Vùng khó mong ổn định đội ngũ giáo viên trước thềm năm học mới

11/08/2022 06:45
Trần Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Khi có công văn triển khai tuyển dụng biên chế giáo viên mầm non, phổ thông theo Quyết định số 72-QĐ/TW, địa phương mong ổn định đội ngũ trước thềm năm học mới.

Đầu tháng 8, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Công văn 3585/ BGDĐT-NGCBQLGD gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai tuyển dụng biên chế giáo viên mầm non, phổ thông theo Quyết định số 72-QĐ/TW của Bộ Chính trị.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Lê Thị Hương – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị cho biết, ngay sau khi nhận được công văn, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị sẽ làm việc với Sở Nội vụ tỉnh Quảng Trị và các địa phương thuộc tỉnh để thống nhất phương án rồi tổ chức thực hiện.

“Ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh rất mong sớm triển khai vấn đề này để giảm bớt khó khăn về việc thiếu đội ngũ giáo viên thực hiện nhiệm vụ cho năm học mới”, bà Lê Thị Hương nói.

Cũng trao đổi với phóng viên về tình hình thực tế thiếu giáo viên ở địa phương, thầy Nguyễn Sỹ Huấn – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đakrông (một trong những địa bàn khó khăn của tỉnh Quảng Trị) cho biết:

“Hiện trên địa bàn huyện Đakrông, số lượng đơn vị trường học sau khi sáp nhập các cấp học đã có một số biến động. Trên toàn huyện đang có 29 đơn vị trường học, trong đó trường trung học cơ sở, liên cấp và trường tiểu học là 16 trường.

Bước vào năm học 2022 -2023, hiện số lượng giáo viên tiếng Anh trên địa bàn huyện để phục vụ cho chương trình giáo dục phổ thông 2018 là 25 giáo viên.

Nếu xét theo tiêu chuẩn của chương trình mới, đối với môn tiếng Anh, huyện còn thiếu 5 giáo viên cho cấp tiểu học và thiếu 1 giáo viên cho cấp trung học cơ sở.

Đối với môn Tin học, huyện còn thiếu 6 giáo viên cho cấp tiểu học và 2 giáo viên cho cấp trung học cơ sở.

Trước mắt, để khắc phục thì ngành đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân huyện kế hoạch tuyển dụng để Sở Nội vụ thống nhất, xét duyệt bổ sung.

Do thực hiện việc sáp nhập, nên có thể bố trí 1 giáo viên dạy được 2 cấp. Với những địa bàn thuận lợi thì phòng sẽ tổ chức dạy liên trường để đảm bảo số lượng tiết dạy.

Bên cạnh đó, các trường sẽ chủ động tìm giáo viên để hợp đồng giảng dạy theo Nghị quyết 102 của Chính phủ. Việc giải quyết bài toán thiếu giáo viên trước mắt là sẽ ưu tiên tuyển dụng”.

Lớp học ghép ở Trường Tiểu học Ba Nang - Đakrông, địa bàn khó khăn nhất tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Lại Cường

Lớp học ghép ở Trường Tiểu học Ba Nang - Đakrông, địa bàn khó khăn nhất tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Lại Cường

Nói về chủ trương triển khai tuyển dụng biên chế giáo viên mầm non, phổ thông cho năm học mới, thầy Nguyễn Sỹ Huấn cho rằng: “Đây là chủ trương cần thiết trước những yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Đội ngũ có ổn định thì việc thực hiện chương trình mới ổn định và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ năm học mới được”.

“Tuy nhiên, không chỉ tuyển dụng giáo viên, giải quyết vấn đề cơ sở vật chất để phục vụ việc học tiếng Anh và Tin học cũng đang là khó khăn của các trường trên địa bàn huyện Đakrông.

Hiện nhiều trường đang huy động các nguồn lực xã hội hóa, kêu gọi các tổ chức cá nhân ủng hộ, đồng thời chủ động từ nguồn chi thường xuyên.

Thế nhưng, vẫn rất vất vả bởi đầu tư phòng Tin học sẽ rất tốn kinh phí. Các trường đã có phòng Tin học thì máy móc cũng xuống cấp.

Trước thềm năm học mới, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Đakrông sẽ tập trung giải quyết khó khăn từng bước một”, thầy Nguyễn Sỹ Huấn chia sẻ thêm.

Tại Trường Trung học phổ thông Đakrông, thầy Lê Chí Thông – Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường hiện không có giáo viên dạy Âm nhạc và Mỹ thuật.

“Việc bố trí giáo viên dạy 2 môn học này cũng đang gặp một số vướng mắc bởi còn phụ thuộc vào đăng ký của học sinh. Trước đây, khi có kết quả vào 10, trường cũng đã hướng dẫn học sinh đăng ký các môn học. Tuy nhiên, sau khi có sự điều chỉnh của Bộ Giáo dục và Đào tạo, môn Lịch sử là môn bắt buộc, trường phải tổ chức đăng ký lại cho học sinh. Do vậy, việc bố trí giáo viên Âm nhạc và Mỹ thuật vẫn chưa quyết định được cụ thể”, thầy Lê Chí Thông nói.

Một giờ học ở Trường Trung học phổ thông Đakrông. Trước thềm năm học mới, trường chưa có giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Ảnh: Trường Trung học phổ thông Đakrông

Một giờ học ở Trường Trung học phổ thông Đakrông. Trước thềm năm học mới, trường chưa có giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Ảnh: Trường Trung học phổ thông Đakrông

Về việc khắc phục, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Đakrông cho biết:

“Trước mắt, trường sẽ tiến hành hợp đồng với một số giáo viên Âm nhạc và Mỹ thuật ở các trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn. Về lâu dài, việc ổn định đội ngũ giáo viên sẽ là ưu tiên quan trọng”.

Khi được hỏi về vấn đề triển khai tuyển dụng biên chế giáo viên mầm non, phổ thông theo Quyết định số 72-QĐ/TW, thầy Lê Chí Thông cho rằng, việc ổn định đội ngũ giáo viên sẽ đóng vai trò quyết định để thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Do vậy, nếu được triển khai sớm, đội ngũ giáo viên sẽ được ổn định, tránh phải sử dụng đến những biện pháp trước mắt, tạm thời như hiện nay.

Ngày 18/7/2022, Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 72-QĐ/TW về biên chế các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị ở trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy khối trực thuộc trung ương trong giai đoạn 2022-2026. Theo đó, Bộ Chính trị đã giao bổ sung 65.980 biên chế giáo viên trong giai đoạn từ 2022 đến năm 2026, riêng năm học 2022-2023 giao bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lập.

Ngày 2/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Công văn 3585/ BGDĐT-NGCBQLGD gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai tuyển dụng biên chế giáo viên mầm non, phổ thông theo Quyết định số 72-QĐ/TW.

Trong đó, yêu cầu khẩn trương triển khai tổ chức tuyển dụng 27.850 biên chế giáo viên cấp mầm non và phổ thông bổ sung cho các tỉnh, thành phố năm học 2022-2023.

Trần Phương