LTS: Là một nhà giáo đã về hưu, hiện đang sinh sống tại Thành phố Stuttgart (Cộng hoà Liên bang Đức), tác giả Đinh Tuyết Mai bày tỏ những trăn trở của mình về việc có nên tiếp tục duy trì kỳ thi tuyển sinh vào các trường đại học trong cả nước.
Trong bài viết, tác giả cũng chia sẻ kinh nghiệm thi tốt nghiệp trung học phổ thông và việc tuyển sinh vào đại học tại Đức.
Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Kỳ thi quốc gia năm 2017 vừa qua tại Việt Nam đã kết thúc, tiếp theo đó việc chấm thi đã hoàn tất và kết quả điểm thi của thí sinh cũng đã được công khai.
Từ đầu tháng 8, các trường đại học đã lần lựợt công bố điểm chuẩn cho học sinh. Qua đó các em đã được biết rõ: ai đỗ, ai trượt.
Theo dõi Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, tôi đã đọc được nhiều đánh giá khác nhau của các chuyên gia về kỳ thi này. Điểm mạnh nhiều, nhưng điểm hạn chế cũng không ít.
Các trường đại học nên sàng lọc từ khâu tiếp nhận hồ sơ. (Ảnh minh hoạ trên giaoduc.net.vn) |
Tôi rất vui vì thấy ở Việt Nam đã thực sự có tự do báo chí. Thậm chí, thí sinh và các bậc phụ huynh cũng được phép trình bày nỗi thất vọng và chua xót của họ khi nhận được kết quả không công bằng qua kỳ thi đại học, nhiều thí sinh đạt điểm rất cao song vẫn trượt v.v.
Mặc dù đã sống và làm việc trên 31 năm ở Đức, bây giờ đã nghỉ hưu, song do "tâm huyết nghề nghiệp", tôi đã trằn trọc, khó ngủ, sau khi đọc bài "Rơi lệ vì 29-30 điểm vẫn trượt đại học" của tác giả Trinh Phúc - Thùy Linh đăng 2/8/2017 và bài "Cộng quá nhiều điểm ưu tiên khiến kẻ khóc người cười" của tác giả Khánh Văn đăng ngày 8/8/2017 trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.
Để có người thổ lộ, bình luận, phân tích và cùng chia sẻ day dứt cuả mình về chủ đề này, tôi đã gọi điện mời vợ chồng bà Fischer, bạn hưu trí của tôi, đi uống cà phê.
Bà Julia Fischer, cũng là Tiến sỹ hóa học và ông Peter Fischer, Tiến sỹ ngành toán kinh tế. Cả hai đã làm việc nhiều năm ở trường Đại học tổng hợp Stuttgart.
Sau khi nghe tôi kể tóm tắt về nội dung 2 bài báo trên, cả hai người cùng cười và nghĩ là tôi kể chuyện khôi hài.
Song, sau khi đã rõ, đây là hiện tượng thực tế năm 2017 vừa qua ở Việt Nam, 2 người đã lặng thinh và suy nghĩ.
Sau môt khoảng trầm tư, bà Julia bình luận: "Có lẽ đề thi đưa ra quá dễ?".
Bà cũng đã đặt ra câu hỏi giống hệt như suy nghĩ của tôi: "Có cần thiết phải tổ chức kỳ thi này không?"
Rơi lệ vì 29 – 30 điểm vẫn trượt đại học |
Ở Đức, điểm Abitur (điểm tốt nghiệp trung học phổ thông) đã thể hiện rất rõ ràng khả năng của từng học sinh rồi!
Ông Peter cũng tán thành với quan điểm của chúng tôi: có lẽ việc nhận hồ sơ xin dự thi của từng trường đại học không hợp lý hoặc không hạn chế.
Ví dụ: chỉ tiêu đào tạo do Bộ Giáo dục và Đào tạo phân bổ năm nay cho trường Đại học Giao thông là 300 sinh viên.
Phòng tuyển sinh của trường này chỉ nên nhận 450 hồ sơ hoặc tối đa 600 hồ sơ dự thi.
Nghĩa là nên có sự sàng lọc thí sinh trước khi tổ chức thi. Qua đó sẽ giảm được nhiều sự cạnh tranh cho học sinh và cũng giảm được nhiều chi phí kèm theo (coi thi, chấm thi...).
Chúng tôi nghĩ rằng: Bộ Giáo dục và Đào tạo nên có chỉ thị và hướng dẫn cụ thể cho từng trường đại học trước khi nhận hồ sơ dự thi cuả học sinh.
Tỷ lệ số hồ sơ được nhận /số lượng sinh viên được đào tạo hằng năm của mỗi trường đại học phải hợp lý, nghĩa là phải sàng lọc ngay từ khâu đầu.
Không nên để các thí sinh phải tham gia cuộc "đấu chọi quá sức - 1 chọi 10".
Tương tự như việc phân bổ chỗ học ở các trường đại học Y khoa tại Đức. Rất nhiều học sinh xin vào học Y, song chỗ học lại hạn chế.
Vì vậy ngoài việc nộp điểm Abitur, các em phải nộp thêm các giấy chứng nhận để được ưu tiên (nếu có).
Mặt khác, song song với nộp đơn xin học đại học Y khoa, các em thường phải nộp đơn xin học ở mấy trường đại học khác nữa...
Việc thi tuyển sinh đại học cho từng trường ở Việt Nam nên hạn chế ở mức độ: "1 chọi 1,5" hoặc "1 chọi 2" thì mới có hiệu quả kinh tế và chất lượng cao.
Nhóm Việt Cường xem điểm chuẩn, lòng lo lắng day dứt |
Từ hướng nhìn kinh tế, nếu vẫn duy trì kỳ thi đại học, song có kế hoạch nhận hồ sơ dự thi theo hình thức sàng lọc, thì nhà nước cũng sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí cho mỗi kỳ thi tuyển đại học trong cả nước.
Chúng tôi rất tán thành với đánh giá của Tiến sỹ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc Trường Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh về đề thi được nhiều báo đăng tải.
Ở Đức không tổ chức kỳ thi tuyển sinh đại học như ở Việt Nam
Với bằng Abitur - Bằng tốt nghiệp phổ thông, các em sẽ có quyền nộp đơn xin học đại học theo sự lựa chọn cá nhân.
Chương trình giảng dạy và tổ chức kỳ thi tốt nghiệp phổ thông ở Đức có nhiều điểm khác với Việt Nam.
Tất cả đã được bắt đầu từ lớp 5. Học sinh ở các trường trung học chất lượng cao (Gymnasium) đã được sàng lọc ngay từ khi học sinh vào lớp 5.
Với điểm tổng kết ở trường tiểu học < 2,4 các em mới được học ở Gymnasium.
Trong thời gian từ lớp 5 đến lớp 10 ở đây, nếu học sinh nào có điểm tổng kết hàng năm kém, sẽ lập tức bị chuyển xuống học tiếp tục ở các trường trung học cơ sở.
Vào 2 năm cuối, lớp 11 và 12, học sinh lại càng phải phấn đấu hơn nữa, bởi vì điểm tổng kết cuối năm cuả lớp 11 và 12 sẽ quyết định 50% cho điểm tốt nghiệp chung (điểm Abitur) của học sinh.
Vì vậy, các em phải cố gắng học tập trong toàn quá trình để tránh tình trạng học dồn, học ép, gây quá tải trong các kỳ thi. Không phải luyện thi đại học sẽ giảm được chi phí luyện thi cho phụ huynh và giảm căng thẳng cho học sinh.
Trong kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học toàn quốc (thi bằng Abitur), mỗi học sinh phải trải qua 2 hình thức: thi viết và thi nói
Thi viết: Ở hầu hết các tiểu bang, số môn thi viết là 4; các môn thi bắt buộc là Toán và Văn, 2 môn còn lại phải là: 1 môn xã hội và 1 môn tự nhiên.
Có cần thiết phải bỏ kì thi Quốc gia? |
Các em có quyền lựa chọn trong số các môn: Sử, Địa, Lý, Hóa, Sinh vật v.v.
Tùy theo từng môn, thời gian làm bài thi từ 210 đến 310 phút. Cũng có vài tiểu bang, học sinh thi viết bắt buộc nhẹ nhàng hơn. 3 môn thi viết là Văn, Toán và Ngoại ngữ.
Thay vào đó, họ tổ chức "bài kiểm tra lớn" vào mỗi học kỳ của lớp 11 và 12.
Luân phiên các bài "kiểm tra lớn" là những môn: Lý, Hóa, Sử, Địa, Sinh vật. Các điểm kiểm tra lớn này rất quan trọng và được ghi vào học bạ của học sinh.
Thi nói: Là hình thức kiểm tra kiến thức chung của học sinh, khả năng hiểu và đánh giá một đề tài trong thời gian ngắn.
Sau khi nhận đề thi, học sinh sẽ có 30 phút để đọc và ghi chép tóm tắt nội dung của bài theo hiểu biết riêng của từng em.
2 giáo viên sẽ đặt ra các câu hỏi tự do (không có chuẩn bị trước) xung quanh chủ đề thi. Qua câu trả lời của học sinh, các thầy cô sẽ đánh giá được khả năng phản ứng và giao tiếp cuả các em.
Sau khoảng 10-15 phút hỏi và đáp, 2 giáo viên sẽ thảo luận, nhất trí cho điểm chính xác và khách quan.
Một ưu thế rất nổi trội trong việc tuyển chọn học sinh vào các trường đại học ở Đức nữa là
Sau khi có điểm Abitur, các em học sinh lập tức tìm hiểu kỹ về các điều kiện cần và đủ của mỗi trường đại học, nơi các em muốn xin học.
Để chắc chắn tìm được chỗ học, mỗi em thường nộp đơn xin học ở 3 đến 4 trường đại học khác nhau, tùy theo điểm Abitur, theo nguyện vọng riêng và khả năng của mỗi em.
Ví dụ: em Nguyễn Quang Tiến có điểm Abitur 1,6. Cha mẹ và bản thân em rất thích học đại học Y khoa. Song, ở Đức hiện nay, muốn có được một chỗ học ở trường đại học Y khoa, phải có điểm Abitur < 1,3.
Do vậy Tiến đã nộp đơn xin học ở 3 trường khác nhau. Trong đó có 1 đơn xin học ngành thiết bị y tế ở trường Đại học tổng hợp Stuttgart.
Em đã nhận được chỗ học ở trường này. Cha mẹ và Tiến rất hài lòng với kết quả đã lựa chọn.
Em gái Trần Hồng Minh, có điểm Abitur 2,6. Em nộp đơn xin học ở 3 trường đại học có yêu cầu thấp hơn, gọi là các trường "cần cù bù thông minh". Em đã nhận được chỗ học ở trường Đại học Kinh tế Heilbronn (cách Stuttgart 90 km), khoa kinh tế du lịch.
Học sinh tự điều phối chỗ xin học ở các trường đại học khác nhau:
Bởi vì mỗi học sinh đều có quyền nộp đơn xin học đồng thời ở nhiều trường đại học theo lựa chọn riêng của từng em. Do vậy hầu hết học sinh đã có bằng Abitur, đều tìm được chỗ học đại học ở trên toàn bộ lãnh thổ Đức nếu biết "liệu cơm gắp mắm".
Về việc cộng điểm ưu tiên trong kỳ thi tuyển sinh đại học 2017 vừa qua
Nhiều phụ huynh và học sinh đã phàn nàn vì thấy có nhiều bất công trong việc cộng điểm ưu tiên khi xét duyệt điểm chuẩn của từng trường đại học trong cả nước.
Việc cộng điểm ưu tiên đã dẫn đến tình trạng: rất nhiều thí sinh đạt điểm thi tối đa, song vẫn trượt đại học...
Thầy Đỗ Tấn Ngọc: Điểm ưu tiên, điểm cộng, điểm khuyến khích là hợp lý |
Ở Đức, hình thức "ưu tiên" cũng được sử dụng khi xếp chỗ học ở các trường đại học cho học sinh, nhưng hoàn toàn khác với Việt Nam. Ví dụ như:
2 thí sinh cùng nộp đơn xin học đại học Y khoa, 2 em cùng có điểm Abitur 1,3 như nhau.
Phòng sinh viên cuả trường sẽ phải dùng đến chỉ tiêu "ưu tiên" để xét chọn.
Nếu em nào đã có giấy chứng nhận "tình nguyện làm việc 1 năm phục vụ người tàn tật hoặc người già", em đó sẽ được ưu tiên vào học.
Một ví dụ khác: nếu 2 em cùng xin vào học đại học Kinh tế tài chính, có cùng điểm Abitur 2,5, nhà trường sẽ ưu tiên xếp chỗ cho em có "Giấy chứng nhận là người bị tàn tật"...
Trong trường hợp, cả 2 thí sinh đều có đủ tiêu chuẩn xin học ngang nhau, không em nào có giấy xác nhận ưu tiên, trường đại học sẽ luân phiên mời từng em đến phỏng vấn.
Cuộc phỏng vấn tại trường đại học sẽ do 2 chuyên gia thực hiện. Qua trực tiếp hỏi và nghe học sinh giải đáp, các chuyên gia sẽ quyết định chọn một thí sinh. Em này sẽ "đỗ", còn em kia thì sẽ "trượt".
Tiến sỹ toán kinh tế Peter Fischer bình luận tiếp về việc xét điểm ưu tiên: "Nếu barem chấm thi là điểm 10, thì tổng số điểm cho 3 môn sẽ là 30 và đây là điểm tối đa.
Việc cộng điểm ưu tiên đã dẫn đến hiện tượng "nhiều thí sinh đạt điểm thi đại học trên 30", vượt quá điểm tối đa mà vẫn trượt đại học là chuyện buồn cười".
Tôi nghĩ rằng, các chuyên gia về văn học Việt Nam nên định nghĩa và giải thích chính xác hơn cho từ "ưu tiên". Chúng tôi rất hy vọng, chỉ tiêu "ưu tiên" sẽ được nghiên cứu và sử dụng cho phù hợp hơn.
Về chi phí cho kỳ thi tuyển sinh đại học hằng năm
Rất tiếc là tôi không tìm đọc được một thông tin nào về kinh phí nhà nước phải chi trả cho kỳ thi đại học này. Tổng kinh phí chi trả cho mỗi kỳ thi đại học chắc là sẽ không ít?
Song, sơ bộ có thể kể đến: Kinh phí để chi trả việc chuẩn bị đề thi, nơi thi, người coi thi, người chấm thi, nguời duyệt điểm và định ra điểm chuẩn v.v.
Mặt khác, kinh phí phụ huynh phải chi trả cho con em học luyện thi cũng không ít. Thêm vào đó, còn biết bao các hiện tượng tiêu cực xảy ra xung quanh kỳ thi tuyển đại học.
Ví dụ: Sau khi các em thi xong, Bộ Giáo dục và Đào tạo mới phát hiện ra đề thi bị lộ, buộc phải tổ chức thi lại. Qua đó kinh phí sẽ còn tăng lên rất nhiều....
Theo tôi nghĩ, với kinh phí chi trả phục vụ cho mỗi kỳ thi này, Nhà nước có thể xây dựng được nhiều trại nuôi dưỡng trẻ em tàn tật và mồ côi cả cha lẫn mẹ...