Xạ thủ lưu giữ văn hóa nỏ gỗ của người Cơtu

08/06/2012 15:05
Nguyễn Thanh Ba, K09 Báo chí, ĐHSP Đà Nẵng
(GDVN) - Với ông, Pànanh (nỏ gỗ) như một phần máu thịt, là vật báu văn hóa vô giá của đồng bào Cơtu.
Nỏ đã theo ông suốt những năm tháng kháng chiến gian khổ và đến khi hòa bình lập lại, cũng chính chiếc nỏ “thần kì” đã đem lại cái ăn cho gia đình. Vì thế, trách nhiệm lưu giữ bản sắc đặc trưng, phục dựng lại nét văn hóa nỏ gỗ của đồng bào Cơtu hiện đang trở thành một thách thức lớn đối với ông .
Ông là Bríu Đồ (56 tuổi), người mà đồng bào vùng cao thôn Bhờ Hôồng 1, xã Sông Kôn, Đông Giang, Quảng Nam truy phong “xạ thủ kiệt xuất”, bởi ông chính là “xạ thủ vô đối” không chỉ ở làng mà kể cả vùng cao Đông Giang cũng không ai sánh kịp.
Xạ thủ thời chiến
Từ Thành phố Đà Nẵng, vượt qua quãng đường dài hơn 130 km đầy gian truân, vất vả, chúng tôi tiếp tục phượt lên những con dốc cao dựng đứng, những con đường ngoằn ngoèo, khúc khuỷu núi rừng Đông Giang để tìm về bản làng Bhờ Hôồng 1, nơi xạ thủ nổi tiếng miền sơn cước Bríu Đồ đang sinh sống. Thấy có người từ dưới xuôi lên, ông gác tay đục đẽo những công đoạn cuối cùng của chiếc nỏ quay sang bắt chuyện với chúng tôi. 

Mặc dù không còn sung sức như thời trai trẻ nhưng Bríu Đồ vẫn là một “xạ thủ” kiệt xuất của đồng bào Cơ tu (Ảnh: Thanh Ba)
Mặc dù không còn sung sức như thời trai trẻ nhưng Bríu Đồ vẫn là một “xạ thủ” kiệt xuất
 của đồng bào Cơ tu (Ảnh: Thanh Ba)

Không phải ấm trà mời khách, thay vào đó là bình rượu ủ lâu năm của một con rắn độc ông từng săn được cách đây chục năm, vừa nhấp chén rượu, ông vừa kể: “Cái mà các chú vừa thấy là chiếc nỏ mà người Cơtu gọi là nỏ “thần kì” đấy. Từ xa xưa nó đã theo người Cơtu chúng tôi lên non vượt rừng săn bắn chim thú. Thời chiến nó cũng theo người Cơtu chúng tôi ra trận giết giặc, nhìn thô sơ thế chứ chiếc nỏ ấy đã từng giết biết bao nhiêu thằng Tây rồi đó”. 
Năm 1968, theo tiếng gọi của non sông đất nước, cậu bé Bríu Đồ, mới tròn 12 tuổi đã theo cha lên đường nhập ngũ. Hành trang của 2 cha con đi chinh chiến bấy giờ chỉ là chiếc nỏ gỗ tổ tiên bao đời truyền lại. “Thời đó nghe đi đánh mấy thằng Tây cao to cướp nước mình thấy háo hức lắm. Trong một đợt cán bộ dưới xuôi lên tuyên truyền, vận động đồng bào trên đây lên đường tòng quân đánh giặc, tôi xin cha vào rừng sâu để làm công tác liên lạc cho các chiến sĩ bộ đội. Do từ nhỏ sống ở nơi rừng núi, thông thuộc địa hình trong lòng bàn tay nên từ đó tôi có nhiệm vụ mở đường cho bộ đội băng rừng vượt núi”, Bríu Đồ nhớ lại. 


Những tấm huy chương ông giành được tại các cuộc thi do tỉnh tổ chức (Ảnh: Thanh Ba)
Những tấm huy chương ông giành được tại các cuộc thi do tỉnh tổ chức
(Ảnh: Thanh Ba)

Rồi lớn lên chút nữa, khi thấy những chiến sĩ miền xuôi lên đây dùng súng bắn giặc, ông lại muốn được tự tay hạ những tên đã giày xéo mảnh đất quê hương ông. Nhưng từ nhỏ có biết đến súng ống là gì, mà cũng chẳng có ai truyền dạy cách sử dụng. Ông tự nhủ, nếu không dùng được súng đánh giặc thì mình dùng nỏ gỗ giết giặc. “Từ nhỏ tôi đã theo cha vào rừng săn bắn, được cha huấn luyện nên lên 6 tuổi, tôi đã có thể bắn trúng bia phát một, nhờ thế khi gặp địch thay vì dùng súng tôi dùng nỏ để hạ chúng. Và tôi cũng chẳng nhớ có bao nhiêu tên địch đã nằm dưới chân mình, cũng chẳng nhớ mình đã nã đi bao nhiêu cha răr cắm vào người kẻ địch”, Bríu Đồ kể tiếp.

Cha răr mà ông nói chính là những mũi tên được tẩm một loại hóa chất tự nhiên cực độc, chỉ cần tên địch bị bắn trúng sau 10 phút sẽ đột quỵ, vô phương cứu chữa. Theo ông, những loại tên này được làm từ thân cây lồ ô, bôi trên mũi tên một loại nhựa cây dại chỉ có ở vùng đất Nam Giang, mỗi lần sử dụng hết, ông mới vượt rừng lên đó chặt về, chế tạo “vũ khí” giết giặc.
Hòa bình lập lại, ông theo quân tình nguyện Việt Nam lên đường sang Campuchia giúp nước bạn đánh đổ chế độ diệt chủng Pôn-pốt. Trong đoàn quân tình nguyện mùa xuân năm 1977, nhiều chiến sĩ tay vác súng dài, súng ngắn nhưng duy chỉ có chàng thanh niên dân tộc mang trên mình chiếc nỏ gỗ sang nước bạn chiến đấu. Nhắc đến đây ông bật cười như toát lên một niềm tự hào rất lớn: “Hồi đó sang Campuchia ít người dân tộc thiểu số như tôi lắm, nhưng đặc biệt chỉ có tôi dùng nỏ, nhiều chiến binh Campuchia thấy vậy họ ngỡ ngàng lắm, không ít người nước bạn đã khâm phục người Việt Nam mình dùng nỏ để giết giặc đấy”.
Lưu giữ văn hóa nỏ “thần linh” người Cơtu
Trong căn nhà rông của Bríu Đồ, có hàng trăm bộ xương của những con thú ông săn được xâu thành từng chuỗi giăng kín cả trần nhà. Theo ông, đó là tục lệ săn bắt của người Cơtu. Treo những hài cốt con vật săn bắn được lên như vậy với tâm niệm trong những chuyến đi tới sẽ thu được nhiều sản vật hơn. Từ những con vật vô cùng mạnh mẽ như voi, heo rừng đến những loài nhanh nhẹn như chim, sơn dương đều đã từng bị ông bắn hạ.

Hàng trăm bộ xương của những con thú ông săn được xâu thành từng chuỗi giăng kín cả trần nhà (Ảnh: Thanh Ba)
Hàng trăm bộ xương của những con thú ông săn được xâu thành từng chuỗi giăng kín cả trần nhà 
(Ảnh: Thanh Ba)

Nghe ông kể, dường như cái nghiệp săn bắn đã ăn sâu vào trong máu thịt của ông, bất kể ban ngày hay ban đêm, thậm chí khi những “xạ thủ” trong làng đã “buông nỏ”, quay lưng lại với cái nghề săn bắn, ông vẫn âm thầm, lặng lẽ như cố níu lấy một phần văn hóa săn bắn của đồng bào mình.
Khi chúng tôi hỏi: “Thế làng này bây giờ có ai làm nỏ, bắn nỏ giỏi như ông không?". Ông ngậm ngùi: “Cả làng bây giờ chắc chỉ còn tôi ngày ngày đục đẽo nỏ. Không ai dùng thì họ làm nỏ ra làm gì. Vả lại làm nỏ đâu có dễ, để đẽo ra một chiếc nỏ phải mất cả tháng trời, nhưng chưa chắc đã ưng ý vì một chiếc nỏ sẽ trở nên “vô dụng” nếu người làm nỏ không khéo tay dác cân đối cáng nỏ. Cáng nỏ góp một phần không nhỏ đến độ chính xác, nhất là bắn những điểm bia của xạ thủ”.
Nghe ông kể, dường như nỏ “thần kì” lưu đời hàng trăm năm của  đồng bào Cơtu đang đứng trước bờ vực thất truyền, vì trong làng “xạ thủ” một thời bấy giờ chỉ còn lại duy nhất một cái tên tâm huyết - Bríu Đồ. Dù đã bước sang cái tuổi đáng lẽ ra phải được nghỉ ngơi, ấy vậy mà năm nào ông cũng đại diện huyện miền núi của mình tham gia những cuộc thi do tỉnh tổ chức. Và chừng ấy năm đi thi, “xạ thủ kiệt xuất” lại mang về những tấm huy chương danh giá cho huyện nhà. Điều trăn trở của ông chính là việc không có những hậu bối kế cận, tiếp bước ông lưu giữ 1 nét văn hóa từng gắn chặt với đồng bào Cơtu.
Cứ mỗi chiều bên dòng sông Kông êm ả chảy, người ta thường bắt gặp hình ảnh của một người đàn ông đắm mình, chăm chú bên những chiếc nỏ gỗ. Phải chăng ông đang cố giữ lấy, phục dựng lại nét văn hóa Pànanh trên quê hương mình sinh ra.
Địa chỉ gửi bài tham gia cuộc thi “Phóng viên trẻ”:
Cunglambao@giaoduc.net.vn
Thông tin chi tiết xin xem tại ĐÂY
Nguyễn Thanh Ba, K09 Báo chí, ĐHSP Đà Nẵng