Theo đó, các bị can chính của vụ “đại án” này là Nguyễn Bi (sinh năm 1949 - ngụ phường 10 – quận Phú Nhuận – TP. HCM) - nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Vifon, cùng Nguyễn Thanh Huyền (sinh năm 1955 - ngụ phường 12 – quận 10 – TP. HCM) - nguyên Phó Tổng giám đốc Công ty Vifon.
5 bị cáo của vụ "đại án" tham nhũng tại Công ty Vifon đứng trước vành móng ngựa. |
Hai bị cáo này lần lượt bị truy tố tại Tòa với các tội danh: “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản”.
Riêng các đồng phạm của 2 bị cán Bi và Huyền là Đàm Tú Liên (sinh năm 1961 - ngụ phường 8 – quận Phú Nhuận) - nguyên Kế toán trưởng Công ty Vifon, Dương Thị Mẫn (sinh năm 1947 - ngụ phường 11 – quận Bình Thạnh) - nguyên Kế toán thanh toán Công ty Vifon, Ca Thị Thu Hồng (sinh năm 1957 - ngụ phường Tây Thạnh – quận Tân Phú - nguyên Thủ quỹ Công ty Vifon, cùng bị truy tố về tội danh “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Tuy nhiên, có một bất ngờ tại phiên tòa sáng nay, khi một cán bộ đại diện cho Bộ Công thương tham dự phiên xét xử này đã một mực phủ nhận vai trò bị hại của Bộ chủ quản này. Người đại diện này khẳng định, ông ta được cử đến tham dự phiên xét xử này với nhiệm vụ là để quan sát, ghi nhận và về báo cáo lại cho lãnh đạo rút kinh nghiệm. (!?)
Bất ngờ trước diễn biến này, tuy vậy, sau khi hội ý cùng nhau, Hội đồng xét xử vẫn quyết định phiên tòa xét xử vụ án, bởi theo cáo trạng của Viện KSND Tối cao, cơ quan điều tra đã xác định rõ phần thiệt hại tài sản Nhà nước của vụ án này. Mặt khác, theo Hội đồng xét xử, việc phủ nhận vai trò bị hại của đại diện Bộ Công thương là không có cơ sở.
Dự kiến phiên toà sẽ diễn ra trong 6 ngày, từ ngày 21 – 26/11/2013.
Theo cáo trạng của Viện KSND Tối cao, từ năm 2002 đến năm 2006, lợi dụng giai đoạn chuyển đổi từ doanh nghiệp Nhà nước sang doanh nghiệp cổ phần, bị can Nguyễn Bi và bị can Nguyễn Thanh Huyền đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong việc chỉ đạo, thực hiện hạch toán sai tài sản, sai nguồn vốn, lấy tiền của Nhà nước và các cổ đông để đưa vào huy động vốn cho cá nhân, sau đó rút ra chiếm đoạt.
Cơ quan điều tra xác định, trong vụ “đại án” tham nhũng này, bị can Nguyễn Thanh Huyền có vai trò chủ mưu và tổ chức thực hiện các hành vi phạm tội, lợi dụng trách nhiệm của mình để chiếm đoạt gần 9,9 tỷ đồng của Nhà nước, gần 1,4 tỷ đồng vốn tư nhân của các cổ đông.
Chưa hết, Huyền cũng là đồng phạm với bị can Nguyễn Bi chiếm đoạt gần 2,3 tỷ đồng vốn tư nhân của các cổ đông.
Riêng bị can Nguyễn Bi thì có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong việc chỉ đạo Huyền chuyển gần 2,3 tỷ đồng vốn tư nhân vào tài khoản cá nhân để chiếm đoạt. Đồng thời, cựu Tổng Giám đốc Công ty Vifon còn cố ý làm trái khi tự ý lấy 290.000 USD từ Quỹ khen thưởng chi cho bản thân và một số cán bộ lãnh đạo của công ty. Ngoài ra, Bi còn có hành vi cố ý làm trái quy định của nhà nước khi ký quyết định chi thưởng khống gây thiệt hại hơn 3,5 tỷ đồng cho Nhà nước.
Thẩm phán Vũ Phi Long - Chủ tọa phiên tòa đọc bản cáo trạng của vụ án. Ảnh: Báo Phụ nữ TP. HCM |
Được biết, trong quá trình bị bắt tạm giam để điều tra về vụ án này, 2 bị can Nguyễn Bi và Nguyễn Thanh Huyền đã chủ động nộp lại cho cơ quan điều tra gần 9,4 tỷ đồng số tiền đã chiếm dụng của Nhà nước, phần nào khắc phục hậu quả.
Các bị can đồng phạm là Ca Thị Thu Hồng, Dương Thị Mẫn và Đàm Tú Liên biết làm sai nguyên tắc nhưng do tin tưởng và chấp hành mệnh lệnh cấp trên, đã có hành vi làm trái trong việc lập và ký nhiều chứng từ thu – chi giả, tạo điều kiện cho Bi và Huyền chiếm đoạt tài sản của Nhà nước.
Như vậy, sau “đại án” than nhũng tại Công ty cho thuê tài chính II vừa được xét xử vào giữa tháng 11 vừa qua - với 2 mức án tử hình cho các bị can chủ mưu, thì đây lại là một “đại án” tham nhũng khác, được dư luận xã hội hết sức quan tâm.
Được biết, vụ án này cũng là một trong 3 vụ “đại án” tham thũng sẽ được xét xử trong quý 4 năm nay tại Tòa án TP. HCM.
Trước đó, Đại tướng Trần Đại Quang - Bộ trưởng Bộ Công an đã công bố thông tin: Liên ngành tư pháp Trung ương đã nhất trí đưa ra xét xử các vụ án lớn về kinh tế, tham nhũng nội trong quý 4 năm nay.
Trong đó, có 6 vụ án lớn về kinh tế, tham nhũng đã được cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an hoàn tất hồ sơ, chuyển Viện KSND Tối cao là: vụ Dương Chí Dũng - Vinalines, vụ Dương Tự Trọng tổ chức cho Dương Chí Dũng trốn, vụ Ngân hàng ACB - Nguyễn Đức Kiên (sẽ được xét xử tại Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội) và vụ Công ty Vifon, vụ Công ty cho thuê tài chính II (đã xét xử), vụ Huỳnh Thị Huyền Như của Ngân hàng Công thương Việt Nam (xét xử tại Tòa án Nhân dân TP. HCM).
Trong số 6 vụ án này, có 4 vụ đã được Viện KSND Tối cao ra cáo trạng truy tố và chuyển hồ sơ sang tòa án.
Theo nhận định của các chuyên gia về pháp luật, đây là những vụ “đại án” có tác động rất lớn đến tâm lý và dư luận xã hội, gây bất bình lớn trong nhân dân vì số tài sản mà các bị can tham nhũng của Nhà nước là rất lớn. Tuy nhiên, do hạn chế của các quy định hiện tại trong Luật hiện hành, nên việc thu hồi các tài sản Nhà nước đã bị các đối tượng “quan tham” này làm thất thoát là vô cùng khó khăn.