long sẽ khiến nhiều người rợn tóc gáy vì có nhiều dấu hiệu bức cung, nhục hình".

Áp lực phải tìm ra thủ phạm

Theo luật sư Nguyễn Đăng Quang, việc TAND Tối cao hủy bản án giao cho Viện KSND Tối cao điều tra lại là xác đáng.

"Qua những thông tin báo chí đã nêu thì vụ án này từ quá trình điều tra cho tới truy tố, xét hỏi ông Hàn Đức Long có nhiều điểm không bình thường", Luật sư Quang nói.

Ông Quang phân tích, đối với những bản án có hiệu lực pháp luật rồi mà xét thấy có biểu hiện vi phạm tố tụng nghiêm trọng trong việc xử lý vụ án như: điều tra, xét hỏi tại phiên toà phiến diện hoặc không đầy đủ; hoặc có sự vi phạm nghiêm trọng tố tụng trong điều tra, truy tố và xét xử thì Chánh án TAND Tối cao sẽ ra quyết định kháng nghị bản án phúc thẩm đã có hiệu lực pháp luật.

"Trường hợp này, VKSND Tối cao sẽ căn cứ vào tính chất của vụ án, nếu xét thấy có dấu hiệu xâm phạm hoạt động tư pháp, tức là quá trình điều tra, truy tố có dấu hiệu ép cung, nhục hình thì VKSND Tối cao sẽ rút vụ án lên để giao cho Cục điều tra của Viện KSND Tối cao điều tra lại, chứ không giao cho Cơ quan điều tra tỉnh Bắc Giang", Luật sư Quang nhận định.

Luật sư Nguyễn Đăng Quang: Nhiều vụ án oan sai bắt nguồn từ đạo đức yến kém của các điều tra viên. Ảnh: Ngọc Quang.
Luật sư Nguyễn Đăng Quang: Nhiều vụ án oan sai bắt nguồn từ đạo đức yến kém của các điều tra viên. Ảnh: Ngọc Quang.

Như vậy, chỉ trong vòng chưa tới 1 năm thì trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã có hai vụ việc điển hình phải hủy án, điều tra lại, đó là vụ án oan sai của ông Nguyễn Thanh Chấn, và bây giờ là vụ án Hàn Đức Long.

Với những diễn biến ở vụ án trong 10 năm qua, dư luận đang rất lo lắng cho ông Long, vì chữa rõ cơ quan nào sẽ nắm trách nhiệm điều tra lại?

Luật sư Nguyễn Đăng Quang: "Vụ án này có tình tiết khó tin ở chỗ, một bà cụ sinh năm 1930 tố giác ông Long cưỡng hiếp cả hai mẹ con bà. Cách đây 10 năm thì bà cụ này đã 74 tuổi rồi, vậy iệu có xảy ra chuyện ấy được không? Điều đó chỉ có thể xảy ra nếu ông Long bị tâm thần, bệnh hoạn".

Luật sư Quang phân tích: "Vụ án này đã kéo dài tới 10 năm trời và những cán bộ điều tra trong vụ ông Nguyễn Thanh Chấn bị oan sai cũng góp mặt tại vụ án điều tra ông Hàn Đức Long. Vì vậy thật dễ hiểu khi dư luận mong chờ Cục điều tra của Viện KSND Tối cao hoặc Cơ quan điều tra Bộ Công an vào cuộc, không giao cho Công an điều tra tỉnh Bắc Giang nữa, vì cơ quan điều tra đại phương đã kéo dài vụ án này nhiều năm, và buộc tội thiếu căn cứ pháp luật. Giống với vụ án oan của ông Chấn, ông Long cũng nhiều lần kêu oan và cho biết mình bị bức cung, nhục hình, cho nên theo tôi dứt khoát không thể giao lại cho cơ quan điều tra của Bắc Giang".

Từ kinh nghiệm hoạt động nghề nghiệp hơn 20 năm qua, Luật sư Quang cho rằng, các điều tra viên đã thiếu thận trọng khi bắt giam, truy tố ông Hàn Đức Long.

"Chỉ căn cứ vào lời tự thú của ông Long và lời khai của một số người, không nhân chứng, không vật chứng mà lại kết tội là thiếu thận trọng. Bắt người thì dễ, nhưng thả ra thì khó, vì lo sợ bị kiện ngược, rồi còn phải chịu áp lực phải tìm ra thủ phạm nên ý chí chủ quan của các điều tra viên chi phối nhiều vào các tình tiết phải xác minh một các khách quan, dẫn tới buộc tội bị can cho dù không đủ chứng lý", Luật sư Quang nói.

Oan sai bắt nguồn từ đạo đức của điều tra viên

Luật sư Nguyễn Đăng Quang chia sẻ, có rất nhiều vụ án mà bị can buộc phải nhận tội với cơ quan điều tra, nhưng khi ra tòa thì họ phản cung và nói thẳng là bị bức cung, nhục hình.

"Cơ quan điều tra làm nhiệm vụ điều tra giam giữ, và vì vậy để cho bị can, bị cáo tự chứng minh bị ép cung nhục hình là rất khó, bởi vì chỉ có một mình bị can, bị cáo với các điều tra viên hoặc kiểm sát viên trong lúc hỏi cung. Chúng ta đã bàn rất nhiều về chuyện này, nhưng cho tới nay chưa có cơ chế gì giám sát trực tiếp hoạt động hỏi cung của điều tra viên", Luật sư Quang cho hay.

Nhắc lại vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn, Luật sư Nguyễn Đăng Quang cho hay, trong quá trình bị can bị tạm giam thì được quyền mời luật sư, nhưng ngay cả việc luật sư tiếp cận thân chủ cũng có khó khăn và phụ thuộc vào Thủ trưởng cơ quan điều tra, điều tra viên.

"Tôi thấy rất tiếc là luật bây giờ mới chỉ quy định những vụ án có mức án cao nhất là chung thân, tử hình thì mới có luật sư, còn lại những vụ án khác thì tùy thuộc vào bị can, bị cáo có mời luật sư không.

Tôi cho rằng phải đưa vào luật, quy định toàn bộ các vụ án hình sự đều phải có luật sư ngay từ khi bị can bị bắt tạm giam, như vậy sẽ hạn chế tối đa bức cung nhục hình. Tất cả các buổi hỏi cung đều phải có luật sư, nếu bị can không đủ khả năng thuê luật sư riêng thì cơ quan nhà nước cần chỉ định luật sư hỗ trợ pháp lý cho họ", Luật sư Quang đề nghị.

Ông Hàn Đức Long bị kết tội dù không đủ các chứng cứ thuyết phục.
Ông Hàn Đức Long bị kết tội dù không đủ các chứng cứ thuyết phục.

Ngay cả khi có mặt luật sư tại các buổi hỏi cung thì sau đó bị can, bị cáo vẫn có thể bị đe dọa, bắt ép phải khai theo yêu cầu của điều ra viên mà luật sư không nhìn thấy. Thí dụ, vụ trong án tù oan 10 năm, ông Nguyễn Thanh Chấn khai bị chuyển buồng giam nhiều lần trong đêm, rồi bị tạm giam vào các phòng có đầu gấu đánh đập, dọa dẫm...

Vậy làm thế nào để ngăn chặn triệt để bức cung nhục hình? Luật sư Quang nói: "Trước đây đã có những ý kiến đề nghị chuyển việc quản lý bị can trong quá trình điều tra về Bộ Tư pháp, tôi ủng hộ ý kiến này, nhằm đảm bảo quyền của bị can, chống bức cung, nhục hình, từ đó sẽ ngăn chặn nhiều vụ oan sai gây bức xúc trong nhân dân".

Cũng theo Luật sư Nguyễn Đăng Quang, đa phần án oan xuất phát từ trình độ (phần nhỏ) và đạo đức yếu kém của cán bộ điều tra (phần lớn). Có những điều tra viên ý thức trách nhiệm không cao, tư tưởng đạo đức không tốt, có thể sai khiến đầu gấu đánh đập bị can, dọa dẫm khiến cho bị can khiếp sợ...

"Bản thân điều tra viên ngoài chuyện đạo đức kém thì còn có tư tưởng điều tra theo hướng buộc tội, tin rằng người bị bắt là chắc chắn có tội, trong khi lẽ ra họ phải điều tra theo hướng suy đoan vô tội và đặt ra mọi giả thiết chứng minh bị can vô tội, nếu không được thì mới chuyển sang buộc tội.

Ở vụ án của ông Hàn Đức Long, cơ quan điều tra tỏ ra bất lực, không điều tra được thì lại dùng cái bài phát động quần chúng tố giác tội phạm. Phát động quần chúng nhưng phải sàng lọc, chứ không phải lấy đó làm cớ bắt người. Bắt rồi thì mới thấy không thuyết phục, nhưng do lo sợ mang tiếng xấu, sợ phải đền bù, và trước cả áp lực phải tìm ra thủ phạm, nên mới dẫn tới bức cung bắt bị can phải nhận tội", ông Quang nói.

Mới đây làm việc với Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, Chủ tịch nước cũng yêu cầu phải nâng cao hơn nữa năng lực điều tra, chống bức cung nhục hình. Hy vọng thời gian tới đây, nhà nước sẽ có nhiều biện pháp thiết thực ngăn chặn tình trạng này.

Ngọc Quang