Unilever bị phạt gần 4 tỉ đồng vì bán mỹ phẩm nhập khẩu trái phép:

Người dân thực sự hoang mang vì cách tiêu thụ hàng "chui" của Unilever

01/10/2012 07:12
Độc giả Đỗ Thùy Linh
(GDVN) - "Trong khi các cơ quan chức năng đang tiến hành xác minh thì Unilever đã cho tiêu thụ toàn bộ số hàng hóa trị giá nhiều tỷ đồng ngoài thị trường, vậy ai sẽ đảm bảo chất lượng và liệu người tiêu dùng như chúng tôi có an tâm khi dùng những sản phẩm này đang bán ngoài thị trường...", độc giả Đỗ Thùy Linh bày tỏ.
Ngay sau khi Báo điện tử Giáo dục Việt Nam thông tin về vụ việc Unilever bị phạt gần 4 tỉ đồng vì bán mỹ phẩm nhập khẩu trái phép, tòa soạn đã nhận được rất nhiều ý kiến của độc giả. Một trong những ý kiến đó là của độc giả Đỗ Thùy Linh. Mời bạn đọc cùng theo dõi: Những ngày qua, như rất nhiều người tiêu dùng khác, cá nhân tôi đã theo dõi rất kỹ những thông tin xung quanh vụ việc Công ty TNHH quốc tế Unilever, là Tập đoàn của Anh và Hà Lan chuyên sản xuất hóa mỹ phẩm và hàng tiêu dùng, đã bị phát hiện cố tình tiêu thụ hàng chục ngàn thùng mỹ phẩm mà không có giấy phép nhập khẩu. Đồng thời, đơn vị này cũng phải chịu hình phạt với số tiền lên tới gần 4 tỷ đồng.
ảnh minh họa (nguồn Internet)
ảnh minh họa (nguồn Internet)

Sau khi đọc xong thông tin này, là một người tiêu dùng, cá nhân tôi thực sự đã cảm thấy phát hoảng với những hành vi gian lận thương mại đến trắng trợn của một thương hiệu đã có uy tín ở nhiều nước trên thế giới và ở Việt Nam.
Trước hết, như chúng ta đều biết những tác dụng, đồng thời là những tác hại của mỹ phẩm có thể gây ra đối với con người. Vì vậy, để đảm bảo sức khỏe, an toàn cho người dùng thì việc đầu tiên cần phải được xác thực đó là nguồn gốc, sau đó là chất lượng của sản phẩm phải được thông tin rõ ràng và phải được các cơ quan chức năng kiểm tra, chứng nhận. Tuy nhiên, trong khi các cơ quan chức năng còn đang xác minh, điều tra về lô hàng này thì Unilever đã "tuồn" toàn bộ sản phẩm ra ngoài thị trường để tiêu thụ. Việc làm như vậy, theo ý kiến của cá nhân tôi, là hoàn toàn không thể chấp nhận được, đặc biệt với một thương hiệu đa quốc gia luôn nhấn mạnh về sự uy tín, đảm bảo chất lượng của mình. Hàng chục ngàn sản phẩm mỹ phẩm đã bị "tuồn" trái phép ra ngoài thị trường, nếu đảm bảo chất lượng, an toàn tốt với người sử dụng thì không sao những nếu không tốt, xảy ra sự cố thì ai sẽ là người đứng ra đảm bảo chất lượng đây? Thêm vào đó, việc hàng chục ngàn sản phẩm được đưa trái phép ra ngoài thị trường như vậy cũng khiến cho những người tiêu dùng như chúng tôi không khỏi phải đặt ra câu hỏi nghi ngờ rằng, liệu chúng tôi có yên tâm để sử dụng các sản phẩm mỹ phẩm đang bán ngoài thị trường của Unilever không đây? Tôi không hề có ý gì nhưng thực tế, đã có trường hợp, một số doanh nghiệp sau khi bị khách hàng "tố" về chất lượng sản phẩm có vấn đề đều chơi ván bài "lật lọng", chối bỏ trách nhiệm và coi đây không phải là sản phẩm không phải của doanh nghiệp, sản phẩm là hàng nhái, hàng nhập lậu... Liệu rằng, trong trường hợp này, có khả năng xảy ra câu chuyện như vậy không? Đó là chưa kể đến việc, dù đã bị cơ quan hải quan thành phố Hồ Chí Minh lập biên bản vi phạm nhưng Unliever vẫn dây dưa, cố tình không chấp hành và mãi đến ngày 13/2, Công ty Unilever Việt Nam mới "thú nhận" việc đã mang toàn bộ hàng hóa trên đi tiêu thụ thị trường.  Chưa hết, không những không chấp hành hình phạt, tháng 4/2012, Công ty này còn khiếu nại, xin bổ sung giấy phép nhập khẩu và yêu cầu được giảm mức phạt... Tuy nhiên, khiếu nại này đã bị Tổng cục Hải quan bác và yêu cầu chấp hành hình phạt.
ảnh minh họa (nguồn Internet)
ảnh minh họa (nguồn Internet)

Như đã nói, bản thân tôi được nghe nhiều quảng cáo và biết Unilever là một thương hiệu lớn, đa quốc gia và ở Việt Nam đã có hàng chục năm kinh nghiệm trong việc sản xuất, cung cấp các ngành hàng tiêu dùng. Nhưng giờ đây, khi mắc phải sai phạm lại cố tình dây dưa, tìm cách nọ, cách kia..., liệu rằng có phải đây là thể hiện lên sự coi thường các cơ quan chức năng, coi thường pháp luật của nước sở tại chăng? Một thương hiệu uy tín theo tôi hiểu là một thương hiệu luôn đảm bảo sự coi trọng, bảo đảm quyền lợi chính đáng đối với người tiêu dùng và chấp hành nghiêm chỉnh luật pháp. Nhưng với cách làm ở đây của Unilever dường như lại cho thấy là sự coi thường tất cả người tiêu dùng và các cơ quan chức năng. Và thực sự, với những gì đã nhấn mạnh ở trên, cá nhân tôi, khi nhìn vào đây, tôi cảm thấy 'phát hoảng' với cách làm ở đây của Unilever...* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết, những ý kiến của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
Độc giả Đỗ Thùy Linh