Ngày 14/5, trên Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ đã đăng tải toàn văn Dự thảo Luật Nhà giáo đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến.
Dự thảo Luật Nhà giáo được xây dựng với mục đích thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về nhà giáo, nhất là quan điểm "Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu", nhà giáo "giữ vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục"; phát triển đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, tốt về chất lượng là trọng tâm, xuyên suốt; xây dựng đội ngũ nhà giáo, tạo động lực cho người dạy, học và tôn vinh nhà giáo; góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về giáo dục (trong đó có nhà giáo); tạo điều kiện để nhà giáo yên tâm công tác, yêu nghề, tâm huyết và trách nhiệm với nghề. Quy định một số chính sách mới để thu hút, phát triển đội ngũ nhà giáo để đáp ứng yêu cầu điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lĩnh vực quan trọng và đặc thù của nhà giáo.
Nghị quyết 29-NQ/TW năm 2013 có quy định: “Có chế độ ưu đãi đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Việc tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục phải trên cơ sở đánh giá năng lực, đạo đức nghề nghiệp và hiệu quả công tác. Có chế độ ưu đãi và quy định tuổi nghỉ hưu hợp lý đối với nhà giáo có trình độ cao; có cơ chế miễn nhiệm, bố trí công việc khác hoặc kiên quyết đưa ra khỏi ngành đối với những người không đủ phẩm chất, năng lực, không đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng…”
Thực chất, Nghị quyết 29 đã triển khai hơn 10 năm nhưng chưa thể thành hiện thực lý do còn thiếu cơ chế, hành lang pháp lý.
Từ đó, Luật Nhà giáo có vai trò vô cùng quan trọng trong việc cụ thể hóa nhiều nội dung về nhà giáo và vấn đề lương, thu nhập của nhà giáo trong thời gian tới.
Dự thảo Luật Nhà giáo “tiền lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất so với hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.”
Tại Chương V Quy định các chính sách tiền lương, đãi ngộ, tôn vinh đối với nhà giáo gồm các nội dung cụ thể như sau:
Thứ nhất, chính sách tiền lương đối với nhà giáo
Tại Điều 40 của Dự thảo Luật nhà giáo quy định về chính sách tiền lương đối với nhà giáo như sau:
1. Chính sách tiền lương của nhà giáo bao gồm tiền lương và phụ cấp và các chế độ khác (nếu có).
2. Tiền lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất so với hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.
3. Tiền lương và các chính sách theo lương của các nhà giáo công tác tại các cơ sở giáo dục dân lập, cơ sở giáo dục tư thục và các cơ sở giáo dục công lập tự chủ chi thường xuyên, tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư không ít hơn tiền lương và các chính sách theo lương của nhà giáo có cùng trình độ đào tạo, cùng thâm niên, cùng chức danh trong các cơ sở giáo dục công lập đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước và không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Chính phủ.
4. Nhà giáo công tác ở các ngành, lĩnh vực có chế độ đặc thù thì được hưởng chế độ đặc thù đó nếu đáp ứng được các quy định của chính sách. Nhà giáo công tác ở ngành lĩnh vực mà ngành, lĩnh vực đó có chính sách trùng với chính sách dành cho nhà giáo nhưng ở mức cao hơn thì được hưởng 01 (một) chính sách có mức cao nhất.
5. Chính sách tiền lương của nhà giáo do Chính phủ quy định.
Thứ hai, chính sách hỗ trợ nhà giáo
Tại Điều 41 Dự thảo Luật Nhà giáo quy định về Chính sách hỗ trợ nhà giáo như sau:
“1. Nhà nước có chính sách hỗ trợ nhà giáo trẻ; nhà giáo công tác ở vùng khó khăn; nhà giáo dạy trường chuyên biệt, nhà giáo dạy trẻ khuyết tật, nhà giáo dạy tiếng dân tộc thiểu số, nhà giáo dạy tăng cường tiếng Việt cho học sinh người dân tộc thiểu số, dạy các môn năng khiếu, nghệ thuật.
2. Chính sách hỗ trợ nhà giáo gồm: nhà công vụ, chế độ phụ cấp, chế độ trợ cấp, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, khám bệnh định kỳ hằng năm, hỗ trợ học phí cho con của nhà giáo và các chế độ khác bảo đảm an sinh xã hội cho nhà giáo.
3. Ngoài các quy định chung về chính sách hỗ trợ nhà giáo, nhà nước khuyến khích địa phương ban hành các chính sách đặc thù để hỗ trợ nhà giáo; cơ sở giáo dục hỗ trợ nhà giáo thông qua quỹ khuyến khích, phát triển đội ngũ nhà giáo.”
Thứ ba, chính sách thu hút nhà giáo
Tại Điều 42 của Dự thảo Luật Nhà giáo quy định về Chính sách thu hút nhà giáo gồm:
“1. Nhà nước có chính sách thu hút đối với người có tài năng để trở thành nhà giáo.
2. Nhà nước có chính sách thu hút nhà giáo về công tác và công tác lâu dài ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, các xã đảo, hải đảo, xã biên giới, xã an toàn khu theo quy định của Chính phủ.
3. Chính sách thu hút nhà giáo gồm: chính sách ưu tiên tuyển dụng, nhà công vụ, vay mua nhà ở, chế độ phụ cấp và trợ cấp thu hút, chính sách đào tạo, bồi dưỡng và các chế độ khác bảo đảm an sinh xã hội cho nhà giáo.
4. Ngoài các quy định chung về chính sách thu hút nhà giáo, nhà nước khuyến khích địa phương ban hành các chính sách đặc thù để thu hút nhà giáo.”
Thứ tư, quỹ khuyến khích, phát triển đội ngũ nhà giáo
Tại Điều 43 Dự thảo Luật Nhà giáo quy định về quỹ khuyến khích, phát triển đội ngũ nhà giáo như sau:
“1. Quỹ khuyến khích, phát triển đội ngũ nhà giáo là quỹ không vì lợi nhuận; dùng để hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo; hỗ trợ nhà giáo và thân nhân nhà giáo có hoàn cảnh khó khăn; khen thưởng, tôn vinh nhà giáo.
2. Quỹ khuyến khích, phát triển đội ngũ nhà giáo gồm hai loại:
a) Do tổ chức, cá nhân thành lập, hoạt động và quản lý theo quy định về quỹ xã hội, quỹ từ thiện;
b) Do cơ sở giáo dục thành lập từ nguồn kinh phí tài trợ, viện trợ, hiến tặng hoặc kinh phí của cơ sở giáo dục và nguồn kinh phí hợp pháp khác; hoạt động theo quy chế tổ chức, hoạt động và quy chế chi tiêu nội bộ của cơ sở giáo dục phù hợp với quy định của pháp luật.”
Đây là điểm mới đáng ghi nhận, quỹ được lập ra để khuyến khích, giúp đỡ nhà giáo có hoàn cảnh khó khăn, khó khăn đột xuất hoặc khen thưởng, tôn vinh nhà giáo để nhà giáo an tâm sống, phát triển nghề nghiệp không vì mục tiêu lợi nhuận
Dự thảo Luật Nhà giáo, giáo viên mầm non nghỉ hưu 55 tuổi
Dự thảo Luật Nhà giáo đã cụ thể chính sách về nghỉ hưu và kéo dài thời gian làm việc với nhà giáo, cụ thể như sau:
Thứ nhất, chế độ nghỉ hưu đối với nhà giáo
Tại Điều 46 của Dự thảo Luật Nhà giáo quy định về chế độ nghỉ hưu đối với nhà giáo như sau:
“1. Giáo viên mầm non được nghỉ hưu khi đủ 55 tuổi và được hưởng các chế độ nghỉ hưu theo quy định; tuổi nghỉ hưu của nhà giáo khác thực hiện theo quy định của Bộ luật Lao động;
2. Trước 06 (sáu) tháng, tính đến ngày nhà giáo nghỉ hưu, cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý nhà giáo phải thông báo bằng văn bản về thời điểm nghỉ hưu; trước 03 (ba) tháng, tính đến ngày nhà giáo nghỉ hưu, cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý nhà giáo ra quyết định nghỉ hưu.
3. Cơ sở giáo dục có thể ký hợp đồng lao động với người hưởng chế độ hưu trí nếu đơn vị có nhu cầu và người hưởng chế độ hưu trí có nguyện vọng.”
Luật Nhà giáo cũng quy định cụ thể việc các cơ sở giáo dục có thể hợp đồng với người hưu trí (hiện nay quy định này chưa thống nhất, có nơi hợp đồng có nơi không cho phép hợp đồng với người hưu trí).
Thứ hai, chế độ kéo dài thời gian làm việc đối với nhà giáo
Tại Điều 47 dự thảo Luật Nhà giáo quy định về chế độ kéo dài thời gian làm việc đối với nhà giáo như sau:
“1. Nhà giáo có chức danh giáo sư, phó giáo sư và có trình độ tiến sĩ đang công tác tại cơ sở giáo dục được kéo dài thời gian làm việc kể từ khi đủ tuổi nghỉ hưu để giảng dạy, nghiên cứu khoa học.
2. Thời gian kéo dài làm việc đối với nhà giáo có trình độ tiến sĩ là không quá 5 năm; đối với nhà giáo có chức danh phó giáo sư là không quá 7 năm và đối với nhà giáo có chức danh giáo sư là không quá 10 năm.
3. Trong thời gian thực hiện nghỉ hưu ở tuổi cao hơn, nhà giáo chỉ làm nhiệm vụ chuyên môn, không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và không được bảo lưu phụ cấp chức vụ lãnh đạo. Trong thời gian thực hiện kéo dài thời gian làm việc, nếu nhà giáo có nguyện vọng nghỉ làm việc hoặc đơn vị sự nghiệp không còn nhu cầu thì được giải quyết chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật.
4. Quyết định kéo dài thời gian công tác của nhà giáo được gửi cho tổ chức, cá nhân có liên quan trước thời điểm nghỉ hưu ít nhất 03 tháng.
5. Chính phủ quy định chi tiết thủ tục, trình tự xem xét kéo dài thời gian làm việc; chính sách đối với nhà giáo trong thời gian làm việc kéo dài.”
Tham khảo toàn văn Dự thảo Luật Nhà giáo TẠI ĐÂY
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.