Mới đây, những giáo viên này đã có đơn khiếu nại gửi đến các cơ quan chức năng liên quan đến việc xét tuyển biên chế đối với giáo viên đã hoặc đang được các trường trung học phổ thông ký hợp đồng giảng dạy (trả lương theo tiết dạy).
Họ đều là những thầy, cô đã có nhiều năm công tác trong ngành giáo dục, trong đó có người đã có 7-15 năm “thâm niên dạy hợp đồng”.
Thực hiện rà soát, bán hồ sơ rồi lại dừng… không rõ lý do
Theo đơn phản ánh, ngày 25/3/2016, sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam lập kế hoạch về kế hoạch hợp đồng trong chỉ tiêu biên chế sự nghiệp được Ủy ban nhân dân tỉnh giao.
104 giáo viên hợp đồng ở Quảng Nam có nguy cơ thất nghiệp trước thềm năm học mới. Ảnh: TT |
Đối tượng là các giáo viên đã hoặc đang được các trường trung học phổ thông công lập, phổ thông dân tộc nội trú hợp đồng giảng dạy (trả lương theo tiết dạy) có thời gian giảng dạy từ 36 tháng trở lên (tính đến ngày 30/11/2015) trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
Mục đích nhằm bổ sung giáo viên cho một số trường trung học phổ thông đang thiếu và đảm bảo quyền lợi cho những giáo viên đã hoặc đang giảng dạy.
Theo thầy Trần Hữu Ty – giáo viên hợp đồng của Trường trung học phổ thông Thái Phiên (Thăng Bình, Quảng Nam), qua rà soát thì có 110 giáo viên hợp đồng đáp ứng các điều kiện của Sở đưa ra.
“Hàng năm, hợp đồng lao động của chúng tôi được ký kết trong thời hạn 9 tháng từ ngày 25/8 năm này đến ngày 30/5 năm sau (tương ứng một năm học).
Sau kỳ nghỉ hè 3 tháng, chúng tôi được tiếp tục ký hợp đồng lao động mới với thời hạn 9 tháng như trên. Việc ký kết được diễn ra liên tiếp nhiều lần.
Lá thư đẫm nước mắt của một giáo viên hợp đồng trước kỳ tuyển viên chức giáo dục |
Nội dung hợp đồng quy định chúng tôi không được hưởng bất kỳ chế độ nào, kể cả tham gia chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế”, thầy Ty nói.
Sau đó, các giáo viên này đã mua bộ hồ sơ do Sở bán ra với giá 50.000 đồng/bộ để hoàn thiện các thủ tục pháp lý với hy vọng sẽ được xét tuyển hợp đồng trong chỉ tiêu biên chế.
“Sở nhận hồ sơ từ ngày 28/3/2016 đến hết ngày 8/4/2016. Tuy nhiên, sau khi kết thúc nhận hồ sơ thì Sở cũng im lặng, không có bất kỳ phản hồi hay phúc đáp gì về kết quả xét tuyển. Cả trăm bộ hồ sơ xét tuyển rơi vào im lặng” thầy Ty bức xúc.
Sau này, khi một số giáo viên phản ánh, khiếu nại lên Sở thì có nhận được trả lời là Thường vụ tỉnh ủy Quảng Nam không chấp nhận hình thức xét tuyển như trên.
Ngay trong công văn trả lời khiếu nại của một số giáo viên hợp đồng, ông Hà Thanh Quốc – giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Nam cũng cho rằng:
Do vướng những quy định hiện hành nên phương án xét tuyển không được các cơ quan có thẩm quyền chấp thuận và không được tiếp tục triển khai thực hiện.
Phản ứng với kỳ thi tuyển
Ngày 27/9/2016, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam ra thông báo về việc thực hiện tuyển dụng công chức, viên chức ngành giáo dục.
Trong đó, đối với các trường học do sở Giáo dục và Đào tạo trực tiếp quản lý, căn cứ vào chỉ tiêu biên chế được giao, biến chế đã sử dụng năm 2016 và đề án vị trí việc làm.
Sở triển khai xét tuyển cạnh tranh (theo nghị định số 29/2012 NĐ-CP) đối với 110 giáo viên đang hợp đồng giảng dạy trả lương theo tiết dạy, có thời gian giảng dạy từ 36 tháng trở lên. Sở giáo dục đào tạo xây dựng kế hoạch xét tuyển cụ thể.
Văn bản của Ủy ban tỉnh Quảng Nam ban hành như vậy nhưng đến ngày 12/12/2016, sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam lại có thông báo xét tuyển viên chức giáo viên Trung học phổ thông cho các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở năm 2016. Trong đó, nhu cầu tuyển dụng là 110 giáo viên.
Đối tượng dự tuyển không chỉ còn hạn chế trong số những giáo viên đã hoặc đang được các trường cấp 3 hợp đồng giảng dạy (trả lương theo tiết dạy) có thời gian giảng dạy từ 36 tháng trở lên (tính đến ngày 30/11/2015) nữa mà xét tuyển chung toàn tỉnh.
Tức là những người có nguyện vọng vào làm viên chức giáo viên Trung học phổ thông tại các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Nam và đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định đều được dự tuyển.
Cắt hợp đồng rồi xin tuyển mới là hành vi khuấy cho đục nước để thả câu! |
Nội dung xét tuyển bao gồm xét kết quả học tập (điểm học tập và điểm tốt nghiệp của người dự tuyển). Thứ hai là kiểm tra, sát hạch năng lực, kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ bằng hình thức phỏng vấn.
“Khi nhận được thông báo này thì chúng tôi đã có phản ứng với sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam là vì sao không xét cho 110 giáo viên mà lại xét tuyển chung, tràn lan với gần 1.000 người.
Dù vậy, chúng tôi cũng không nhận được câu trả lời rõ ràng, cụ thể”, một giáo viên hợp đồng bức xúc.
Trước kỳ thi này, nhiều giáo viên hợp đồng khác cũng đã bày tỏ bức xúc, phản đối. Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng tải bức thư của thầy LHL. (một giáo viên dạy hợp đồng tại một trường tiểu học ở Thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) nói lên tâm tư, nguyện vọng của những thầy cô hợp đồng trước kỳ thi tuyển viên chức giáo dục.
Trong đó khẳng định, việc các thầy cô dạy hợp đồng (trên 36 tháng) đã thể hiện năng lực chuyên môn, đạo đức tốt và được nhà trường tin tưởng giao nhiệm vụ giảng dạy nhiều năm.
Nay chỉ dựa vào một kỳ sát hạch để đánh giá thì không công bằng. Hơn nữa, thời điểm thi tuyển rơi vào thời điểm các giáo viên hợp đồng đang phải lên lớp, chuẩn bị giáo án, kiểm tra cuối học kỳ I, ôn tập, chấm bài kiểm cuối kỳ I.
"Chúng tôi làm sao có thời gian ôn tập để thi với một tập kiến thức dày cộm? Phải chăng đây là một sự cố ý loại bỏ công sức, tâm huyết bao năm trong nghề của chúng tôi.
Thêm nữa, có nhiều người như tôi phải tham gia cuộc thi với tỉ lệ 1 chọi 10. Một tỉ lệ cao cho những người đang giành thời gian cho ngành, cho con cái, gia đình và phải đang thấp thỏm lo cho kế sinh nhai của gia đình có thể mất.
Tôi đã 33 tuổi rồi, cơ quan nào có thể nhận tôi đây. Qua bao năm gắn bó với ngành và giờ đây ngành chuẩn bị đẩy tôi vào thế bế tắc...” (trích bức thư của thầy LHL).
(Còn nữa)