Để học sinh, phụ huynh có thể năm rõ được thông tin về mùa tuyển sinh năm 2018 của Đại học Luật Hà Nội, trường đã chính thức công bố những mã ngành, chỉ tiêu cũng như phương thức xét tuyển để học sinh, phụ huynh có tư liệu tham khảo và chọn được ngành phù hợp với năng lực.
Cụ thể, trường có 2 phương thức xét tuyển:
Phương thức 1: Trường dành 15% chỉ tiêu xét tuyển theo ngành dựa trên kết quả học tập bậc trung học phổ thông của thí sinh các trường trung học phổ thông chuyên/năng khiếu quốc gia, các trường trung học phổ thông chuyên/năng khiếu cấp tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương có học lực loại gỏi trở lên cả 3 năm, trong đó kết quả học tập lớp 12 của các môn thuộc môn tổ hợp đăng ký xét tuyển không dưới 8,0.
Phương thức 2: Trường dành 85% chỉ tiêu xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018 theo các tổ hợp được xác định cụ thể cho từng ngành.
Đặc biệt, Đại học Luật Hà Nội cũng áp dụng cơ chế tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Những thí sinh là thủ khoa của các tổ hợp xét tuyển sẽ được trường đặc biệt giành tặng một phần thưởng riêng.
Trưởng phòng Đào tạo, Đại học Luật Hà Nội thông tin: "80% sinh viên sau khi tốt nghiệp có việc làm phù hợp với ngành được đào tạo". (Ảnh: Thùy Linh) |
Chia sẻ với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Đình Nghị - Trưởng phòng Đào tạo, Đại học Luật Hà Nội thông tin, năm 2018 chỉ tiêu tuyển sinh của trường là 2.210 chỉ tiêu.
Trước thông tin, năm nay Bộ yêu cầu các trường bắt buộc phải công bố tỉ lệ sinh viên có việc làm sau một năm tốt nghiệp của hai năm trước.
Đón nhận điều này, Trưởng phòng Đào tạo, Đại học Luật Hà Nội chia sẻ:
“Thống kế tỷ lệ sinh viên có việc làm là một đổi mới đáng ghi nhận của Bộ Giáo dục và Đào tạo bởi lẽ xã hội, phụ huynh cũng như người học cần nắm được tỷ lệ ấy để cân nhắc kỹ lưỡng khi lựa chọn ngành nghề mà mình theo học”.
Đặc biệt,Tiến sĩ Lê Đình Nghị thông tin, độ phủ đầu ra của ngành luật rất rộng. Tốt nghiệp luật có thể làm phóng viên, làm ở khối các cơ quan tư pháp, viện kiểm sát, hải quan, công an, quản lý thị trường, doanh nghiệp, tổ chức nhân sự, lao động tiền lương, hợp đồng, pháp chế...