Hai bộ sách giáo khoa biến mất là quy luật kinh tế thị trường?

24/03/2021 06:59
Lê Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhiều người nhận định, việc hai bộ sách bỗng dưng biến mất là do thị phần của nó thấp, là do quy luật kinh tế thị trường.

Bắt đầu từ năm học 2020-2021, ngành giáo dục triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở lớp 1 với 5 bộ sách giáo khoa.

Trong đó, có 4 bộ sách của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và bộ sách Cánh Diều (của 3 đơn vị: Nhà xuất bản Đại học Sư phạm; Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh và Công ty Đầu tư Xuất bản-Thiết bị giáo dục Việt Nam).

Năm học 2021-2022, ngành giáo dục tiếp tục triển khai chương trình mới ở lớp 2 và lớp 6 nhưng Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chỉ còn phát hành 2 bộ sách giáo khoa (Chân trời sáng tạo và Kết nối tri thức với cuộc sống).

Hai bộ sách giáo khoa (Cùng học để phát triển năng lực và Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục) bị “chết yểu” sau một năm “tuổi thọ” đã gây bất ngờ cho giáo viên, học sinh nói riêng và xã hội nói chung.

Đã có ý kiến đề xuất điều tra tác động của việc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam bỏ hai bộ sách giáo khoa (Cùng học để phát triển năng lực và Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục) đã tác động như thế nào đến xã hội? [1]

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến thẳng thắn chỉ ra, Nhà xuất bản Giáo dục “Thiếu minh bạch và nhất quán trong triển khai sách giáo khoa mới”.[2]

Cùng với đó là sự thiếu trách nhiệm của cơ quan chuyên trách “Có tới bốn bộ sách giáo khoa lớp 1 bị phát hiện hàng loạt "sạn" cần được chỉnh sửa nhưng đến thời điểm này, Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ Giáo dục và Ðào tạo), đơn vị tổ chức thẩm định lại không công bố công khai giải pháp khắc phục.

Trong khi đó, sách giáo khoa lớp 2 do Nhà xuất bản Giáo dục biên soạn lại "biến mất" hai bộ so với lớp 1, khiến cho nhiều giáo viên, phụ huynh bức xúc bởi sự thiếu nhất quán của đơn vị này”.[2]

Hai bộ sách giáo khoa "biến mất" là do quy luật kinh tế thị trường?

Hai bộ sách giáo khoa bỗng dưng "biến mất" được Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam giải thích là muốn hợp nhất 4 bộ sách thành hai bộ sách tốt hơn.

Ông Nguyễn Văn Tùng - Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã khẳng định: “Mục tiêu hợp nhất là nhằm tập trung tối đa nguồn lực trí tuệ của đội ngũ tác giả;

Tập trung nguồn lực tài chính đầu tư cho công tác biên soạn sách giáo khoa , phát triển sách giáo khoa giấy đồng bộ với sách và học liệu điện tử cũng như nâng cao chất lượng công tác tập huấn sử dụng sách giáo khoa mới; Tiết giảm tối đa chi phí nhằm có được các bộ sách giáo khoa có chất lượng cao hơn nữa về nội dung, hình thức, hợp lí về giá thành”.[3]

Như vậy, người tiêu dùng nói chung, học sinh nói riêng sẽ được sử dụng sản phẩm vừa tốt, vừa rẻ trong năm học 2021-2022!

Đó có phải là sự thật? Nhìn vào tổng hợp tỷ lệ lựa chọn sách giáo khoa lớp 1 năm học 2020-2021 được Bộ Giáo dục tổng hợp thì không phải như thế.

Tỷ lệ lựa chọn sách giáo khoa lớp 1 năm học 2020-2021. (Ảnh chụp màn hình)

Tỷ lệ lựa chọn sách giáo khoa lớp 1 năm học 2020-2021. (Ảnh chụp màn hình)

Tỷ lệ lựa chọn sách giáo khoa lớp 1 năm học 2020-2021 chính là thị phần của mỗi bộ sách. Bộ sách “Cùng học để phát triển năng lực” chiếm 14% thị phần; bộ sách “Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục” chỉ chiếm 8% thị phần.

Nhìn vào biểu đồ trên, rất nhiều người nhận định, việc hai bộ sách bỗng dưng biến mất là do thị phần của nó thấp, là do quy luật kinh tế thị trường.

Vấn đề đặt ra khi hai bộ sách giáo khoa lớp 1 của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam bị biến mất?

Thứ nhất, các địa phương đã chọn hai bộ sách “Cùng học để phát triển năng lực”, “Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục” có tiếp tục chọn lại hai bộ sách này trong năm học 2021-2022 không? Theo người viết, chắc chắn không.

Khối 1 cả nước có khoảng hơn 2 triệu học sinh, như vậy sẽ lãng phí khoảng 440.000 bộ sách lớp 1, tương đương 88 tỷ đồng trở thành phế liệu, không tái sử dụng được.

Thứ hai, mỗi bộ sách có một triết lý khác nhau, như vậy năm học sau sẽ có 440.000 học sinh phải “nhập môn” triết lý mới.

Thứ ba, nếu năm sau Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tiếp tục “hợp nhất”, hậu quả sẽ khó lường hơn nhiều, tác hại của nó rất lớn khi chúng ta còn dạy và học theo sách giáo khoa chứ không phải theo chương trình.

Thứ tư, với cơ chế kinh tế thị trường, vì thua lỗ trong kinh doanh hay muốn có chiến lược kinh doanh khác, các nhà xuất bản đồng loạt nghỉ làm sách giáo khoa, Bộ Giáo dục lấy đâu ra sách giáo khoa để dạy?

Việc triển khai chương trình mới không thể vì không có sách giáo khoa phải dừng lại. Vì vậy, việc hai bộ sách của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam biến mất cũng là cái hay, để Bộ Giáo dục lường trước được các kịch bản để xử lý kịp thời.

Chuẩn đào tạo giáo viên đã được nâng lên Cử nhân, đủ điều kiện để triển khai chương trình mới không cần phụ thuộc vào sách giáo khoa.

Nên chăng, đã đến lúc Bộ Giáo dục cần có chiến lược truyền thông, bồi dưỡng chương trình mới đi sâu vào thực chất, tránh hình thức như hiện nay.

Đảm bảo giáo viên đạt chuẩn đào tạo, hoàn thành bồi dưỡng chương trình mới là đủ điều kiện triển khai chương trình, dạy, học không phụ thuộc loại sách giáo khoa nào như các nước tiên tiến.

Dạy và học theo chương trình chứ không phải sách giáo khoa là mục đích của chương trình mới và nâng chuẩn đào tạo giáo viên.

Dạy và học theo chương trình chứ không phải sách giáo khoa phải đạt được khi giáo viên hoàn thành bồi dưỡng chương trình mới.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://congluan.vn/can-danh-gia-tac-dong-cua-viec-xoa-bo-hai-bo-sach-giao-khoa-post124319.html

[2]https://nhandan.com.vn/tin-tuc-giao-duc/thieu-minh-bach-va-nhat-quan-trong-trien-khai-sach-giao-khoa-moi-639412/

[3] https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/hop-nhat-de-sgk-toan-dien-ve-chat-luong-va-gia-thanh-pElKc08GR.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Lê Mai