Năm 2018, các trường tự xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (còn gọi là điểm sàn-pv), công bố trên trang thông tin điện tử của trường trước khi thí sinh điều chỉnh nguyện vọng...Đó là một trong những điểm mới trong Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2018.
Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với nhóm ngành đào tạo giáo viên ở các trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp.
Với các trường xét tuyển dựa trên điểm thi trung học phổ thông quốc gia, ngưỡng điểm này được bộ xác định căn cứ kết quả của kỳ thi.
Khi Bộ Giáo dục đào tạo bỏ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào các trường được gì (Ảnh minh họa: Hồng Ngọc). |
Bỏ “điểm sàn”, trường đại học tự lo chất lượng đầu vào và ra
Chia sẻ những điểm mới trong Quy chế tuyển sinh năm nay, ông Võ Văn Tuấn - Phó hiệu trưởng thường trực, Trường đại học Văn Lang cho rằng, việc các trường được tự chủ xác định điểm xét tuyển của mình là thể hiện quan điểm tự chủ đại học.
Việc này không ảnh hưởng đến việc tuyển sinh của các trường đại học vì trường nào cũng cần khẳng định ngưỡng đảm bảo chất lượng của trường mình.
“Bộ để cho các trường tự chủ trong việc xác định điểm trúng tuyển và bỏ điểm sàn là đúng và phù hợp với xu thế phát triển hiện nay, đã đến lúc các trường phải tự chịu trách nhiệm với xã hội về chất lượng sản phẩm đào tạo và uy tín của mình, trường nào chạy theo số lượng không quan tâm đến chất lượng thì trước sau gì cũng bị đào thải.
Theo tôi việc bỏ ngưỡng đảm bảo chất lượng đào tạo thực chất Bộ đã làm từ lúc cho phép các trường xét tuyển theo phương thức học bạ”, ông Tuấn nêu quan điểm.
Một số quan điểm cho rằng, việc bỏ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) hầu như không tác động mạnh tới các trường công lập, mà chủ yếu là các trường ngoài công lập và các trường top dưới.
Theo ông Tuấn, ngay các trường ngoài công lập đào tạo lâu năm, có uy tín và tập trung vào chất lượng cũng không quan tâm lắm đến vấn đề này.
Thay vào đó, các trường cần phải tập trung vào phát triển và nâng cao chất lượng đào tạo, chú trọng việc xây dựng chuẩn đầu ra, thường xuyên cập nhật, điều chỉnh chương đào tạo.
Quan tâm đến việc kiểm định chất lượng, đến người học, lúc đó mới yên tâm đến chỉ tiêu tuyển sinh và thu hút xã hội.
“Thí sinh hiện nay có rất nhiều sự lựa chọn, nếu đã không yên tâm với cơ sở đào tạo nào đó thì dù điểm thấp mức nào đi nữa họ cũng không nộp hồ sơ vào”, ông Tuấn cho hay.
Thực tế, khi các trường được tự chủ đầu vào sẽ có nhiều lợi thế, theo ông Tuấn, lợi thế lớn nhất là các trường được tự chủ hoàn toàn tự đầu vào cho đến đầu ra của quá trình đào tạo, họ không phải thấp thỏm chờ điểm sàn của Bộ như trước, mà chỉ cần có kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông là có thể xác định được điểm trúng tuyển của trường mình.
Với Trường đại học Văn Lang, khi thực hiện chủ trương này chỉ có lợi, không có bất cứ bất lợi nào.
Được 3,03 điểm/tổ hợp xét tuyển có đủ điều kiện nộp hồ sơ?
Ông Võ Văn Tuấn khẳng định, việc đủ điều kiện xét tuyển khi chỉ 3,03 điểm/tổ hợp là chất lượng đầu vào thấp, điều này có thể xảy ra đối những ngành khó tuyển nhiều năm nay.
Tuy nhiên, theo ông Tuấn, uy tín và “thương hiệu” của một trường sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều khi chấp nhận lấy ở mức điểm thấp như vậy, đó là quan điểm “ăn xổi ở thì” không nghĩ đến tương lai và hậu quả sau này.
“Việc lấy điểm thấp như vậy không tránh khỏi hệ lụy như uy tín và thương hiệu của trường, xã hội sẽ nghi ngờ và nhìn nhận không tốt về chất lượng đào tạo.
Nếu không kiểm soát chất lượng đầu ra sẽ dẫn đến hệ quả là cung cấp cho xã hội một lực lượng lao động không đủ trình độ, thiếu chất lượng, từ đó sẽ dẫn đến tuyển sinh khó cho trường ở các năm sau.
Đây chính là vòng luẩn quẩn và dẫn đến hậu quả rất lớn và rồi các trường cũng sẽ khó tồn tại trong tương lai (vì không đáp ứng nhu cầu của xã hội), nhưng trong một khoảng thời gian nhất định, sản phẩm đào tạo của họ sẽ làm ảnh hưởng đến đánh giá chung (của Việt Nam và các nước khác) về người tốt nghiệp đại học của Việt Nam”, ông Tuấn cho hay.
Từ năm 2018, Bộ Giáo dục sẽ quy định điểm sàn riêng đối với ngành sư phạm |
Cũng theo lãnh đạo Trường đại học Văn Lang, trong xu thế hiện nay, các trường sẽ rất thận trọng trong việc xác định mức điểm trúng tuyển.
Trường không dại gì đánh đổi, hy sinh tương lai và uy tín của trường mình chỉ để lấy điểm thật thấp nhằm đảm bảo chỉ tiêu cho một vài ngành khó tuyển.
Trong thực trạng hiện nay các trường đào tạo đa dạng về ngành, nghề. Mỗi ngành lại có những yêu cầu riêng, nếu tiếp tục quy định một ngưỡng sàn chung cho tất cả các ngành là chưa hợp lý.
Vì vậy, bỏ điểm sàn được xem là một bước tiến mới và tiến bộ trong giáo dục.
Tuy nhiên, theo ông Tuấn, các trường phải chịu trách nhiệm với quyết định tuyển sinh của mình. Nếu trường quy định điểm đầu vào quá thấp, chất lượng đào tạo không đảm bảo, xã hội sẽ lên tiếng.
Như vậy, trách nhiệm của trường đối với xã hội là rất lớn. Yêu cầu đặt ra lúc này là lựa chọn đầu vào phù hợp với nguồn lực và phải kiểm soát chặt chẽ chất lượng đầu ra.