Chuyện của Huyền

29/05/2012 21:28
Bùi Trang (Lớp báo in K29a2, HVBC&TT)
(GDVN)- Đang kể chuyện mà những giọt nước mắt của chị chỉ trực để trào ra. Với bản tính nhanh nhẹn, chị đưa tay lên để kịp giấu những giọt nước mắt ấy và tiếp tục kể cho tôi nghe câu chuyện cuộc đời mình.
Biết có người đến thăm, Huyền đang nhóm bếp vui vẻ ra mời chào. Dáng hình chị nhỏ nhắn. Tấm lưng còng. Đôi chân không thể bước thẳng mà ngoẹo ngọ. Bù lại, chị có giọng nói to và rõ ràng. Đôi mắt sáng và khuôn mặt tươi cười luôn làm cho người đối diện có cảm giác thân quen.

Số phận quá bất hạnh!

Trong một gia đình hàng chục năm thuộc diện hộ nghèo của thôn Bến Cuối, xã Trung Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình có một người bố tên Nguyễn Văn Yết, năm nay 63 tuổi. Từ khi sinh ra, cái bướu trên khuôn mặt ông cứ lớn dần và biến dạng. Vì khuôn mặt ấy mà bao nhiêu năm nay, người ta không còn thấy những sắc thái buồn vui của ông. Ông kể: “Gia đình tôi nghèo lắm, cả tài sản chỉ có chiếc xe đạp thôi! Ngôi nhà chúng tôi đang ở khang trang hơn là nhờ có chút tiền đền bù đất đai của công ty xi măng đó”. Đang dở câu chuyện, ông quay sang đứa con gái tên Nguyễn Thị Huyền và nói: “Số tôi khổ nhưng nó mới là đứa vất vả nhất cái nhà này.”

Gia đình nghèo không còn trụ cột bên căn nhà mới được sửa sang (Ảnh: Bùi Trang)
Gia đình nghèo không còn trụ cột bên căn nhà mới được sửa sang (Ảnh: Bùi Trang)

Nguyễn Thị Huyền là người con thứ hai trong gia đình nghèo ấy. Trong 6 anh chị em, Huyền là người có thân hình nhỏ nhắn nhất với cân nặng chỉ 28 kg. Ở cái tuổi 37, dù trời không thương cho chị một hình hài cân đối, nhưng cũng đừng bắt chị phải mang một khuôn mặt khắc khổ đến thế! Khuôn mặt của Huyền nhiều nếp nhăn có lẽ là vì phải chịu nhiều vất vả, lại thêm phần nhiều lo toan, suy nghĩ nên Huyền đã mất đi cái vẻ tươi tắn từ khi nào không hay biết. Dù thế, suốt buổi nói chuyện, chị vẫn luôn cười, như là cách lôi cuốn tôi vào câu chuyện của chị.

Giọng chị trầm hẳn khi kể tiếp câu chuyện mà cả đời chị không thể nào quên được. “Nếu như không có lần tắm mưa ấy, có khi chị không còn sống tới bây giờ”. Câu chuyện hồi 8 tuổi như một lần tái sinh trong cuộc đời chị. Đó là vào khoảng tháng 7/1984, chị ốm nặng. Gia đình gắng sức vay mượn 20 nghìn đồng để lo thuốc thang cho chị cũng chẳng xong. Ai cũng nghĩ chị đã tắt thở trong cái hôm mưa giông ấy. Vậy mà, chị đã ngồi dậy được sau cái lần tắm mưa mà họ hàng tưởng là “thủ tục” để tiễn biệt chị.

Chỉ trong khoảng thời gian ngắn, những tai họa dồn dập ập đến với gia đình nghèo. Mẹ, chị gái và em út của Huyền cùng mất trong một tai nạn thương tâm. Rồi cái ngày 19 tháng Giêng (âm lịch) năm 2008 luôn đeo đẳng mãi trong trí nhớ của chị khi hay tin em trai bị tai nạn ở mỏ đá Trung Sơn. Huyền kể: “Bữa cơm tối hôm trước chị em còn nhường nhau cái đùi gà. Hôm sau, có ai ngờ tai nạn ập đến nhanh thế”.

 Một năm sau đó, người em trai thứ 5 cũng ra đi vì tai nạn mỏ đá. Người em gái thứ ba trong gia đình thì chẳng may bị người ta “lừa” đi Trung Quốc. Vậy là trong căn nhà tuềnh toàng ấy, người em dâu đang nuôi hai đứa con trở thành lao động chính với công việc nấu cơm thuê cho một xí nghiệp sản xuất đá ở xã Trung Sơn. Hai đứa trẻ là niềm vui lớn nhất của cả gia đình. Mọi người gắn bó và yêu thương nhau, gắng sống cho sao đủ ăn, đủ mặc. Sao cho hai đứa trẻ được đến trường bằng bạn, bằng bè.

Ngày ngày chị Huyền vẫn cần mẫn đưa từng dường kim, mũi chỉ bên khung thêu để kiếm thêm thu nhập cho gia đình (Ảnh: Bùi Trang)
Ngày ngày chị Huyền vẫn cần mẫn đưa từng dường kim, mũi chỉ bên khung thêu
để kiếm thêm thu nhập cho gia đình (Ảnh: Bùi Trang)

Sinh ra vốn không được học hành, cho đến nay Huyền vẫn là một người mù chữ. Huyền cho biết: “Ngoài cái tên (được một người bạn dạy), chị không biết đọc, biết viết một chữ nào hết”. Mỗi lần được lĩnh tiền công thêu, Huyền chỉ biết cố gắng viết cho được cái tên rồi vui vẻ nhận tiền vậy thôi!
Căn bệnh teo quắp chân tay không cho chị sức khỏe và thân hình như những người bình thường khác. Việc đi lại và sinh hoạt của Huyền gặp nhiều khó khăn. Ngày thường, khắp người chị đau mỏi. Nhiều lúc vì đau quá mà chị đứng ngồi không yên. Chị đã từng bắt cua, bắt ốc rồi làm mọi việc có thể để kiếm tiền. Giờ đây, vì thương em dâu, Huyền cũng lo làm mọi việc lớn bé trong gia đình… Khi thì chị nấu cơm, khi thì giặt quần áo. Chị còn học thêu để tự tạo cho mình việc làm, đồng thời có tiền để trang trải cho cuộc sống của gia đình, phụ giúp em dâu.

Trở thành “cô giáo” dạy thêu

Hỏi vì sao chị tìm đến với nghề thêu, chị kể lại: “Năm 2008, biết tin Trung tâm bảo trợ xã hội Minh Đức của bà Bùi Thị Minh Thức (thị trấn Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình) đang tuyển người học nghề, chị mạnh dạn đăng kí xin học nghề thêu ren”. Không gặp khó khăn nào cả, Huyền quyết tâm học nghề cho bằng được. Huyền giải thích: “Trước đây, chị từng học nghề mây tre đan. Nhưng tay chân yếu quá, chị không thể kéo được sợi mây. Học thêu vừa với sức chị. Chỉ sau 6 tháng học nghề, chị có thể tự tin nhận thêu bất cứ mẫu mới nào được giao”.

Vừa nghe Huyền giải thích, tôi vừa nhìn kĩ hơn từng đường thêu của chị. Huyền đặt từng mũi kim thoăn thoắt, khả năng cầm kim của chị đã quá thành thạo, nhiều người trong thôn Bến Cuối vẫn tranh thủ giờ nghỉ trưa và buổi tối để nhờ chị dạy thêm. Năm 2010, chị được giao nhiệm vụ đi dạy thêu ở một vài cơ sở. Chị được những người học thêu gọi là cô giáo. Thế rồi, do sức yếu, Huyền được trung tâm ưu tiên cho thêu ở nhà. Ai có nhu cầu, có thể đến học thêu tại nhà chị.

Bà Nguyễn Thị Minh Thức, Giám đốc Trung tâm bảo trợ xã hội Minh Đức cho biết: “Huyền có hoàn cảnh khó khăn, nhưng biết vươn lên học nghề để trở thành người có ích. So với các học viên cùng khóa, Huyền là người có tinh thần học tập tích cực nhất”. Bà Thức vui mừng thông báo với chúng tôi rằng sản phẩm thêu của Huyền đã ba lần được mang đi tham dự hội chợ thương mại tỉnh Hòa Bình.

Ước mơ của Huyền

Tôi có ý hỏi chị về những mong muốn trong hạnh phúc riêng tư. Khi tôi chưa dứt câu thì chị đã nhanh nhảu: “Chị xấu thế này thì ai để ý chứ!”. Nói xong, Huyền tắt nụ cười, mắt như nhìn vào xa xăm. Dường như ẩn sau nụ cười ấy là những nỗi buồn. Tôi không tiện hỏi. Rồi Huyền lại tiếp tục: “Chị không suy nghĩ gì đâu, chuyện đến đâu thì đến vậy thôi! Giờ chị chỉ lo sao cho đủ ăn, lo được đồng vào đồng ra cho gia đình là hạnh phúc lớn nhất rồi”.

Chị Huyền đang có dự định làm đơn để xin trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh hỗ trợ một chiếc xe đạp. Tôi ngạc nhiên hỏi: “Chị có khả năng đi được xe đạp ư?” Chị chỉ cười và chỉ vào mấy vết sẹo ở chân: “Sẹo ngày xưa chị tập đi xe đạp đấy! Chị đi được chứ! Giá như có cái xe 3 bánh để chị đi cho khỏi bị đổ. Xe cao chị cũng sợ lắm!”.

Với mức thu nhập trong khoảng từ 700 đến 800 nghìn đồng như hiện nay, cộng thêm tiền lương của em dâu, cuộc sống của gia đình chị Huyền còn chật vật. Đôi chân của chị có thể chữa khỏi nếu như có tiền. Nhưng trong hoàn cảnh lo ăn, lo mặc cho gia đình còn chưa đủ ấy, thì chị nào dám nghĩ tới bản thân.

Địa chỉ gửi bài tham gia cuộc thi “Phóng viên trẻ”:
Thông tin chi tiết xin xem tại ĐÂY
Bùi Trang (Lớp báo in K29a2, HVBC&TT)