Vụ án "Tranh chấp hợp đồng vay tài sản" dân sự giữa nguyên đơn là bà Vũ Thị Vi (SN 1967) trú tại tổ dân phố 3, thị trấn Ngô Đồng, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định; bị đơn là vợ chồng ông Mai Văn Lưu (SN 1953) và bà Trần Thị Oanh (SN 1958) đều trú tại, tổ dân phố 5B, thị trấn Ngô Đồng, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định vẫn chưa có hồi kết.
Trước đó, sau nhiều phiên xét xử, ngày 13/07/2015 TAND huyện Giao Thủy đã quyết định Bản án số 02/2015/2015/DS - ST về vụ án dân sự "Tranh chấp hợp đồng vay tài sản"
Hàng nghìn người dân vùng biển Giao Thủy, Nam Định có mặt trong phiên tòa sơ thẩm hôm 13/03/2015 để theo dõi vụ đòi nợ 1000 chỉ vàng 999. |
Tại bản án này, TAND huyện Giao Thủy quyết định: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Vũ Thị Vi. Buộc vợ chồng bà Trần Thị Oanh, ông Mai Văn Lưu có nghĩa vụ thanh toán cho bà Vi số tiền gốc tại hợp đồng vay tài sản ký kết ngày 11/10/2009 là hơn 1,5 tỷ đồng; số tiền lãi là gần 600 triệu đồng và số tiền gốc theo giấy biên nhận ngày 10/6/2009 là gần 400 triệu đồng; số tiền lãi là hơn 100 triệu đồng tổng cộng tiền gốc là: gần 2 tỷ đồng; lãi là hơn 700 triệu đồng.
Tuy nhiên, không đồng ý với bản án sơ thẩm của TAND huyện Giao Thủy vợ chồng ông Lưu, bà Oanh có đơn kháng cáo.
Ngày 30/5/2016 TAND tỉnh Nam Định mở phiên tòa phúc thẩm xét đơn kháng cáo của phía bị đơn ông Lưu, bà Oanh.
HĐXX cấp phúc thẩm tuyên sửa một phần bản án sơ thẩm buộc vợ chồng bà Oanh, ông Lưu phải có nghĩa vụ trả cho bà Vũ Thị Vy khoản tiền gốc theo Hợp đồng vay tài sản ký kết ngày 11/10/2009 số tiền là 1.500.555.000 đồng; bà Oanh có nghĩa vụ thanh toán cho bà Vy số tiền gốc vay theo giấy biên nhận ngày 10/6/2009 là 382.150.000 đồng; Không chấp nhận yêu cầu của bà Vũ Thị Vy về việc buộc ông Lưu, bà Oanh phải trả tiền lãi cho hai khoản vay trên;
Sau khi bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật vợ chồng ông Lưu, bà Oanh có đơn đề nghị kháng nghị Bản án phúc thẩm số 20/2016/DS-PT ngày 30/5/2016 của TAND tỉnh Nam Định gửi đến Chánh án TAND cấp cao, Viện trưởng VKSND cấp cao tại Hà Nội đề nghị xem xét lại bản án phúc thẩm.
Đồng thời, ông Lưu, bà Oanh đề nghị tạm dừng thi hành án để chờ có kháng nghị của cơ quan tố tụng có thẩm quyền.
Trong đơn kêu cứu của vợ chồng ông Lưu gửi đến Báo điện tử Giáo dục Việt Nam trình bày: "Chúng tôi có nợ nhưng đã có trả, tôi là thương binh loại A, vợ tôi là con liệt sỹ… Chúng tôi không làm những chuyện đó, vì vụ kiện này chúng tôi cũng đã phải cắm cái nhà đang ở và cũng là tài sản lớn nhất để đi đến cùng sự thật. Khẩn thiết các cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết…”.
Đơn cầu cứu khẩn cấp của vợ chồng thương binh Mai Văn Lưu. |
Trước thời điểm diễn ra phiên xét xử cấp phúc thẩm, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nam Định có Quyết định số 05/QĐ/KNPT-P6 Kháng nghị Bản án sơ thẩm 02/2015/STDS ngày 13/7/2015 của TAND huyện Giao Thủy. Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nam Định thấy bản án nêu trên có một số vi phạm nghiêm trọng như sau:
1. Trong vụ án có nhiều mâu thuẫn giữa lời khai của bà Vũ Thị Vi và bà Trần Thị Oanh, ông Mai Văn Lưu nhưng Tòa án cấp sơ thẩm không tiến hành đối chất để làm rõ bản chất vụ án là vi phạm Điều 88, Bộ luật Tố tụng dân sự.
2. Bỏ sót người tham gia tố tụng.
3. Việc tính lãi suất không đủ cơ sơ.
4. Bản án buộc cả ông Lưu phải trả trả nợ khoản nợ gốc gần 400 triệu đồng và lãi hơn 100 triệu đồng là không có cơ sở.
Liên quan đến vụ việc, Luật sư Lê Ngọc Huy Phó trưởng Văn phòng luật sư Bách Gia Luật và Liên danh (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho rằng: “Qua hồ sơ vụ việc bản án phúc thẩm có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, xâm phạm đến quyền lợi hợp pháp của đương sự.
Thứ nhất: Bản án phúc thẩm không giải quyết hậu quả hợp đồng vô hiệu.
Bản án Phúc thẩm nhận định: “đối với khoản vay 420.000.000 đồng bà Oanh viết giấy biên nhận vay của bà Thành. Cấp sơ thẩm nhận định hợp đồng ngày 19/4/2010 là vô hiệu, hơn nữa bà Nguyễn Thị Thành chưa có yêu cầu. Tòa án cấp sơ thẩm không xem xét giải quyết trong vụ án. Cũng tại phiên tòa, bà Vy rút yêu cầu đòi bà Oanh trả khoản vay 420.000.000 đồng theo giấy biên nhận đề ngày 8/6/2009. Do vậy cấp phúc thẩm cũng không xem xét giải quyết.”.
Nhận định trên của HĐXX cấp phúc thẩm Bản án sơ thẩm đã tuyên Hợp đồng vay tài sản ký ngày 19/4/2010 giữa bà Oanh với bà Vy tổng số tiền bà Oanh vay của bà Vy là 802.105.000 (gộp cả 02 giấy biên nhận vay), Trong đó: Giấy biên nhận vay ngày 8/6/2009 số tiền 420.000.000 đồng bà Oanh vay của bà Thành, Giấy biên nhận vay ngày 10/6/2009 bà Oanh vay của bà Vy số tiền 390.000.000 đồng là Hợp đồng vô hiệu không phát sinh hiệu lực.
Tuy nhiên, cả Bản án sơ thẩm và Bản án Phúc thẩm vẫn yêu cầu bà Oanh phải có nghĩa vụ trả nợ cho bà Vy khoản nợ gốc 382.150.000 đồng, đồng thời cũng không xem xét giải quyết hậu quả pháp lý của hợp đồng vô hiệu là vi phạm nghiêm trọng tố tụng, vi phạm Điều 131 và khoản 1, Điều 407 Bộ luật Dân sự năm 2005.
Vụ án đòi nợ 1000 chỉ vàng tại Giao Thủy, Nam Định vẫn chưa đi đến hồi kết thúc. |
Thứ hai: Bản án sơ thẩm và phúc thẩm không đưa bà Nguyễn Thị Thành tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi liên quan, đồng thời chấp thuận cho bà Vy rút một phần yêu cầu đối với khoản vay 420 triệu ngay tại tòa phiên tòa phúc thẩm là “vượt quá phạm vi giới hạn xét xử” quy định Điều 242, vi phạm Điều 269 BLTTDS sửa đổi bổ sung năm 2011 về rút đơn yêu cầu khởi kiện.
Thứ ba: Bản án sơ thẩm và phúc thẩm xem xét và đánh giá chứng cứ không phù hợp với tình tiết khách quan của vụ án gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của Bị đơn là ông Lưu, bà Oanh và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là bà Vui .
Nhận định bản án phúc thẩm không thừa nhận việc bà Vui vay của bà Oanh số tiền 2.001.000.000 đồng (tương đương 870 chỉ vàng), trong đó có khoản tiền 1.500.555.000 đồng (tương đương 651 chỉ vàng) mà bà Oanh vay của bà Vy và số tiền này cũng không chuyển cho Vy mua 02 căn hộ chung cư CT8-CT18.08 và CT8-CT 21.04 tại Khu đô thị Dương Nội, Hà Đông (Hà Nội).
Tuy nhiên qua các tài liệu, chứng cứ như: Lời trình bày, bản tự khai của ông Lưu, bà Oanh và bà Vui có trong hồ sơ vụ án phù hợp với tài liệu chứng cứ là sổ theo dõi nộp tiền mua nhà chung cư Khu đô thị Dương Nội, Hà Đông do bà Vũ Thị Vy thiết lập có lưu bút tích chữ viết của bà Vy, thể hiện bà Vy dùng khoản tiền này nhờ bà Vui mua hộ 02 căn chung cư là có thật, vì vậy bản án phúc thẩm bỏ qua không xem xét tài liệu chứng cứ này là không khách quan, toàn diện.
Ngoài ra, bản án phúc thẩm có sai lầm trong việc tính án phí, lệ phí tòa án đối với Nguyên đơn và Bị đơn.
Về cách tính án phí của bà Vũ Thị Vy: Bản án phúc thẩm không chấp nhận yêu cầu của bà Vy số tiền lãi 729, 223, 850 đồng, buộc bà Vy phải nộp tiền án phí đối với yêu cầu này số tiền là 33.168.000 đồng, theo quy định về yêu cầu của bà Vy khoản tiền 420.000.000 đồng bà Oanh vay của bà Thành (chị chồng bà Vy).
Bản án sơ thẩm nhận định do việc bà Thành không có đơn yêu cầu và bà Thành cũng không ủy quyền cho bà Vy đòi khoản tiền này, nên yêu cầu khởi kiện của bà Vy về khoản tiền 420.000.000 đồng vô hiệu, cấp phúc thẩm còn nhận định tại phiên tòa bà Vy đã rút yêu cầu này nên không xem xét.
Như vậy yêu cầu khởi kiện của bà Vy đã được cấp sơ thẩm xem xét và cho rằng yêu cầu này vô hiệu nên yêu cầu của bà Vy không được tòa án cấp sơ thẩm, phúc thẩm chấp nhận, bà Vy phải nộp tiền án phí đối với yêu cầu này theo quy định tại khoản 4, Điều 27 Pháp lệnh án phí, lệ phí tòa án năm 2009.
Tuy nhiên, cả bản án sơ thẩm, phúc thẩm đều bỏ qua tình tiết này là có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật về án phí, lệ phí tòa án”.