4 trường đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chuẩn kiểm định chất lượng quốc tế

15/06/2017 06:13
Thùy Linh
(GDVN) - Việc kiểm định trường đại học được triển khai bởi một tổ chức kiểm định quốc tế là sự kiện được ghi nhận lần đầu tiên trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.

Ngày 12/6/2017, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Xây dựng, Đại học Bách khoa Đà Nẵng và Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh được Hội đồng cấp cao đánh giá nghiên cứu và giáo dục đại học (HCERES) của Pháp ra kết luận đánh giá đạt chuẩn kiểm định trường đại học với hiệu lực 5 năm.

Đây là sự kiện được ghi nhận lần đầu tiên trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, việc kiểm định trường đại học được triển khai bởi một tổ chức kiểm định quốc tế.

Đại học Bách khoa Hà Nội là một trong 4 trường đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chuẩn kiểm định chất lượng quốc tế (Ảnh: Cẩm Lệ)
Đại học Bách khoa Hà Nội là một trong 4 trường đại học đầu tiên của Việt Nam đạt chuẩn kiểm định chất lượng quốc tế (Ảnh: Cẩm Lệ)

Trước đó, trong chuyến công tác tại Cộng hòa Pháp vào tháng 2/2016 do Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam dẫn đầu, lãnh đạo 4 trường đại học này đã chính thức lựa chọn HCERES để kiểm định. 

Ngày 4/4/2016, Bộ đã chính thức gửi công văn cho HCERES đề nghị đánh giá, kiểm định các cơ sở đào tạo thuộc chương trình PFIEV. 

Được biết, ngày 19/10/2016, Đoàn chuyên gia HCERES đã sang trường Đại học Bách Khoa Hà Nội tiến hành khảo sát sơ bộ và kết luận Trường hoàn toàn đủ điều kiện đáp ứng để tiến hành công tác kiểm định; đồng thời hướng dẫn quy trình kiểm định, bộ tiêu chuẩn kiểm định cũng như chuẩn bị báo cáo tự đánh giá.

Sau chuyến khảo sát sơ bộ của Đoàn chuyên gia HCERES, Đại học Bách khoa Hà Nội đã chuẩn bị báo cáo tự đánh giá được xây dựng trên cơ sở bộ tiêu chuẩn gồm 6 lĩnh vực, 17 tiêu chuẩn, 29 tiêu chí dùng cho đánh giá các cơ sở giáo dục đại học và nghiên cứu ở nước ngoài, các bản hướng dẫn của HCERES. 

Thời hạn đạt chuẩn kiểm định quốc tế là 5 năm (Ảnh: Cẩm Lệ)
Thời hạn đạt chuẩn kiểm định quốc tế là 5 năm (Ảnh: Cẩm Lệ)

Đến ngày 01/3/2017, Đoàn chuyên gia HCRES đã sang Việt Nam thực hiện đánh giá và kiểm định chất lượng các chương trình đào tạo của các trường.  

Sau 2 tháng, HCRES gửi bản dự thảo báo cáo đánh giá để các trường có ý kiến phản hồi. HCERES quy định 3 mức đánh giá: không đạt, đạt có điều kiện (yêu cầu khắc phục một số điểm) và đạt vô điều kiện (hiệu lực 5 năm). 

Theo đó, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Xây dựng, Đại học Bách khoa Đà Nẵng và Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt chuẩn kiểm định quốc tế với thời hạn 5 năm. Và văn bản kết quả chính thức từ phía Hội đồng sẽ được gửi về các trường theo đường công văn trong thời gian tới đây.

HCERES được thành lập theo luật số 2013-660 ngày 22/7/2013 trên cơ sở Cơ quan đánh giá nghiên cứu và giáo dục đại học Pháp (AERES) và kế thừa các hoạt động của cơ quan này. 

HCERES là tổ chức đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục đại học độc lập có nhiệm vụ đánh giá các cơ sở đào tạo đại học, các tổ chức nghiên cứu và các chương trình đào tạo. 

HCERES là thành viên chính thức của Hiệp hội đảm bảo chất lượng giáo dục đại học Châu Âu (ENQA) và Bộ tiêu chuẩn và Hướng dẫn về đảm bảo chất lượng (ESG) trong hệ giáo dục đại học Châu Âu (EHEA). 

Ngoài các cơ sở đào tạo và nghiên cứu của Pháp, HCERES còn tham gia đánh giá các cơ sở đào tạo và nghiên cứu của các quốc gia thuộc EHEA. Trung bình hàng năm HCERES đánh giá và kiểm định 50 cơ sở đào tạo, tổ chức nghiên cứu; 630 đơn vị nghiên cứu; 600 chương trình đào tạo đại học; 300 chương trình đào tạo thạc sĩ và 70 chương trình đào tạo tiến sĩ. 

HCERES cũng đã thực hiện đánh giá và kiểm định quốc tế đối với các trường đại học nước ngoài, các tổ chức giáo dục của Pháp ở nước ngoài, các đơn vị nghiên cứu hỗn hợp quốc tế. 

Bộ tiêu chuẩn của HCERES dùng cho đánh giá các cơ sở giáo dục đại học và nghiên cứu ở nước ngoài gồm 6 lĩnh vực: Chiến lược và quản trị (sứ mạng, chiến lược phát triển, tổ chức thực hiện chiến lược, truyền thông); đào tạo và nghiên cứu khoa học (chính sách đào tạo, nghiên cứu, các loại hình đào tạo đáp ứng nhu cầu của người học); quá trình đào tạo và định hướng hội nhập nghề nghiệp (môi trường học tập và quản lý đào tạo); quan hệ đối ngoại; quản lý và điều hành (hệ thống tài chính, tài sản, nhân lực, hệ thống thông tin); chất lượng và đạo đức (chính sách đảm bảo chất lượng, đạo đức trong đào tạo và nghiên cứu).
Thùy Linh