Làm gì để Nội dung Giáo dục địa phương hấp dẫn HS, giúp bảo tồn văn hóa dân tộc

19/04/2024 09:15
Kim Minh Châu
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Ngoài việc giáo dục về văn hóa chung của đất nước, của con người Việt Nam, cũng cần quan tâm đến việc giáo dục và bảo tồn văn hóa của các dân tộc thiểu số.

Nội dung giáo dục địa phương đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Nàng Xô Vi (đoàn Kom Tum) cho rằng, văn hóa dân tộc là nền tảng của một quốc gia, là nguồn cảm hứng và động lực cho sự phát triển.

00b82bb6fdd0538e0ac1.jpg
Đại biểu Quốc hội Nàng Xô Vi (đoàn Kom Tum). Ảnh: NVCC

Việc bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc đồng nghĩa với việc tôn trọng và khuyến khích sự đa dạng văn hóa trong xã hội, và được coi là chiến lược phát triển bền vững của quốc gia. Bởi, điều này không chỉ giúp gìn giữ danh tiếng và bản sắc của quốc gia, mà còn góp phần vào việc thúc đẩy sự đoàn kết và hòa bình giữa các dân tộc, dân tộc thiểu số và tôn giáo khác nhau.

Việt Nam là quốc gia có 54 dân tộc cùng chung sống, sự đa dạng về văn hóa của các dân tộc được thể hiện qua trang phục, phong tục tập quán sinh hoạt, qua tiếng nói, chữ viết, qua lời ca tiếng hát và những điệu múa hay tiếng nhạc cụ…

“Việc bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc không chỉ là trách nhiệm của Chính phủ mà còn là trách nhiệm chung của toàn xã hội, từ các tổ chức giáo dục, các nhà nghiên cứu văn hóa, đến cộng đồng dân cư,… đều cần phải tham gia và hỗ trợ trong việc bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc.

Trong đó, giáo dục là công cụ chủ chốt trong việc truyền đạt, bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc. Thông qua hoạt động giáo dục, người dân được tăng cường hiểu biết của mình về giá trị, truyền thống, và bản sắc văn hóa của dân tộc; từ đó, tăng cường lưu giữ lại những nét đẹp văn hóa ấy thông qua chữ viết, lời nói, nghệ thuật…

Giáo viên và những người hoạt động trong lĩnh vực giáo dục cũng đóng vai trò quan trọng trong việc truyền đạt và gìn giữ những giá trị này cho thế hệ sau” – Đại biểu Nàng Xô Vi nhận định.

Chia sẻ góc nhìn của mình về việc bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc hiện nay, Đại biểu Quốc hội Hồ Thị Minh (đoàn Quảng Trị) – Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, việc bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc đang gặp phải nhiều thách thức.

Đặc biệt, với thế hệ trẻ, nét đẹp văn hóa dân tộc đang dần bị mai một. Minh chứng rõ nhất là việc một bộ phận thế hệ trẻ không hề có kiến thức, sự hiểu biết về lịch sử địa phương, văn hóa dân tộc thiểu số của chính mình; họ cũng không còn sử dụng nhiều ngôn ngữ, trang phục truyền thống của dân tộc…

Tuy nhiên, theo Đại biểu Hồ Thị Minh, với xu thế hội nhập, thời đại công nghệ số như hiện nay, việc quảng bá văn hóa cũng đang có những tín hiệu tích cực, được thực hiện theo những cách mới mẻ thông qua các thiết bị công nghệ thông tin, mạng xã hội,… Điều này giúp cho văn hóa dễ dàng được tiếp cận đến nhiều đối tượng khác nhau, đa chiều, sinh động hơn.

Thư viện 2 Hình ảnh.png
Hoạt động giáo dục STEM của Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Kon Tum. Ảnh: NVCC

Nói sâu hơn về vấn đề văn hóa dân tộc cần được quan tâm trong lĩnh vực giáo dục, các Đại biểu Quốc hội có đề cập đến sự thay đổi của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Theo đó, trong chương trình giáo dục phổ thông mới này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng thêm một môn học mới có tên là giáo dục địa phương vào giảng dạy (gồm những vấn đề cơ bản, mang tính thời sự về văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp của địa phương) nhằm trang bị cho học sinh những hiểu biết về nơi sinh sống, bồi dưỡng cho học sinh tình yêu quê hương, có trách nhiệm với cộng đồng, biết trân trọng và phát huy văn hóa truyền thống quê hương, vận dụng những kiến thức đã học để giải quyết những vấn đề thực tiễn.

Đánh giá về môn học này, Đại biểu Nàng Xô Vi cho rằng: “Việc tích hợp giáo dục về văn hóa dân tộc vào Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là một bước đi quan trọng, phản ánh sự nhận thức cao về vai trò của văn hóa trong quá trình giáo dục”.

Theo đó, giáo dục địa phương đã tạo điều kiện cho học sinh hiểu biết sâu sắc về bản sắc văn hóa dân tộc. Việc đưa môn học này vào giảng dạy giúp học sinh có cơ hội tiếp cận và hiểu biết về văn hóa dân tộc, lịch sử, truyền thống và đặc điểm địa lý của địa phương mình.

Điều này giúp tăng cường sự tự hào và nhận thức về bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời giúp học sinh có cái nhìn tổng quan và sâu sắc hơn về nơi họ sinh sống thông qua những bài học thực tế, hay những bài dạy hoạt động trải nghiệm tại địa phương...

Việc học về văn hóa dân tộc không chỉ là học kiến thức lý thuyết, mà còn là việc rèn luyện kỹ năng giao tiếp, hiểu biết và tôn trọng đa dạng văn hóa. Học sinh được khuyến khích trải nghiệm và thấu hiểu các giá trị, niềm tự hào và cách sinh sống của các dân tộc khác nhau. Từ đó, phát triển tư duy đa văn hóa và kỹ năng giao tiếp hiệu quả của học sinh.

Giáo dục về vấn đề này còn giúp học sinh nhận thức được giá trị của văn hóa truyền thống và ý thức về việc bảo tồn, phát huy nó. Điều này giúp xây dựng ý thức cộng đồng, khích lệ học sinh trở thành những công dân có trách nhiệm, biết trân trọng và giữ gìn văn hóa truyền thống của quê hương.

Tham gia cố vấn và biên soạn tài liệu giáo dục địa phương trong nhiều năm qua, Tiến sĩ Hà Thị Lịch – Phó trưởng phòng Khoa học Công nghệ, Giám đốc Trung tâm khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, Trường Đại học Hùng Vương cho rằng, vai trò của môn học giáo dục địa phương trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là vô cùng quan trọng. Đây là một thành phần hữu cơ của kế hoạch tổng thể thực hiện các hoạt động dạy học, giáo dục của nhà trường.

232a48310274ac2af565.jpg
Học sinh Trường Phổ thông Chất lượng cao Hùng Vương (tỉnh Phú Thọ) tham gia hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm dạy – học Chương trình Giáo dục địa phương tại Bảo tàng Hùng Vương (thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ). Ảnh: NVCC

Ở tỉnh Phú Thọ - nơi cô Lịch công tác, nội dung của giáo dục địa phương gắn liền với các di sản vùng đất Tổ, Lễ hội Đền Hùng... Việc khai thác tốt các di tích lịch sử, giá trị truyền thống văn hóa sẽ giúp ích to lớn trong việc bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc.

Gần đây nhất, ngày 6/4/2024, cô Lịch đã tham gia hỗ trợ Trường Phổ thông Chất lượng cao Hùng Vương (tỉnh Phú Thọ) tổ chức các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm dạy – học trong lĩnh vực lịch sử, văn hóa thuộc Chương trình Giáo dục địa phương lớp 4 (theo Chủ đề 4: Di sản hát Xoan ở Phú Thọ và chủ đề 8: Giỗ Tổ Hùng Vương) tại Bảo tàng Hùng Vương và di tích đền Hùng Lô (thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ).

af6a9066d2237c7d2532.jpg
Trường Phổ thông Chất lượng cao Hùng Vương (tỉnh Phú Thọ) tổ chức các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm dạy – học Chương trình Giáo dục địa phương tại đền Hùng Lô (thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ). Ảnh: NVCC

Đặc biệt, trong hoạt động trải nghiệm tại đền Hùng Lô, học sinh đã được khám phá, trải nghiệm, thực hành hát Xoan cùng các nghệ nhân hát Xoan và được biểu diễn cho khách du lịch quốc tế thưởng thức. Trong nội dung của buổi học, các em còn thực hành bài tập thực hành phỏng vấn nghệ nhân và khách quốc tế những cảm nhận về hát Xoan.

Học sinh được tham gia khám phá, trải nghiệm, thực hành hát Xoan cùng các nghệ nhân và biểu diễn cho khách quốc tế tham quan. Video: NVCC

Sau các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm này, giáo viên của Trường Phổ thông Chất lượng cao Hùng Vương đã tiến hành khảo sát, lấy ý kiến đánh giá của học sinh và phụ huynh. Theo đó, 100% phụ huynh được điều tra đều khẳng định việc cho con em mình tham gia những hoạt động giáo dục như thế này là rất cần thiết và phù hợp, bởi những hiểu biết và hành vi ứng xử của học sinh hiện nay với văn hóa và những vấn đề của địa phương sẽ giúp các em phát triển phẩm chất và năng lực của bản thân.

Bên cạnh đó, có 96,83% học sinh tham gia cảm thấy rất thích thú khi học các chủ đề giáo dục địa phương và mong muốn sẽ tiếp tục được tham gia học tập trải nghiệm ở những nội dung tương tự.

Tiến sĩ Hà Thị Lịch cho rằng: “Sử dụng Bảo tàng Hùng Vương và di tích đền Hùng Lô trong dạy học thông qua tổ chức các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm trong dạy học có ý nghĩa quan trọng và là một giải pháp góp phần triển khai thực hiện dạy học hiệu quả Chương trình Giáo dục địa phương của tỉnh Phú Thọ.

Bởi các tư liệu, hiện vật lưu giữ tại bảo tàng, di tích là nguồn sử liệu tin cậy, giúp học sinh có những biểu tượng sinh động, chân thực, hấp dẫn về lịch một cách trực quan nhất. Qua đó, giúp các em khắc sâu kiến thức cơ bản, tạo thêm niềm vui, hứng thú học tập.

Sử dụng Bảo tàng Hùng Vương trong dạy – học giúp cho học sinh phát triển năng lực tìm hiểu lịch sử, văn hóa, biết cách quan sát, sưu tầm, khai thác, sử dụng tư liệu viết và tư liệu hiện vật để nhận thức lịch sử.

Thông qua quan sát bề ngoài các sự vật, hiện tượng, học sinh sẽ biết tổng hợp, đánh giá sự kiện lịch sử, biết so sánh đối chiếu tìm hiểu bản chất của sự kiện. Qua đó, phát triển năng lực nhận thức và tư duy lịch sử; đồng thời, mở rộng và nâng cao kiến thức, vận dụng kiến thức đã học vào chính việc học tập của mình cũng như thực tiễn cuộc sống.

Bên cạnh đó, tư liệu, hiện vật tại bảo tàng, di tích phản ánh hiện thực lịch sử (gắn liền với những nhân vật lịch sử tiêu biểu, những sự kiện lịch sử điển hình), góp phần khơi dậy lòng tự hào về truyền thống dân tộc. Đó là môi trường lí tưởng để giáo dục học sinh phẩm chất tốt đẹp và niềm tin về cuộc sống, cũng như trách nhiệm đối với việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống quý báu của dân tộc nói chung, địa phương Phú Thọ nói riêng”.

Góp ý thêm cho nội dung giáo dục địa phương của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Đại biểu Hồ Thị Minh cho rằng: “Qua tìm hiểu và nghiên cứu, tôi nhận thấy giáo dục địa phương hiện đang có phần cứng nhắc, chưa có tính riêng biệt, phù hợp với tình hình thực tiễn của từng khu vực.

Ví dụ, ở như tỉnh Quảng Trị là địa phương có địa hình đa dạng (vừa có đồng bằng, vừa có miền núi), lại có nhiều dân tộc cùng sinh sống (người Kinh, người Bru, Vân Kiều và người Pa Cô – Tà Ôi…), được giao thoa văn hóa nên việc áp dụng một chương trình giáo dục địa phương chung trên toàn tỉnh là chưa thực sự phù hợp, chưa thực sự chú trọng vào giáo dục về dân tộc thiểu số.

Vì thế, nên có sự linh hoạt, ngoài giáo dục về văn hóa chung của đất nước, của con người Việt Nam, cũng cần quan tâm đến việc giáo dục và bảo tồn văn hóa của các dân tộc thiểu số”.

Ngoài ra, vị Đại biểu Quốc hội này cũng cho rằng, để hoạt động giáo dục văn hóa dân tộc đi vào chiều sâu và hiệu quả hơn, bên cạnh đội ngũ giáo viên trong trường học, việc đào tạo và hỗ trợ đội ngũ giáo viên, đặc biệt là khuyến khích giáo viên là người dân tộc thiểu số vô cùng cần thiết.

“Bởi có một thực tế, trong các trường phổ thông dân tộc nội trú hiện nay, giáo viên là người dân tộc thiểu số rất ít, thậm chí là hiếm. Vì thế, cần quan tâm, chú trọng đào tạo và hỗ trợ đội ngũ này cũng như các giáo viên nói chung, giúp họ tự tin và giảng dạy có hiệu quả, chính xác về văn hóa dân tộc.

Bên cạnh đó, cần có chính sách, ưu đãi đối với các nghệ nhân của các dân tộc thiểu số, để thực sự tìm được những nghệ nhân đam mê, gắn bó với nghề. Đây sẽ là những người thực sự am hiểu và có tình yêu đối với văn hóa dân tộc”.

Đẩy mạnh phát triển du lịch văn hóa là hướng đi đúng đắn, cần phát huy

Không chỉ phát triển văn hóa trong lĩnh vực giáo dục, trong thời gian vừa qua, những chính sách về việc phát triển du lịch ngày càng được đẩy mạnh ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

“Nếu như trước đây, khách du lịch đến Quảng Trị thường chỉ biết đến các địa điểm gắn với di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu như: Khu di tích lịch sử quốc gia Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải; Thành Cổ Quảng Trị; đường Trường Sơn, Dốc Miếu, sân bay Tà Cơn…, thì nay đã có thêm nhiều điểm du lịch cộng đồng như khu du lịch cộng đồng Klu (Đakrông), Chênh Vênh (xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa); Giếng cổ Gio An (xã Gio An, huyện Gio Linh); khu du lịch Trằm Trà Lộc (xã Hải Hưng, huyện Hải Lăng)... đi vào hoạt động có hiệu quả, mang lại màu sắc tươi mới cho du lịch Quảng Trị.

Những địa điểm này thu hút khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm, góp phần tạo việc làm, tiêu thụ sản phẩm địa phương và tăng thu nhập cho người dân (đặc biệt là chị em phụ nữ dân tộc).

Vì thế, theo tôi đây là một hướng đi đúng đắn, phù hợp với thời đại và cần đẩy mạnh hơn nữa” – Đại biểu Hồ Thị Minh nhận định.

311020220426-ho-thi-minh---quang-tri.jpg
Đại biểu Quốc hội Hồ Thị Minh. Ảnh: Cổng TTĐT Chính phủ

Cũng ủng hộ việc phát triển du lịch văn hóa, Đại biểu Xô Vi cho rằng việc kết hợp chính sách bảo tồn và phát triển du lịch với việc giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số là một phương pháp tích cực và có thể mang lại nhiều lợi ích cho cả cộng đồng và ngành du lịch.

Bởi khi này, ngoài việc giữ gìn những giá trị văn hóa quý báu mà còn tạo ra nguồn thu nhập và cơ hội phát triển cho cộng đồng địa phương, đặc biệt là ở các vùng miền núi và các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nơi mà nguồn thu nhập thường ít ỏi. Việc phát triển du lịch thông qua bảo tồn văn hóa có thể giúp tăng cường hạ tầng du lịch, dịch vụ và hỗ trợ cho các cộng đồng này.

“Tuy nhiên, việc phát triển du lịch cần phải được quản lý một cách cẩn thận để đảm bảo các hoạt động du lịch không gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, văn hóa và cộng đồng địa phương.

Cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan, bao gồm cả Chính phủ, doanh nghiệp du lịch và cộng đồng địa phương, giúp du lịch được phát triển bền vững và có lợi ích cho tất cả mọi người” – Đại biểu Nàng Xô Vi nhấn mạnh.

Kim Minh Châu