Xin đừng gieo vào đầu trẻ ủng hộ nhiều tiền là tốt, không ủng hộ là xấu

26/10/2020 05:46
Thanh Thủy
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nếu thầy cô gieo vào đầu con trẻ rằng, sự khen thưởng dựa trên số tiền thì khác gì định hướng cho chúng, có tiền là có tất cả.

Những hình ảnh của đồng bào oằn mình chống lũ, những hy sinh mất mát của các chiến sĩ nơi miền Trung ruột thịt đã chạm đến trái tim của tất cả người dân Việt Nam. Nhiều ngôi trường ở vùng lũ vẫn ngập bùn non, quần áo, sách vở, đồ dùng học tập...của thầy và trò đã bị trôi theo dòng nước. Thầy cô và các em sẽ phải cố gắng rất nhiều để sớm vượt qua khó khăn, quay lại trường học.

Nhiều trường học trên cả nước đang phát động ủng hộ người dân miền Trung để góp phần giảm bớt khó khăn.

Ảnh minh họa: Giáo dục và Thời đại

Ảnh minh họa: Giáo dục và Thời đại

Các thầy cô, học sinh, phụ huynh bằng những cách thể hiện, quyên góp khác nhau đang chung tay chia sẻ giúp đỡ đồng bào, các em học sinh ở vùng khó khăn. Các học sinh góp tiền ăn sáng, tiền dành dụm từ heo đất để giúp đỡ các bạn nhỏ mua sách vở, quần áo, đồ dùng học tập sớm quay lại trường học.

Đó là những nghĩa cử tốt đẹp, hành động cụ thể giáo dục các em về sự chia sẻ, yêu thương, tình thần "lá lành đùm lá rách". Tuy nhiên, chúng tôi có nhận được chia sẻ của một độc giả về cách ứng xử "chưa đẹp", thiết nghĩ các giáo viên, trường học cũng cần tránh.

Một phu huynh đang có con học tiểu học tại Hà Nội chia sẻ, lớp phát động ủng hộ các bạn miền Trung. Các em học sinh đều mang phong bì đến lớp nộp cho cô. Tại lớp, cô đã bóc phong bì rồi mời 2 bạn có phong bì nhiều tiền nhất 500.000 đồng đứng lên trước lớp tuyên dương.

Khi được con chia sẻ về câu chuyện, vị phụ huynh này thực sự ít nhiều bày tỏ sự thất vọng về cách ứng xử của giáo viên. Không hiểu cô giáo nghĩ gì khi cư xử như vậy.

Thầy cô là một tấm gương cho trẻ, cách hành xử của thầy cô ít nhiều hướng hành động của trẻ đi theo. Nếu thầy cô gieo vào đầu con trẻ rằng, sự khen thưởng dựa trên số tiền thì khác gì định hướng cho chúng, có tiền là có tất cả.

Những hàng động như trên tự nhiên biến những thứ ý nghĩa thành một cuộc chạy đua con số!

Thực tế, học sinh chưa thể làm gì ra tiền quyên góp, nếu có cũng là của bố mẹ cho các con. Nếu phụ huynh cho các cháu chút tiền ủng hộ để giáo dục truyền thống tương thân tương ái cho trẻ cũng là điều nên làm và nhà trường không nên chạy đua con số. Việc thiện là từ tâm mình, tự bản thân thấy cần phải như thế, chứ không phải nhìn xem người ta ủng hộ bao nhiêu để mình ra một mức.

Câu chuyện của một phụ huynh về hành động "không đẹp" của giáo viên cũng phản ánh 1 góc khác của cộng đồng hiện nay có phần thái quá khi đề cập tới việc ủng hộ Miền Trung. Đôi khi nó bị đẩy tới mức cực đoan: Ủng hộ nhiều là tốt, ủng hộ ít là không tốt, không ủng hộ là xấu hoàn toàn.

Ca sĩ Thuỷ Tiên kêu gọi được hơn 100 tỷ đồng, cô đi vào vùng lũ, tận tay phát quà cho từng nhà, từng người dân gặp khó khăn. Đó thực sự là 1 câu chuyện xúc động và truyền cảm hứng nhất trong mùa lũ lụt. Nhưng người đóng góp 100.000-200.000 đồng hay cụ bà đứng chờ xe đoàn cứu trợ đi qua gửi ủng hộ đồng bào miền Trung một thùng mỳ tôm không có nghĩa là tình cảm dành cho đồng bào ít hơn.

Mỗi người có một cách và theo khả năng, tầm ảnh hưởng, sức lực của mình. Chúng ta dành sự yêu quý, tôn vinh cho những người như Thuỷ Tiên, nhưng không vì thế mà miệt thị hay thiếu tôn trọng những người ủng hộ ít hơn.

Cá nhân tôi, ở phạm vi điều kiện có thể đã chung tay cùng một nhóm bạn, rồi ủng hộ qua đồng nghiệp đang ở chính vùng lũ, cùng toàn thể cơ quan quyên góp, ủng hộ ở chung cư...để có nhiều cơ hội giúp đỡ bà con miền Trung hơn.

Chúng tôi làm không phải để "khoe" thành tích, hay chứng minh điều gì mà chỉ đơn giản, đồng bào của chúng ta đang trong hoàn cảnh khó khăn. Vì thế, cần sự sẻ chia, chung tay giúp đỡ.

Thanh Thủy