Cần làm gì để phát triển hệ thống giáo dục ngoài công lập?

15/10/2024 13:54
Thúy Quỳnh
0:00 / 0:00
0:00

GDVN- Hệ thống giáo dục ngoài công lập còn có vai trò quan trọng trong việc giảm bớt sự quá tải cho hệ thống giáo dục công lập.

Vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI "Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế".

Trong đó, có nêu một số nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể: Tăng cường rà soát, sắp xếp, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông bảo đảm đủ trường, lớp học, nhất là ở các thành phố lớn, khu công nghiệp, khu vực đông dân cư và miền núi, bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục; phát triển hệ thống giáo dục ngoài công lập phù hợp với xu thế của thế giới và điều kiện ở Việt Nam, quan tâm đầu tư cho giáo dục chất lượng cao.

Hệ thống giáo dục ngoài công lập góp phần phát triển kinh tế, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Quang Thái - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Long An cho biết, trong bối cảnh hiện nay, sự phát triển của hệ thống giáo dục ngoài công lập nắm giữ nhiều vai trò quan trọng.

Cụ thể: Hệ thống giáo dục ngoài công lập giúp mở rộng quy mô đào tạo, cung cấp thêm nhiều cơ hội học tập cho học sinh, sinh viên, đặc biệt là ở các thành phố lớn nơi có nhu cầu giáo dục cao; đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của học sinh và phụ huynh, bởi cách xây dựng chương trình đào tạo linh hoạt, bao gồm các chương trình quốc tế, các khóa học chuyên biệt.

Bên cạnh đó, hệ thống giáo dục ngoài công lập là một ngành kinh doanh, tạo ra việc làm và đóng góp vào phát triển kinh tế địa phương thông qua việc thu hút đầu tư, phát triển các dịch vụ giáo dục liên quan.

Sự phát triển của các cơ sở giáo dục ngoài công lập cũng tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh với hệ thống công lập, từ đó, thúc đẩy cả hai hệ thống phải chú trọng, cải thiện chất lượng giáo dục để thu hút học sinh.

Giám đốc Sở Nguyễn Quang Thái.jpg
Ông Nguyễn Quang Thái - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Long An. Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Long An cung cấp.

Theo ông Nguyễn Quang Thái, hệ thống giáo dục ngoài công lập còn có vai trò quan trọng trong việc giảm bớt sự quá tải cho hệ thống giáo dục công lập.

Tuy nhiên, vị Giám đốc cũng lưu ý rằng, hệ thống giáo dục ngoài công lập cần được quản lý chặt chẽ để đảm bảo chất lượng giáo dục, không tạo ra sự chênh lệch quá lớn về cơ hội học tập của học sinh.

Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh Long An có 619 cơ sở giáo dục (từ giáo dục mầm non đến giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp) với 338.515 người học.

Trong tổng số cơ sở giáo dục, các cơ sở giáo dục ngoài công lập đạt 8,01% số cơ sở và 6,3% người học. Nếu so với mục tiêu đến năm 2020 và 2025 của Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019 - 2025; thì số cơ sở giáo dục ngoài công lập thấp hơn lần lượt là 0,69% và 5,49%; số người học tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập thấp hơn lần lượt là 2,6% và 9,7%.

Bà Trần Thị Ngọc Châu - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, hệ thống giáo dục ngoài công lập trên địa bàn nổi bật nhất là ở cấp học mầm non, đặc biệt là ở khu đô thị, khu công nghiệp, khu vực đông dân cư.

Sự phát triển của hệ thống giáo dục ngoài công lập, đặc biệt là cấp mầm non đóng vai trò quan trọng góp phần huy động trẻ em mầm non ra lớp, tăng cường khả năng tiếp cận giáo dục mầm non, giảm áp lực cho ngân sách nhà nước, giảm tải cho trường công lập, đảm bảo mọi trẻ em đều có cơ hội đến trường.

Bên cạnh đó, hệ thống giáo dục ngoài công lập cũng đáp ứng nhu cầu đa dạng của phụ huynh về chương trình, phương pháp giáo dục tiên tiến, môi trường học tập, thời gian,...

“Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có nhiều mô hình giáo dục ngoài công lập: trường quốc tế, trường song ngữ, các trung tâm ngoại ngữ và kỹ năng sống,...

Các trường ưu tiên đầu tư vào cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, tạo môi trường học tập tốt cho học sinh. Nhìn chung, sự phát triển của hệ thống giáo dục ngoài công lập trên địa bàn tỉnh đã đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân về các loại hình giáo dục chất lượng cao, đồng thời giảm tải cho hệ thống giáo dục công lập”, nữ Giám đốc Sở chia sẻ.

Bên cạnh những ưu điểm trên, việc phát triển hệ thống giáo dục ngoài công lập trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng còn một số thách thức và hạn chế.

Cụ thể, bà Trần Thị Ngọc Châu chỉ ra: “Chi phí ở các trường ngoài công lập thường cao hơn so với trường công lập, gây khó khăn cho nhiều gia đình. Bên cạnh các trường ngoài công lập theo mô hình chất lượng cao, thì chất lượng của một số cơ sở ngoài công lập còn chênh lệch so với các trường công lập. Hệ thống giáo dục ngoài công lập tập trung chủ yếu ở các khu đô thị, khu công nghiệp như Vũng Tàu, Bà Rịa, Phú Mỹ, các vùng nông thôn còn hạn chế. Riêng đối với giáo dục mầm non, tỷ lệ trẻ học tại các trường ngoài công lập khá cao nên công tác quản lý để đảm bảo chất lượng ổn định và an toàn là một thách thức lớn.

Hệ thống giáo dục ngoài công lập trên địa bàn tỉnh so với các tỉnh trong khu vực và cả nước: Hệ thống giáo dục mầm non phát triển nhanh; giáo dục phổ thông vẫn chưa có mô hình chất lượng cao để phục vụ được nhu cầu đa dạng của người dân”.

Theo đó, để khắc phục hạn chế và bắt kịp với xu thế của thế giới, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có kế hoạch mời gọi những mô hình giáo dục ngoài công lập chất lượng cao, phù hợp với xu thế phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập của địa phương.

IMG_1120.jpeg
Trường mầm non Phước An - Thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo cung cấp.

Năm học 2024 - 2025, toàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 87 trường ngoài công lập, cụ thể: 76 trường mầm non, đạt tỷ lệ 38,9% (theo Nghị quyết số 35/NQ-CP tỷ lệ này là 25%); phổ thông gồm: 3 trường tiểu học, đạt tỷ lệ 1,15%; 8 trường phổ thông nhiều cấp học, đạt tỷ lệ 21,05%; tính chung tỷ lệ ngoài công lập cho cấp phổ thông là 11 trường, đạt tỷ lệ 4,1% (Theo Nghị quyết số 35/NQ-CP, tỷ lệ này là 2,7%).

Ngoài ra, toàn tỉnh có 207 trung tâm ngoại ngữ, tin học; 18 cơ sở hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa.

Bà Phạm Thị Lệ Hằng - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông (Hà Nội) cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn quận Hà Đông có 42 trường ngoài công lập ở cả 3 cấp học. Số trường ngoài công lập này đã hỗ trợ, giảm tải cho các trường công lập rất nhiều. Đồng thời, đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của phụ huynh, học sinh trên địa bàn.

Trong những năm qua, quận Hà Đông rất tích cực trong việc tạo điều kiện cho hệ thống giáo dục ngoài công lập phát triển, giảm tải cho các trường công lập.

Đến nay, nhiều trường thuộc hệ thống giáo dục ngoài công lập đã có chất lượng giảng dạy tốt, cơ sở vật chất tốt và có nhiều phương pháp giảng dạy tiên tiến, những điều này đã góp phần cùng với các trường công lập để nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn”.

IMG_1230.jpeg
Bà Phạm Thị Lệ Hằng – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông (Hà Nội). Ảnh: M.T.

Khó khăn trong tiếp quỹ đất sạch để xây dựng các trường học ngoài công lập

Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Long An, một trong những hỗ trợ lớn nhất dành cho nhà đầu tư trong lĩnh vực giáo dục là được miễn, giảm tiền thuê đất trong suốt quá trình hoạt động. Khi thực hiện dự án, đất phải được hoàn thành công tác thu hồi, đền bù, giải phóng mặt bằng để xây dựng công trình.

Tuy nhiên, do ngân sách địa phương còn hạn chế, chưa thể cân đối, hỗ trợ bồi thường và giải phóng mặt bằng, dẫn đến việc nhà đầu tư gặp khó khăn khi tiếp cận quỹ đất sạch để thực hiện dự án.

Theo đó, ông Nguyễn Quang Thái chỉ ra: “Việc kêu gọi đầu tư các danh mục xây dựng trường mầm non, trường tiểu học ngoài công lập tại các huyện có khu, cụm công nghiệp chưa được các nhà đầu tư quan tâm. Bởi, địa phương còn gặp nhiều khó khăn trong việc có quỹ đất sạch bên ngoài khu, cụm công nghiệp để kêu gọi đầu tư.

Bên cạnh đó, một số nơi địa phương còn tư tưởng trông chờ vào sự đầu tư từ ngân sách nhà nước, chưa đưa ra những giải pháp tác động tích cực, khuyến khích nhà đầu tư để kêu gọi xây dựng cơ sở giáo dục ngoài công lập.

Hiện nay, trong hệ thống giáo dục ngoài công lập trên địa bàn tỉnh Long An, cơ sở vật chất còn khá hạn chế, việc tuyển dụng giáo viên cũng gặp nhiều khó khăn”.

Về phía Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, bà Trần Thị Ngọc Châu, cho biết, bên cạnh những thuận lợi, sự phát triển hệ thống giáo dục ngoài công lập trên địa bàn cũng gặp phải một số thách thức, khó khăn.

Cụ thể: Việc kêu gọi đầu tư các dự án xã hội hóa tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chưa được triển khai đồng bộ, có hệ thống, dẫn đến hiệu quả không cao. Công tác quy hoạch, chuẩn bị để kêu gọi đầu tư chưa tốt; thiếu quỹ đất sạch để đấu giá, giao đất để thực hiện dự án xã hội hoá giáo dục ở những khu vực có điều kiện.Việc giao đất cho nhà đầu tư phải thực hiện nhiều thủ tục; thủ tục lựa chọn nhà đầu tư chưa được hướng dẫn chi tiết.

Một số khu đô thị, khu dân cư, khu nhà ở dành cho công nhân, người thu nhập thấp đã đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động nhưng vẫn chưa bố trí quỹ đất hoặc chưa đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng giáo dục (trường mầm non, trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông).

cô châu.jpeg
Bà Trần Thị Ngọc Châu - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: baobariavungtau.com.vn.

Với mục đích khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và hỗ trợ các cơ sở giáo dục ngoài công lập, thời gian qua, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 5 dự án kêu gọi xã hội hóa giáo dục do Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thực hiện và đang trong quá trình điều chỉnh quy hoạch 1/500 để tổ chức đấu giá cho thuê đất, thực hiện dự án xã hội hóa giáo dục.

Cụ thể: Nghị quyết số 05/2021/NQ-HĐND ngày 17/8/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Quy định mức hỗ trợ đối với trẻ em, giáo viên, cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục ở nơi có khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Nghị quyết này là một nỗ lực đáng ghi nhận nhằm hỗ trợ và phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập tại địa bàn có khu công nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút thêm các nhà đầu tư vào lĩnh vực giáo dục mầm non, góp phần mở rộng quy mô và đa dạng hóa các mô hình trường mầm non. Việc được Nhà nước quan tâm, hỗ trợ đã góp phần nâng cao uy tín của các trường mầm non ngoài công lập, tạo sự tin tưởng của phụ huynh”.

Ngoài ra, Hội đồng nhân dân tỉnh cũng ban hành Nghị quyết số 04/2022/NQ-HĐND ngày 15/7/2022 Quy định về chính sách hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non 05 tuổi, học sinh trung học cơ sở công lập và ngoài công lập giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Theo đó, trẻ em mầm non 05 tuổi học ở cơ sở giáo dục ngoài công lập được hỗ trợ bằng 100% mức thu học phí công lập theo quy định của Hội đồng nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho từng cấp học theo từng năm học.

Bên cạnh đó, Hội đồng nhân nhân tỉnh cũng ban hành Nghị quyết số 11/2024/NQ-HĐND ngày 17/7/2024 Quy định chính sách hỗ trợ học phí cho trẻ nhà trẻ, trẻ mẫu giáo, học sinh và học viên trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, theo đó, trẻ em học ở cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập được hỗ trợ học phí bằng mức thu học phí công lập.

Cần có chính sách để đảm bảo quyền lợi giáo viên cơ sở giáo dục ngoài công lập

Trao đổi về vấn đề quyền lợi, của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được tuyển dụng, làm việc tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập, ông Nguyễn Quang Thái đánh giá, rất cần phải xây dựng, ban hành thêm những chính sách đặc thù, bảo đảm ít nhất ngang bằng với quyền lợi của đội ngũ nhà giáo làm việc tại các cơ sở giáo dục công lập, đặc biệt về tiền lương, tiền công, đảm bảo giáo viên có cuộc sống tốt bằng lương. Quan điểm này nhấn mạnh sự bình đẳng và công bằng trong việc đãi ngộ với các giáo viên, từ đó tạo ra động lực giúp họ cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục.

Ông Thái nhấn mạnh, việc đề xuất chính sách đặc thù cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tại các cơ sở ngoài công lập là cần thiết, nhằm tạo ra một môi trường công bằng, đảm bảo quyền lợi cho tất cả các giáo viên, không phân biệt giữa cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập.

Bên cạnh đó, sự đảm bảo về quyền lợi của giáo viên trong hệ thống giáo dục ngoài công lập ít nhất ngang bằng với giáo viên thuộc hệ thống giáo dục công lập, là một bước quan trọng trong việc thu hút và giữ chân nhân tài, tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục ngoài công lập phát triển, qua đó đóng góp vào mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục toàn xã hội.

Đặc biệt, cần đảm bảo các chế độ như tiền lương, tiền công,... giúp giáo viên có thể sống tốt bằng lương. Đây là yếu tố then chốt để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Tuy nhiên, ông Thái cũng lưu ý rằng, cần có cơ chế giám sát chặt chẽ việc thực hiện chính sách này, đồng thời có chính sách hỗ trợ các cơ sở giáo dục ngoài công lập trong việc thực thi các quy định về quyền lợi của giáo viên.

Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, để đảm bảo cho đội ngũ giáo viên làm việc tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập ổn định cuộc sống và yên tâm phục vụ, cống hiến cho ngành giáo dục, cần có chính sách đặc thù như: hỗ trợ bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội cho đội ngũ giáo viên ngoài công lập từ ngân sách nhà nước.

Bà Trần Thị Ngọc Châu bày tỏ, chú trọng nâng cao chất lượng cho đội ngũ giáo viên là một trong những nhiệm vụ hàng đầu nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.

Hiện nay, công tác bồi dưỡng thường xuyên cho các giáo viên thuộc hệ thống giáo dục công lập đã và đang được quan tâm, thực hiện rất quyết liệt. Tuy nhiên, công tác bồi dưỡng, nâng cao chất lượng cho đội ngũ giáo viên thuộc hệ thống giáo dục ngoài công lập còn gặp khó khăn vì kinh phí đào tạo, bồi dưỡng của giáo viên hệ thống ngoài công lập chưa được quan tâm.

Cụ thể, tại điểm đ, Khoản 2, Điều 1 Thông tư số 36/2018/TT-BTC ngày 30/3/2018 của Bộ Tài chính về Hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức, viên chức nêu quy định đối tượng được áp dụng là viên chức trong sự nghiệp công lập, không có đối tượng ngoài công lập.

Vì vậy, để nâng cao trình độ, chuyên môn đội ngũ giáo viên nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, bà Trần Thị Ngọc Châu đề xuất các Bộ, ngành liên quan có hướng dẫn cụ thể về hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên thuộc hệ thống giáo dục ngoài công lập để phục vụ cho công tác giáo dục - đào tạo từ ngân sách nhà nước.

Tương tự, để nâng cao chất lượng hệ thống giáo dục ngoài công lập trên địa bàn tỉnh Long An, ông Nguyễn Quang Thái cũng đưa ra một số đề xuất:

Thứ nhất, tiếp tục tuyên truyền, quán triệt và triển khai thực hiện các chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước về xã hội hóa giáo dục, điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, về phát triển giáo dục ngoài công lập.

Thứ hai, chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ngoài công lập trên địa bàn; tập trung quy hoạch tổng thể các cơ sở giáo dục để có sự quản lý tập trung, đồng bộ, chủ động kêu gọi xã hội hóa đầu tư, đặc biệt là tại các địa bàn trung tâm, địa bàn có nhiều công nhân, người lao động. Chú trọng công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển trường, lớp.

Thứ ba, thường xuyên tiến hành thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn, đặc biệt là các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục về điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ.

Cụ thể, kiểm tra, giám sát một số điều kiện như: cơ sở vật chất trường, lớp, đồ dùng, đồ chơi, chương trình, tài liệu, trình độ đội ngũ giáo viên, nhân viên đảm bảo theo quy định; phòng tránh bạo hành trẻ; an toàn thực phẩm; công tác phòng cháy, chữa cháy; việc thực hiện đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho giáo viên, nhân viên; việc thành lập tổ chức công đoàn trong các trường mầm non ngoài công lập theo quy định,…

Thứ tư, thường xuyên bồi dưỡng kỹ năng, phương pháp giáo dục và đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục. Hợp đồng, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ đạt chuẩn theo quy định.

Thứ năm, tăng cường phối hợp liên ngành và huy động các tổ chức, đoàn thể, cộng đồng dân cư trong việc giám sát hoạt động của các cơ sở giáo dục, đặc biệt là trường, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục trên địa bàn.

Thứ sáu, nâng cao hiệu quả phương pháp, hình thức tổ chức dạy học và phương pháp, hình thức đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh; vận dụng phù hợp những thành tố tích cực của các mô hình, phương thức giáo dục tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục, đặc biệt là đổi mới tổ chức hoạt động giáo dục trên lớp học; tăng cường tổ chức thực hành trải nghiệm, tích hợp nội dung giáo dục địa phương, vận dụng kiến thức vào thực tế cuộc sống.

Bên cạnh đó, tiếp tục áp dụng một cách phù hợp mô hình trường học mới; thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số trong hoạt động dạy học và quản lý giáo dục của các cấp theo lộ trình, bao gồm ứng dụng công nghệ thông tin trong việc đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức dạy học, kiểm tra, đánh giá; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý quá trình dạy học và quản trị nhà trường.

Cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính để việc thành lập trường ngoài công lập được dễ dàng, thuận lợi

Để phát huy những thế mạnh và khắc phục hạn chế, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục ngoài công lập trên địa bàn, bà Phạm Thị Lệ Hằng - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông có đề xuất: Đối với Ủy ban nhân dân, các cấp lãnh đạo thành phố, cần tạo mọi điều kiện cho hệ thống giáo dục ngoài công lập phát triển, từ đó giảm bớt sự quá tải cho các trường thuộc hệ thống công lập.

Bên cạnh đó, cần cải cách, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, quy trình để việc thành lập trường ngoài công lập được dễ dàng, thuận lợi hơn; miễn giảm những phần thuế, đất liên quan đến xây dựng các trường ngoài công lập.

Mặt khác, cần có hệ thống trường công lập trong các khu đô thị, để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của phụ huynh khi không có đủ điều kiện về tài chính học ở các trường ngoài công lập.

Thúy Quỳnh