Cảnh sát biển Việt Nam đang theo dõi các tàu hải cảnh Trung Quốc lượn lờ quan giàn khoan 981 trong thời gian hạ đặt trái phép tại vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam. Ảnh: Thanhnien News. |
Tờ Vượng Báo xuất bản tại Đài Loan hôm nay 15/12 đưa tin, hành vi ngày càng hung hăng của Bắc Kinh trên Biển Đông có thể buộc Mỹ phải tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực để chống lại những hành vi không thể đoán trước từ Trung Quốc. Vượng Báo dẫn bình luận của Linda Jakobson, một nhà nghiên cứu độc lập tại viện Lowy cho biết, hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông đã chuyển từ "kiềm chế" sang "giải quyết".
Trung Quốc có thể điều động một số lượng lớn các tàu thực thi pháp luật hàng hải vỏ trắng của mình để chống lại các lực lượng chức năng Việt Nam trên Biển Đông, Vượng Báo nhấn mạnh. Các động thái leo thang hơn nữa từ Bắc Kinh có thể dẫn đến sự can thiệp quân sự của Mỹ bằng cách sử dụng lực lượng quân sự từ các căn cứ của đồng minh Philippines và khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Từ các căn cứ này, Mỹ sẽ triển khai các tàu chiến mang tên lửa cơ động trong các vùng biển lân cận.
Các nhà nghiên cứu cho rằng chính sách (bành trướng lãnh thổ) của Trung Quốc ở Biển Đông đã trở nên không thể đoán trước kể từ khi các lực lượng địa phương, ban ngành khác nhau của Trung Quốc có thể sử dụng nguồn vốn ưu đãi và sự cho phép của chính quyền để tìm kiếm (thôn tính) tài nguyên nghề cá, du lịch, dầu mỏ (trong vùng biển nước khác mà Bắc Kinh tuyên bố "chủ quyền). Chính quyền Tập Cận Bình sẽ bật đèn xanh cho các hoạt động này.
Nói với Bloomberg qua điện thoại hôm 10/12, bà Linda Jakobson cho biết, chính hành vi không thể đoán trước của Trung Quốc ở Biển Đông đang nuôi dưỡng một cuộc chạy đua vũ trang ở châu Á. Các quốc gia châu Á trong đó có Việt Nam, Singapore và Indonesia đã phản ứng bằng cách tăng chi tiêu quân sự. "Tôi lo ngại về cuộc chạy đua vũ trang đang diễn ra khá rõ. Đó là hệ quả từ sự không chắc chắn về những gì Trung Quốc sẽ làm với sức mạnh của họ."
Trong khi giới ngoại giao thúc đẩy cách tiếp cận của Trung Quốc giải quyết vấn đề Biển Đông thông qua đối thoại, Bắc Kinh vẫn chỉ đạo thực hiện dự án khai hoang, biến đá thành đảo (bất hợp pháp) ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam). Các cuộc đối đầu với tàu cá nước ngoài và các hoạt động thăm dò dầu khí (bất hợp pháp) của Trung Quốc ở Biển Đông đã gây ra những phản ứng mạnh mẽ từ các đối thủ.
Tàu hải cảnh Trung Quốc hung hãn phụt vòi rồng và tìm cách đâm va tàu tuần tra của lực lượng chức năng Việt Nam đang thực thi nhiệm vụ trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam gần nơi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan 981. Ảnh: Tuoitre News. |
Cam kết của Tập Cận Bình về việc phát triển quan hệ "bạn bè và đối tác" với các nước láng giềng đang bị xói mòn khi các cơ quan quyền lực Trung Quốc "có biện pháp nặng tay" để củng cố tuyên bố chủ quyền của mình, Jakobson cho biết trong báo cáo của Viên Lowy với tựa đề "Trung Quốc với chính sách an ninh hàng hải không thể đoán trước".
Theo Jakobson, mặc dù Tập Cận Bình luôn thể hiện mình như một nhà lãnh đạo mạnh mẽ, nhưng những vấn đề mang tính hệ thống và "đứt gãy quyền lực" ở Trung Quốc đang được ông Bình nhường cho vô số thành phần để thúc đẩy chương trình nghị sự của riêng họ. Các thành phần này bao gồm hải quân Trung Quốc, chính quyền các địa phương, các cơ quan bảo vệ pháp luật, các doanh nghiệp khai thác tài nguyên và ngư dân.
Các lực lượng này nắm bắt mọi cơ hội để thuyết phục chính quyền Trung Quốc phê duyệt các dự án mới khai hoang đất, mở ra các cảng cá, các trung tâm cứu hộ, các tuyến du lịch và các tàu tuần tra lớn hơn, trang bị tốt hơn để thăm dò tài nguyên cũng như phát triển các công cụ pháp lý để hệ thống hóa các yêu sách (vô lý, phi pháp) của Trung Quốc. Trong bối cảnh chính trị hiện nay, Tập Cận Bình không thể ngăn chặn bất kỳ hành động nào "nhân danh bảo vệ quyền lợi cho Trung Quốc".
Tập Cận Bình đã nói, điều quan trọng khi bảo vệ chủ quyền là cần phải duy trì sự ổn định, nhưng ông Bình không nói rõ làm thế nào để cân bằng 2 yếu tố này và duy trì sự ổn định. Vì vậy các lực lượng khác nhau ở Trung Quốc sẽ tiếp tục theo đuổi các chiến lược "lợi ích nhóm" của mình trên Biển Đông.