Trong bài viết trước, nhiều giáo viên hợp đồng tham dự kỳ thi tuyển viên chức ngành giáo dục tỉnh Quảng Nam hồi tháng 2 cho rằng, họ đã bị đối xử thiếu công bằng.
Bài này chúng tôi xin phản ánh tiếng nói của các thày cô giáo dạy hợp đồng cả chục năm mà không được hưởng bất kỳ chế độ cơ bản nào, như bảo hiểm xã hội hay bảo hiểm y tế.
Thiết nghĩ, chúng ta muốn nâng cao chất lượng giáo dục, mà người thầy vẫn phải chạy ăn từng bữa thì mục tiêu kia liệu có xa vời?
Hy vọng các bên liên quan chung tay tìm ra giải pháp tháo gỡ, đảm bảo cho các thày cô đã đứng lớp là yên tâm làm việc, làm hết khả năng trách nhiệm cho công việc của một "kỹ sư tâm hồn".
Các giáo viên hợp đồng trên 36 tháng cho rằng, Sở đã chỉ đạo hiệu trưởng ký hợp đồng lao đồng sai luật. Ảnh: TT |
Hiệu trưởng có ký hợp đồng sai luật?
Nhiều giáo viên hợp đồng cho rằng, việc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam chỉ đạo cho các trường cấp 3 ký hợp đồng có thời hạn 9 tháng liên tục, nhiều lần đối với 104 giáo viên là không đúng với Bộ luật Lao động hiện hành.
Các thầy cô dạy hợp đồng phản ánh, sau khi nghỉ 3 tháng hè, họ được tiếp tục ký hợp đồng lao động mới với thời hạn 9 tháng như trên và việc ký kết được diễn ra liên tiếp nhiều lần (ít nhất cũng 4 lần trở lên).
Thầy Nguyễn Thành Công, giáo viên hợp đồng trường trung học phổ thông Nguyễn Thái Bình huyện Thăng Bình tỉnh Quảng Nam, nói:
“Nội dung trong hợp đồng quy định chúng tôi không được hưởng bất kỳ chế độ nào, kể cả tham gia chế độ bảo hiểm xã hội.
Việc Sở chỉ đạo cho các trường ký hợp đồng lao động có thời hạn 9 tháng liên tục nhiều lần là không đúng quy định.”
Các thày cô lập luận, giáo viên dạy hợp đồng (trên 36 tháng) thì tính chất công việc của họ là giảng dạy, việc nghỉ hè là đặc thù của ngành giáo dục không chỉ riêng ở Việt Nam mà là của các nước trên thế giới.
104 giáo viên hợp đồng có nguy cơ thất nghiệp ngay trước thềm năm học mới |
“Công việc giảng dạy là công việc mang tính chất thường xuyên, không phải là cấp thời, mùa vụ.
Nên việc ký hợp đồng dưới 1 năm nhiều lần với chúng tôi là trái quy định tại khoản 2 và khoản 3 điều 22 Bộ luật Lao động”, thầy Công nói.
Khoản 2 điều 22 Bộ luật Lao động quy định:
Khi hợp đồng lao động quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 điều này hết hạn mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn, hai bên phải ký kết hợp đồng lao động mới;
Nếu không ký kết hợp đồng lao động mới thì hợp đồng đã giao kết theo quy định tại điểm b khoản 1 điều này trở thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn và hợp đồng đã giao kết theo quy định tại điểm c khoản 1 điều này trở thành hợp đồng lao động xác định thời hạn với thời hạn là 24 tháng.
Trường hợp hai bên ký kết hợp đồng lao động mới là hợp đồng xác định thời hạn thì cũng chỉ được ký thêm 01 lần, sau đó nếu người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì phải ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn.
Tại khoản 3 điều 22 Bộ luật Lao động quy định:
"Không được giao kết hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng để làm những công việc có tính chất thường xuyên từ 12 tháng trở lên, trừ trường hợp phải tạm thời thay thế người lao động đi làm nghĩa vụ quân sự, nghỉ theo chế độ thai sản, ốm đau, tai nạn lao động hoặc nghỉ việc có tính chất tạm thời khác." [1]
Ngoài ra, cô Nguyễn Thị Thùy Trang – giáo viên hợp đồng tại trường Trung học phổ thông Nguyễn Văn Cừ huyện Quế Sơn, Quảng Nam, phản ánh:
"Việc quy định không cho chúng tôi hưởng bất kỳ chế độ nào, kể cả tham gia chế độ bảo hiểm cũng vi phạm quy định của pháp luật.
Cụ thể, theo khoản 1 điều 2 Luật Bảo hiểm Xã hội quy định: Người làm việc theo hợp đồng lao động từ ba tháng trở lên thuộc đối tượng phải tham gia bảo hiểm xã hội. [2]
Như vậy, từ trước đến nay, Sở đã chỉ đạo các trường thực hiện không đúng quy định về pháp luật liên quan đến lao động và bảo hiểm xã hội trong việc ký kết hợp đồng với chúng tôi.”
Trách nhiệm thuộc về các hiệu trưởng hay Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Nam?
Thầy Trần Hữu Ty – giáo viên hợp đồng trường Trung học phổ thông Thái Phiên huyện Thăng Bình, Quảng Nam cho hay:
Vào ngày 1/6, các giáo viên hợp đồng đã gửi đơn khiếu nại đến Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Quảng Nam và nhận được kết quả trả lời qua công văn như sau:
Về việc hợp đồng lao động (ký với các giáo viên hợp đồng) vi phạm quy định, phía Sở cho rằng:
Thiếu công bằng trong xét tuyển, 104 giáo viên hợp đồng có nguy cơ thất nghiệp |
“Thực hiện công văn số 3395/UBND-VX, ngày 19/9/2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh về đồng ý chủ trương cho Sở thông báo chấm đứt tuyển dụng đối với giáo viên đã hợp đồng có đóng Bảo hiểm xã hội
tại các trường trung học phổ thông công lập, trường phổ thông dân tộc nội trú các trung tâm giáo dục thường xuyên – hướng nghiệp trên địa bàn tính kế từ tháng 9/2011.
Từ đó đến nay, căn cứ tình hình đội ngũ, sau khi bố trí đủ số tiết giảng dạy cho giáo viên hiện có của trường theo định mức;
Đồng thời để giải quyết tình trạng sinh viên tốt nghiệp đại học sư phạm ra trường nhưng chưa có việc làm, nên số tiết dôi dư còn lại (nếu có), Hiệu trưởng các trường trung học phổ thông, phổ thông dân tộc nội trú đã ký hợp đồng thỉnh giảng và trả tiền theo số tiết thực dạy”.
Thầy Ty phân tích:
"Do đó Sở đề nghị chúng tôi và người sử dụng lao động (Hiệu trưởng) ở từng cá nhân, đơn vị cụ thể xem xét lại nội dung hợp đồng đã ký kết trước đó.
Nhưng chúng tôi thấy việc trả lời của Sở không đúng, vì theo thực tế có những hợp đồng lao động của chúng tôi được ký kết trước tháng 9/2011 cũng vi phạm quy định của pháp luật.
Ngoài ra Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Nam cho rằng, việc giáo viên không được tham gia bảo hiểm là trách nhiệm của Hiệu trường, Sở không biết đến vấn đề giáo viên hợp đồng và không quản lý.
Điều này hoàn toàn không hợp lý, vì mỗi năm Hiệu trưởng đến báo cáo lên Sở số lượng cán bộ viên chức trong đó có nêu cụ thể giáo viên hợp đồng.
Bên cạnh đó có nhiều giáo viên hợp đồng có trình độ chuyên môn cao, Sở đã điều đi chấm thi học sinh giỏi như trường hợp giáo viên Trần Đình Zét bộ môn Hóa.
Hay xét bình chọn lao động tiên tiến như giáo viên Phan Thị Thu bộ môn Văn và nhiều trường hợp khác.
Như vậy, Sở quản lý tài chính ra sao về việc cấp tài chính cho các trường, vì phải dựa trên định mức giáo viên của các trường để tỉnh ra số tiền lương và tiền bảo hiểm phải cấp.
Nếu Sở không chỉ đạo thì có Hiệu trưởng nào dám thực hiện chủ trương ký hợp đồng từ trước đến nay với chúng tôi không?
Do đó chúng tôi cho rằng hợp đồng lao động vi phạm quy định pháp luật lao động và bảo hiểm xã hội thuộc trách nhiệm của Sở."
(Còn nữa)
Tài liệu tham khảo:
[1] Luật số: 10/2012/QH13, Bộ luật Lao động được Quốc hội thông qua ngày 18/6/2012, vanban.chinhphu.vn, http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_id=1&mode=detail&document_id=163542
[2] Luật số 71/2006/QH11 của Quốc hội : Luật Bảo hiểm Xã hội, ngày 29/6/2006, vanban.chinhphu.vn, http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_id=1&mode=detail&document_id=28955