Trường dạy nghề ở Cộng hòa liên bang Đức

22/10/2017 07:36
Đinh Tuyết Mai
(GDVN) - Trường dạy nghề được ra đời ở Đức vào năm 1871, với mục đích đào tạo nghề cho học sinh trên nhiều phạm vi chuyên ngành khác nhau.

LTS: Sau khi đọc bài viết “Các trung tâm giáo dục thường xuyên - hướng nghiệp và dạy nghề hoạt động cầm hơi” của tác giả Sông Trà, đăng trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam (ngày 08/08/2017), nhà giáo Đinh Tuyết Mai từ Cộng hòa liên bang Đức đã gửi tới bạn đọc bài viết về việc dạy và đào tạo sinh viên tại các trường nghề ở Đức.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả.

Trường dạy nghề được ra đời ở Đức vào năm 1871, với mục đích đào tạo nghề cho học sinh trên nhiều phạm vi chuyên ngành khác nhau.

Thời gian học nghề kéo dài từ 2 đến 3,5 năm tùy theo từng ngành. Theo quy định của Nhà nước, việc đào tạo nghề ở Đức người học nghề được gọi tắt là “Azubi”.

Người học nghề sẽ được đào tạo ở 2 cơ sở là học lý thuyết ở trường dạy nghề và học thực hành ở nơi nhận đào tạo: nhà máy, công xưởng, bệnh viện, siêu thị, công sở… Với hình thức đào tạo này, lý thuyết và thực hành được học song song, bổ sung hài hòa.

Bên cạnh việc học kiến thức cơ bản về chuyên môn ở trường, người học nghề còn được trang bị thêm kiến thức về văn để có thể viết, trình bày và báo cáo về một chủ đề, giao dịch, quan hệ với đối tác sau này...

Thêm vào đó, người học nghề còn được trang bị kiến thức về chính trị, luật lao động và luật môi trường...

Việc phân bổ thời gian học cho người học nghề tùy thuộc vào ngành học, trường dạy nghề và nơi đào tạo. Khi tìm chỗ xin học nghề, các bạn trẻ phải tìm trên mạng, mục cấp chỗ học nghề.

Người học nghề nhóm ngành nhân viên tài vụ, kinh tế, kế hoạch, hành chính và tổ chức (Ảnh: tác giả cung cấp).
Người học nghề nhóm ngành nhân viên tài vụ, kinh tế, kế hoạch, hành chính và tổ chức (Ảnh: tác giả cung cấp).

Phân nhóm các trường dạy nghề theo chuyên ngành

Nhóm 1: Các ngành kỹ thuật như thợ điên, thợ cơ khí, cơ khí điện tử, sửa chữa ô tô.... Thời gian học từ 3 đến 3,5 năm.

Nhóm 2: Các ngành kinh tế như: kế toán, tài vụ, ngân hàng, thủ quỹ... Thời gian học 3 năm.

Nhóm 3: Công nghệ dệt may, thêu đan, tạo mốt... Thời gian học 3 năm.

Nhóm 4: Nhân viên dich vụ: khách sạn, du lịch, cửa hàng ăn uống, dịch vụ văn hóa... Thời gian 2- 3 năm.

Nhóm 5: Cán bộ phòng thí nghiệm cho các ngành khác nhau ... Thời gian học 3 - 3,5 năm.

Nhóm 6: Ngành y tế: y tá, trợ lý y tế (giúp việc cho bác sỹ, dược sỹ, bệnh viện, phòng y tế, xí nghiệp dược phẩm...) và chăm sóc người già, người tàn tật. Thời gian học 3 - 3,5 năm.

Nhóm 7: Đào tao nhân viên hành chính, thư ký, tổ chức, công sở, ủy ban và nhân viên bán hàng... Thời gian học 2 - 3 năm.

Nhóm 8: Trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, làm vườn... Thời gian học 2 – 2,5 năm.

Nhóm 9: Nhân viên tạp dịch: dọn rác thải, vệ sinh, công viên, phụ việc ở các công trình phúc lợi công cộng... Thời gian học 1 - 1,5 năm.

Nhóm 10: Một số ngành đặc biệt khác và ngành nghệ thuật...Thời gian học linh động theo chuyên môn...

Người học nghề nhóm ngành kỹ thuật (Ảnh: tác giả cung cấp).
Người học nghề nhóm ngành kỹ thuật (Ảnh: tác giả cung cấp).

Điều kiện để xin học nghề

Các bạn trẻ muốn xin học nghề phải có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở (lớp 10) hoặc phổ thông cơ bản (lớp 9). Để chọn trường dạy nghề, học sinh phải tìm hiểu chỉ tiêu của từng trường, khả năng cá nhân và điểm tốt nghiệp.

Ví dụ: muốn xin học các ngành với thời gian học từ 3 – 3,5 năm, các bạn trẻ phải có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở (lớp 10) với điểm tốt nghiệp < 2,5.

Người xin học nghề phải có sức khỏe tốt và ít nhất là 17 tuổi. Đối với các ngành nghệ thuật, Nhà trường còn đòi hỏi thêm chứng minh về năng khiếu...

Học lý thuyết ở trường dạy nghề

Tùy theo từng trường và từng nơi đào tạo, thời gian học lý thuyết có 2 hình thức sau:

- Học lý thuyết mỗi tuần 2 ngày, mỗi ngày có 6 tiết học 45 phút (3 ngày còn lại, học và thực hành ở nơi được đào tạo).

- Học lý thuyết tập trung 2 - 3 tháng liền, mỗi kỳ tập trung sẽ học từ 1 - 3 môn, học tập trung từ 2 đến 3 lần trong 1 năm.

Ở trong các phòng thí nghiệm và xưởng thực nghiệm của trường, được trang bị các máy móc và thiết bị hiện đại để phục vụ cho phần lý thuyết được trang bị tại trường.

Học và làm việc thực tiễn ở nơi được đào tạo

Thời gian còn lại người học nghề học và làm việc thực tiễn ở nơi được đào tạo. Một ví dụ về đào tạo người học nghề của một nhà máy sản xuất thuôc tây ở gần Stuttgart để bạn đọc dễ hình dung:

Nhà máy này rất hiện đại, có trên 650 người làm việc, bao gồm rất nhiều phân xưởng với các dây chuyền thiết bị sản xuất thuốc khác nhau: thuốc con nhộng, thuốc viên, thuốc bột, thuốc dạng lỏng đóng trong lọ thủy tinh hoặc nhựa... Các thành phẩm xuất xưởng được đóng trong hộp giấy có chứa thuốc và tờ in hướng dẫn sử dụng…

Trường dạy nghề ở Cộng hòa liên bang Đức ảnh 3

Nước Đức đào tạo sư phạm như thế nào?

Ngoài ra, còn có các phòng chức năng phù hợp để nhà máy hoạt động hoàn chỉnh đồng bộ.

Hàng năm nhà máy nhận đào tạo khoảng 10 đến 15 người học nghề (tùy theo số lượng sản phẩm do khách hàng đặt nhà máy sản xuất và số người làm việc đến tuổi về hưu trong thời gian tới).

Những người học nghề được phòng tổ chức và đào tạo trực tiếp quản lý và giám sát. Ví dụ: vào năm học 2017 nhà máy đào tạo người học nghề theo các nhóm ngành sau: 2 cán bộ phòng thí nghiệm hóa phân tích, 4 công nhân sản xuất thuốc, 2 nhân viên ngành kinh tế, 1 thợ cơ khí, 1 thợ điện và 1 nhân viên điều hành vận chuyển.

Phòng đào tạo cử 1 cán bộ có trình độ đại học để phụ trách nhóm người học nghề, lên kế hoạch đồng bộ thời gian học tập lý thuyết ở các trường dạy nghề, thời gian học và làm việc ở nhà máy cũng như theo dõi kết quả học tập...

Thời gian làm việc ở nhà máy của người học nghề là 8 tiếng. Các ngành có liên quan đến sản xuất, các em cũng phải làm ca kíp như công nhân của các phân xưởng.

Người học nghề cũng được hưởng số ngày nghỉ phép như người lao động trong nhà máy. Người học nghề được trả lương theo năm học. Ví dụ: năm học thứ 1 các em được nhận 500 Euro/tháng. Năm học thứ 2 là 600 Euro/tháng và năm cuối cùng 700 Euro/tháng.

Mỗi năm học các em có 2 kỳ thi lý thuyết ở trường. Nếu người học nghề nào có thành tích học tập kém, chấp hành kỷ luật lao động ở nhà máy kém, sẽ bị phòng đào tạo cảnh cáo lần đầu.

Nếu vẫn tiếp tục vi phạm, người học nghề sẽ bị đuổi khỏi nhà máy và tất nhiên sẽ không được phép học nghề tiếp.

Các bạn tốt nghiệp ngành kinh tế chăn nuôi, trồng trọt vào năm học 2017 (Ảnh: tác giả cung cấp).
Các bạn tốt nghiệp ngành kinh tế chăn nuôi, trồng trọt vào năm học 2017 (Ảnh: tác giả cung cấp).

Kỳ thi tốt nghiệp của người học nghề

Kết thúc năm cuối cùng ở trường học nghề, người học nghề phải trải qua kỳ thi tốt nghiệp. Để được tham gia kỳ thi tốt nghiệp này, điểm tổng kết của từng môn hằng năm phải đủ tiêu chuẩn theo quy định của từng trường.

Quan trọng nữa là mỗi người học nghề phải có chứng nhận của nơi đào tạo về quá trình học và làm việc, kỷ luật lao động, tinh thần trách nhiệm, sẵn sàng nhận việc, có ý thức học hòi ...và kết luận: đồng ý cho thi.

Trong kỳ thi tốt nghiệp, người học nghề phải vượt qua được 3 môn thi sau đây:

1) Thi viết: Một môn thi viết về chuyên ngành.

2) Thi nói: Mỗi người học nghề được nhận một đề tài chuyên môn và chuẩn bị trong thời gian ôn thi. Vào ngày thi, người học nghề phải trình bày trước hội đồng giám khảo về đề tài này. Sau đó, ban giám khảo sẽ đặt câu hỏi, người học nghề trả lời.

3) Thảo luận: Người học nghề phải chuẩn bị và đọc một báo cáo về quá trình thực tập chuyên ngành. Ban giám khảo và nhiều người tham dự đều có quyền thảo luận, hỏi và đáp.

Vượt qua được kỳ thi tốt nghiệp, người học nghề sẽ được nhân bằng tốt nghiệp trường học nghề. Hầu hết người học nghề sẽ được nơi đào tạo nhận ở lại làm việc.

Trường hợp ngoại lệ, các bạn trẻ sẽ dùng bằng tốt nghiệp này để xin một việc làm phù hợp ở trên toàn bộ lãnh thổ Đức và các nước châu Âu nói tiếng Đức như Áo và Thụy sỹ.

Những người học nghề không vượt qua được kỳ thi tốt nghiệp, sẽ được phép học và làm việc tiếp 1 năm (học lại năm thứ 3). Sau 1 năm sẽ được phép thi tốt nghiệp lần thứ 2.

Những người học nghề đạt tốt nghiệp loại khá, giỏi ở trường dạy nghề, có thể xin học bồi dưỡng tiếp để thi thành thợ cả hoặc xin học ở các trường đại học về chuyên ngành (học đại học tiếp hướng ngành như đã học ở trường dạy nghề).

Các y tá nhận bằng tốt nghiệp 2017 (Ảnh: tác giả cung cấp).
Các y tá nhận bằng tốt nghiệp 2017 (Ảnh: tác giả cung cấp).
Đinh Tuyết Mai