Vụ án tại Trường ĐH Đồng Nai: Cần làm rõ vì sao vi phạm tồn tại lâu đến thế?

16/10/2024 09:37
Trung Dũng
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Các hành vi của các bị can trong vụ án xảy ra tại Trường ĐH Đồng Nai diễn ra trong thời gian dài (từ năm 2009 đến năm 2021).

Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Đồng Nai mới đây đã ban hành cáo trạng truy tố 8 bị can gồm cựu hiệu trưởng và nhân viên Trường Đại học Đồng Nai.

Trong đó, có bị can Trần Minh Hùng (giữ chức hiệu trưởng Trường đại học Đồng Nai từ tháng 11/2010 đến năm 2019) cùng Nguyễn Gia Bảo (cựu hiệu trưởng tiền nhiệm) bị truy tố tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. (1)

truocdoongtranminhhungnguy-1713071929898-1713081533583-17130815345091280571680.jpg
Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Đồng Nai nghe công bố Lệnh bắt bị can để tạm giam. Ảnh: Báo điện tử Chính phủ

Đáng nói, theo cáo trạng công bố, các hành vi của các bị can đã thực hiện diễn ra trong thời gian dài (từ năm 2009 đến năm 2021) nhưng không bị phát hiện xử lý. Điều này dấy lên trong dư luận nhiều băn khoăn về trách nhiệm quản lý, giám sát hoạt động thu chi tài chính của cơ quan quản lý nhà trường trong thời gian đó ra sao? Đâu là biện pháp hữu hiệu để có thể ngăn chặn những sự việc tương tự có thể xảy ra tại các cơ sở giáo dục đại học khác?.

Được biết, Trường Đại học Đồng Nai được thành lập từ năm 2010 với tiền thân là Trường Cao đẳng Sư phạm Đồng Nai thành lập năm 1997. Đây là cơ sở giáo dục đại học công lập, trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An - Chủ tịch Hội nữ trí thức Thành phố Hà Nội, Đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng, những hành vi vi phạm của các bị can qua hai đời hiệu trưởng mới bị phát hiện là quá dài. Điều này đặt ra câu hỏi về quản lý nhà nước đối với cơ sở giáo dục này.

"Qua thông tin cáo trạng có thể thấy, các cá nhân bị truy tố tại trường đại học này đã vi phạm và vi phạm diễn ra trong nhiều năm mà không được phát hiện xử lý, chấn chỉnh kịp thời. Đó là điều đặt ra nhiều câu hỏi băn khoăn.

Là một trường đại học công lập chịu sự quản lý của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai nhưng lại để sai phạm kéo dài hơn chục năm mới bị phát hiện. Vậy trong thời gian đó vai trò quản lý, giám sát việc nhà trường sử dụng tài chính của cơ quan này được thực hiện ra sao? Điều này rất cần được làm rõ.

Tôi cho rằng, trong việc này không thể không đề cập đến yếu tố buông lỏng quản lý", Phó Giáo sư Bùi Thị An nhận định.

gdvn-bui-thi-an-2-1845-4796.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An - Chủ tịch Hội nữ trí thức Thành phố Hà Nội, Đại biểu Quốc hội khóa XIII. Ảnh: Mạnh Đoàn

Phó Giáo sư Bùi Thị An nhấn mạnh, những hành vi gây ảnh hưởng, thất thoát ngân sách nhà nước, không chỉ riêng với sự việc ở Trường Đại học Đồng Nai mà với bất cứ cơ sở giáo dục công lập nào cũng cần được xử lý nghiêm minh.

Qua đó, Phó Giáo sư Bùi Thị An cũng nêu ra một số đề xuất về giải pháp quản lý tài chính các nhà trường để hạn chế sự việc tương tự có thể xảy ra. Vị này chia sẻ: "Trước hết cơ quan quản lý các trường nên yêu cầu các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm việc minh bạch các khoản thu, chi tài chính. Đảm bảo yếu tố về mức chênh lệch của thu, chi không nhiều so với dự toán công bố.

Ngoài ra, các cơ quan quản lý, đơn vị cấp ngân sách, tài chính cho nhà trường cũng cần thường xuyên kiểm tra hoạt động thu, chi tài chính nhà trường. Đồng thời cần có phương án đối chiếu và giám sát thu, chi để đảm bảo các hoạt động đó của nhà trường là có thực tế".

Các trường cũng cần đổi mới cách quản lý tài chính giống như mô hình doanh nghiệp

Liên quan đến sự việc này, Tiến sĩ Lê Đông Phương, nguyên cán bộ Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng bày tỏ một số quan điểm.

"Nếu không tránh khỏi được cám dỗ của đồng tiền, đi ngược lại với lương tâm thì việc dẫn đến sai phạm là điều không tránh khỏi", Tiến sĩ Lê Đông Phương bày tỏ.

Ngoài ra, vị nguyên cán bộ Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cũng chia sẻ thêm nguyên nhân khác đến từ việc các trường đại học công lập khi chuyển sang tự chủ nhưng có thể vẫn vận hành theo cơ chế kế toán công lập cũ. Vì thế, sự giám sát sẽ không được chặt chẽ, trong khi lỗ hổng pháp lý với việc quản lý tài chính vẫn còn.

ldp vov.png
Tiến sĩ Lê Đông Phương, nguyên cán bộ Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: VOV

Đề cập về giải pháp để hạn chế những vi phạm tương tự có thể xảy ra như với Trường Đại học Đồng Nai, vị này chia sẻ: "Để làm được thì trước hết phải yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học thực hiện nghiêm các quy định về chế độ kế toán, tài chính.

Đồng thời cần tổ chức tập huấn nâng cao năng lực quản lý tài chính cho lãnh đạo nhà trường. Bởi trên thực tế, ngoài những hiệu trưởng cố tình cấu kết để chiếm dụng tài sản công thì một phần do năng lực của lãnh đạo nhà trường chi thiên về quản lý chuyên môn nên có thể chưa nắm bắt hết các mánh khóe của cấp dưới.

Bên cạnh đó, khi cơ quan quản lý đã giao quyền tự chủ cho các trường đại học công lập thì cũng nên ra yêu cầu về việc áp dụng các quy định về quản lý tài chính giống như mô hình của doanh nghiệp hoặc ít nhất là giống với các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập.

Điều này có nghĩa là các trường cũng cần có bộ phận kiểm soát và phải công bố bản cáo bạch tài chính hàng năm để cơ quan quản lý có thể nắm bắt được tình hình thu chi tài chính của nhà trường. Ngoài ra những thông tin chi tiết về tài chính nhà trường cũng cần công khai rộng rãi để cộng đồng có thể giám sát.

Trên thực tế có thể thấy, ở các báo cáo công khai của các trường đại học hiện nay việc minh bạch tài chính vẫn không được thực hiện nghiêm túc, thậm chí nhiều cơ sở không công bố thông tin. Đó là chưa kể việc, trong các báo cáo tài chính của các trường còn thể hiện dưới dạng tổng quan, không có bảng kê chi tiết nên xã hội cũng rất khó giám sát, đối chiếu về khoản thu, chi của nhà trường đã thực hiện ra sao".

Cùng bàn về vấn đề này, ông Bùi Văn Phương (Đại biểu Quốc hội khóa XIII, XIV) cho rằng, để các vi phạm diễn ra trong thời gian như vậy có phần trách nhiệm rất lớn từ phía cơ quan quản lý trực tiếp nhà trường.

Vị này nhấn mạnh: "Qua sự việc này có thể thấy được, chính ban lãnh đạo nhà trường thời kỳ đó cũng đã thiếu tinh thần rèn giũa, tu dưỡng đạo đức. Ngoài ra, còn một nguyên nhân quan trọng đến từ khâu kiểm tra giám sát của cơ quan quản lý trực tiếp nhà trường. Đối với Trường Đại học Đồng Nai chính là trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai thời điểm các vi phạm diễn ra.

Khi để vi phạm diễn ra trong thời gian quá dài, gần chục năm như vậy thì trách nhiệm kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà trường đã được thực hiện ra sao?

Liệu thời điểm đó có xảy ra tình cơ quan quản lý đi kiểm tra nhưng không nhìn ra vi phạm, hay còn có nguyên nhân nào khác. Những điều này dư luận cũng mong cơ quan chức năng làm rõ. Nếu phát hiện ra những hành vi tiêu cực thì cần được xử lý nghiêm minh, có sức răn đe".

Ngoài ra, cũng theo ông Bùi Văn Phương, việc để xảy ra các vi phạm còn có nguyên nhân đến từ khâu tố giác của nội bộ nhà trường thực hiện chưa tốt. Vì thế theo vị này, từ sự việc vừa qua, Trường Đại học Đồng Nai cũng nên thiết lập các kênh thông tin tố giác vi phạm nội bộ, từ đó báo cáo cơ quan quản lý để xử lý sớm, triệt để các vi phạm.

202011041034069026-bui-van-phuong-doan-dbqh-tinh-ninh-binh-3.jpg
Bùi Văn Phương (Đại biểu Quốc hội khóa XIII, XIV). Ảnh: Quochoi.vn

Bên cạnh đó, ông Bùi Văn Phương nêu quan điểm, cơ quan quản lý nên có những quy định chặt chẽ hơn đối với công tác quản lý thu, chi tài chính tại các trường đại học thực hiện tự chủ, tự chủ một phần.

"Sau các sự việc diễn ra chính bản thân nhà trường cũng như các cơ sở giáo dục đại học khác cũng nên rút ra bài học kinh nghiệm, để xác định vi phạm đó bắt đầu từ đâu? Việc phát hiện vi phạm cần những biện pháp gì?... Từ đó mới có những ứng phó kịp thời sau này.

Cơ quan quản lý giáo dục cũng thông qua đó để đề xuất các giải pháp bổ sung luật, chế tài cụ thể, sát sườn hơn để không để tái diễn tình trạng "con voi chui lọt lỗ kim".

Quan trọng nhất vẫn là khâu kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà trường cần được tăng cường và thực chất hơn nữa để cán bộ không thể, không dám làm sai. Vì sai sẽ bị kiểm tra, phát hiện ngay", ông Bùi Văn Phương cho hay.

Tư liệu tham khảo:

(1) https://tuoitre.vn/truy-to-cuu-hieu-truong-truong-dai-hoc-dong-nai-va-thuoc-cap-20241002125945947.htm

Trung Dũng