Ít ai ngờ rằng, trên con phố Khương Đình (Thanh Xuân, Hà Nội) san sát những ngôi nhà khang trang đẹp đẽ là một ngõ phố của những người đàn bà nghèo, không chồng. Phải hỏi thăm qua ba, bốn người, chúng tôi mới tìm được địa chỉ của những ngôi nhà lụp xụp ấy. Trong một buổi chiều đông lạnh, những ngôi nhà ấy dường như càng buồn và cô đơn hơn…
Nỗi niềm"xóm không chồng"
Gọi là "xóm không chồng" cũng đúng, bởi hơn 2/3 số họ trong xóm thiếu vắng tiếng nói của người đàn ông trụ cột trong gia đình. Hầu hết các cô, các chị sống ở đây đều từng phục vụ trong quân đội hoặc tham gia thanh niên xung phong. Tại các tổ 47, 48, 49 và 50 có nhiều "gia đình đơn" đang sinh sống. Trong số hơn 30 hộ thì có gần 1/3 các cô, các chị là thanh niên xung phong. Các chị khi trở về với đời thường, mỗi người được cấp nửa căn hộ theo diện Nhà nước và nhân dân cùng làm, rộng 9m2. Mỗi người một số phận, một cuộc sống khác nhau, nhưng họ đều chung cảnh vò võ đơn chiếc. Quá lứa nhỡ thì, những phụ nữ này đành tự làm cột trụ, lo cho cuộc sống của chính mình và đảm luôn việc là "nóc nhà" cho những đứa con các chị "tự đẻ, tự nuôi".
Chị Mai mưu sinh bằng nghề bán hoa quả trên phố |
Chị Trần Thị Lam (sinh năm 1950, quê Thái Thụy, Thái Bình) cho biết, chị đi thanh niên xung phong từ năm 18 tuổi. Sau bao nhiêu năm lăn lộn giữa các chiến trường, chị và những người khác đã về đây để thành lập ra "xóm không chồng". Tuổi xuân đã gửi lại chiến trường, về lại đời thường khi đã "quá lứa nhỡ thì", họ đành đi "xin con" về nuôi. Thậm chí, nhiều chị đã vào chùa đi tu vì không chịu được điều tiếng của xã hội về xóm thiếu đàn ông này.
Xóm trưởng của xóm là chị Trần Thị Lập (53 tuổi). Chị cho biết, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, chị định về quê nhưng cha mẹ đã qua đời. Anh em thì đã lấy vợ, lấy chồng hết, nên chị đành trở lại Hà Nội cùng những chị em đi thanh niên xung phong khác, tụ tập sống trong ngôi nhà 9m2. Trong ngôi nhà như túp lều ấy, chị còn làm nghề đồng nát nên trông càng lộn xộn.
Chị Lập cho biết, thanh niên xung phong hồi ấy toàn đàn bà con gái, đi làm đường khắp các tỉnh, thành. Tuổi xuân của chị Lập rong ruổi dành hết cho các cung đường ở các tỉnh miền núi từ Lạng Sơn, Bắc Thái (cũ), Vĩnh Phú (cũ)... ăn ở tập trung nơi lán trại. Năm 1971, chị Lập cùng loạt TNXP ấy chuyển sang làm công nhân viên quốc phòng, sang nước bạn Lào mở đường giúp bạn, vừa làm đường vừa phục vụ chiến đấu. Từ năm 1971 - 1975, những cung đường ở Sầm Nưa, Pắc-xế, Phong-sa-lì... đều in dấu chân các chị.
Tuy sống ở Hà Nội nhưng cuộc sống của họ lại gặp rất nhiều khó khăn, bởi khi từ chiến trường trở về, họ không có nghề nghiệp trong tay. Chị Lập tếu táo: "Những vất vả, hiểm nguy từ chiến tranh những người phụ nữ "chân yếu tay mềm" còn vượt qua được, nên giờ đây cuộc sống có vất vả hơn, chúng tôi cũng không lo sợ. Phải xứng danh "Bộ đội cụ Hồ" chứ!".
Nhọc nhằn mưu sinh
Để tồn tại được giữa Thủ đô, những người phụ nữ lam lũ ấy đã làm đủ nghề để kiếm sống, từ việc thu mua đồng nát, bán hoa quả đến làm "ô sin"... Chị Lê Thị Mai, một công dân của “xóm không chồng” cho biết: "Hồi mới về đây sinh sống, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Vì là những phụ nữ đơn thân nên ban đầu còn bị những người đàn ông không đứng đắn ở đây trêu ghẹo. Có chị đã đi "xin con" ở tận Hải Dương, Hưng Yên... Lớp trẻ con ấy hiện đã lớn, có đứa đã vào đại học, nhưng cuộc sống của chúng tôi vẫn còn vất vả và thiếu thốn nhiều...".
Căn nhà làm nơi ở và thu mua đồng nát của chị Lập |
Chị Mai chia sẻ, chị đang làm nghề "ô sin" trong bệnh viện. Khi người nhà bệnh nhân không muốn vất vả hoặc không có thời gian chăm sóc, họ thuê chị đến trông vào ban đêm, mỗi đêm chị được trả 100.000 đồng. Còn ban ngày, chị đi bán hoa quả trong các con phố gần nhà để trưa còn về nấu cơm cho cậu con trai đang học lớp 11. Có những hôm trời mưa gió, nước ngập cả vào nhà, cả hai mẹ con không ngủ được, đành phải dậy để kê bàn ghế lên. Bù lại, Ngọc Minh (con chị Mai) học rất giỏi và biết nghe lời mẹ, mới học lớp 11 thôi mà cậu đã biết kiếm tiền nhờ nghề gia sư môn toán cho một bé học lớp 3 gần nhà. Với nghề làm "ô sin" bệnh viện và bán hoa quả, tổng thu nhập của chị Mai mỗi tháng được cỡ 3 triệu đồng, hai mẹ con tằn tiện cũng... đủ sống.
Còn với nghề đồng nát của mình, chị Lập đã phải mưu sinh bất kể trời nắng hay mưa. Có những hôm đi vào khu dân cư nhặt rác, còn bị người ta đuổi vì tưởng là... kẻ trộm. Gần đây, chị lại mở điểm thu mua lon nhựa, rác thải tại nhà. Tuy có vất vả nhưng khi nhắc đến cô con gái đang học năm thứ hai trường đại học Công đoàn, mắt chị ánh lên niềm hạnh phúc vô bờ.
Với sự vất vả của cuộc sống thường nhật, nhiều người phụ nữ ở "xóm không chồng" này đã nỗ lực vươn lên. Tuy còn nhiều khó khăn nhưng họ đã đi lên bằng chính đôi chân của mình để nuôi con với niềm mong mỏi, khát khao về một tương lai tươi sáng. Họ chính là các chị như chị Lan, chị Thu, chị Tư, chị Ngọc... Hàng ngày, họ vẫn miệt mài mưu sinh và sống dựa vào nhau, động viên nhau vượt qua những ngày tháng khó khăn của cuộc đời. Tuy đã ở phố gần 30 năm nhưng những người phụ nữ ấy vẫn giữ được nét rất "quê", đó là sự chân thật, cùng nhau đoàn kết trong những lúc "trái gió trở trời"...
Theo chị Mai, cuộc sống của những phụ nữ trong xóm chật vật đủ đường, nếu không chủ động kiếm thêm việc thì sẽ không thể bám trụ nổi nơi thị thành. Trong căn nhà nhỏ như chuồng chim - nơi ăn ở của hai mẹ con chị Thương - mọi thứ đều chắp vá, từ cái nền nhà đến vì kèo trên nóc. Quê chị ở Hưng Yên, tuổi xuân của chị là hai lần đi thanh niên xung phong, rong ruổi khắp Thái Nguyên, Vĩnh Phú (cũ) rồi sang Lào, chịu mưa rừng gió núi khai thác nứa, làm đường... Rời chiến trường với thương tật mất vĩnh viễn 30% sức khỏe, cộng thêm căn bệnh đau đầu và di chứng bệnh sốt rét rừng, chị ngày càng khô quắt. Đành lòng ở vậy, nhưng khát khao được làm mẹ trong chị vẫn cồn cào... Một cuộc tình chóng vánh đã cho chị một đứa con, từ đó hai mẹ con chị rau cháo nuôi nhau. Dường như những đứa trẻ ấy lớn lên rất biết hoàn cảnh của mình nên phần đa chúng là những đứa trẻ "dễ bảo", biết giúp đỡ mẹ từ lúc lên 5, lên 7...
Nhiều người ví von, ở cái "xóm không chồng" này, những người phụ nữ cô đơn chỉ "cười nửa miệng". Bởi ngoài trách nhiệm làm mẹ, họ còn gánh thêm nhiệm vụ làm cha cho những đứa trẻ không biết mặt bố mình. Trong "ngõ nỗi buồn" ấy, họ sống với nhau thật lòng, vì họ đồng cảnh ngộ. Nhiều chị cho biết, có những lúc nản lòng vì cuộc sống quá khó khăn, họ định bỏ phố về quê nhưng nhìn vào đôi mắt trong veo của những đứa trẻ mà các chị yêu hơn chính bản thân mình, họ lại có thêm nghị lực để mưu sinh cho đứa con một tương lai tốt đẹp hơn nơi phố phường này.
Chị Trần Thị Lam cho biết thêm, các cấp chính quyền cũng quan tâm đến những người phụ nữ đã từng đi thanh niên xung phong, nhưng do cuộc sống còn nhiều khó khăn nên họ vẫn phải tự lực vươn lên trong cuộc sống. Trong lòng những con phố ồn ào ấy, "xóm không chồng" vẫn lặng lẽ tồn tại như một minh chứng cho sức sống mãnh liệt của người phụ nữ trưởng thành từ chiến tranh.