Làm rõ vì sao sai phạm mà vẫn vòng vèo vào các chức vụ
Trao đổi với báo chí bên lề kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.Hồ Chí Minh) bày tỏ sự đồng tình ủng hộ chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, kiên quyết xử lý sai phạm đối với ông Trịnh Xuân Thanh – nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang và những cá nhân, tập thể có liên quan.
“Tôi rất hoan nghênh việc này, và đề nghị là đã xử lý thì phải tới nơi tới chốn, xử lý cho thấu đáo và kiên quyết. Với những khuyết điểm tồn tại mà không được điều tra xác minh và xử lý tới nơi tới chốn sẽ thì sẽ tạo điều kiện cho sai phạm tiếp diễn.
Tới thời điểm này, chúng ta chưa biết mức độ sai phạm của các vụ việc, ví dụ sai phạm của Ban cán sự Đảng hay lãnh đạo cũ như thế nào, nhưng cần điều tra xác minh và xử lý cương quyết.
Trước hết là để biết sự thật câu chuyện, vì sao xảy ra chuyện như vậy và người có sai phạm như thế mà lại đi vòng vèo, được cử vào các chức vụ như vậy?
Việc chấn chỉnh công tác cán bộ, chấn chỉnh suy thoái đội ngũ cán bộ và bộ máy, đặc biệt là chống nạn chạy chức chạy quyền, được Đảng và Nhà nước chỉ đạo như vậy, nhân dân thấy có những thay đổi tích cực, rất đáng ủng hộ”, ông Nghĩa nêu quan điểm.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, từ sai phạm của ông Trịnh Xuân Thanh, cần phải xem xét lại quy trình cán bộ. ảnh: Ngọc Quang. |
Câu hỏi mà nhiều người đặt ra những ngày qua là vì sao ông Trịnh Xuân Thanh mắc những sai phạm nghiêm trọng như vậy mà vẫn lọt qua các vòng hiệp thương và trúng cử Đại biểu Quốc hội với số phiếu cao nhất tại tỉnh Hậu Giang?
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhận định, đây là một bài học của các cơ quan quản lý, qua đó phải xem lại “những cái gọi là quy trình”.
Ông Nghĩa nhấn mạnh: “Quy trình do con người đặt ra và xây dựng nên, thông qua. Nếu con người mà tốt, có trách nhiệm cao, thì quy trình dù có chưa chặt chẽ thì họ sẽ bổ sung, đề nghị hoàn thiện.
Còn con người mà không tốt thì quy trình có chặt chẽ thì người ta vẫn tìm cách lách và bỏ qua. Vì những lợi ích cá nhân đôi khi người ta bỏ qua cả những sai phạm nghiêm trọng.
Tôi cho rằng, đã đến lúc mọi quy trình phải được xem lại để có sức gạn lọc, bỏ được các tiêu cực của người có trách nhiệm”.
Về hưu cũng phải xử lý, thế mới công bằng
Dưới góc nhìn của Đại biểu Bùi Sỹ Lợi (đoàn Thanh Hóa) - Phó chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, với những sai phạm của ông Trịnh Xuân Thanh mà vẫn vượt qua các vòng hiệp thương là lỗi của cơ sở.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc: “Vào Quốc hội để tránh nọ, tránh kia là rất sai lầm” |
Ông Lợi nói: “Quy trình cán bộ là từ cơ sở. Khi giới thiệu ở cấp bộ, lấy ý kiến nơi cư trú, có ai nói không? Không nói! Lấy ý kiến nơi công tác, có ai nói đâu.
Vậy người đứng đầu các cơ quan, tổ chức chính trị, xã hội ở cơ sở có trách nhiệm thế nào?
Chúng ta không lên nói lỗi này đẩy ngược lên (Hội đồng Bầu cử Quốc gia – PV) mà trước hết phải xem về thẩm quyền, tại cơ sở người ta có đề cập sai phạm đó không?
Nếu đề cập, đưa lên cấp trên mà không xem xét thì đó mới là trách nhiệm của cấp trên”.
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi nêu quan điểm: "Về hưu cũng phải xử lý, thế mới công bằng với công dân”. ảnh: Ngọc Quang. |
Liên quan tới chỉ đạo mới nhất của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc làm rõ sai phạm của ông Trịnh Xuân Thanh, bao gồm cả kiểm tra cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nếu phát hiện có vi phạm, Đại biểu Bùi Sỹ Lợi nhận định, sự việc đáng tiếc này có phần trách nhiệm của Quốc hội khóa XIII.
Ông Vũ Huy Hoàng sẽ bị kiểm tra nếu có dấu hiệu vi phạm |
“Suốt một thời kỳ dài, chúng ta giám sát, theo dõi, tại sao không phát hiện ra?
Nếu phát hiện được, xử lý ngay thì đã không xảy ra tình trạng như báo chí nêu. Tôi nghĩ đó là bài học cho Quốc hội khóa XIV.
Nhà nước kiến tạo tạo thông thoáng, nhưng cũng phải tăng cường kiểm tra, giám sát.
Nếu chúng ta ngăn chặn tốt những vấn đề tiêu cực từ lúc còn nhỏ thì sẽ giảm bớt hậu quả, không có chuyện bé xé ra to.
Quan điểm của Đảng, Quốc hội và Chính phủ là xử lý sai phạm không có vùng cấm. Ai vi phạm phải xử lý. Về hưu cũng phải xử lý, thế mới công bằng với công dân”.
Cũng theo Đại biểu Bùi Sỹ Lợi, qua vụ việc của ông Trịnh Xuân Thanh, có thể thấy những vi phạm ở ngành Công thương thuộc về vấn đề điều hành, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của một ngành.
Điều đó đòi hỏi phải siết chặt hơn nữa công tác giám sát đối với các tư lệnh ngành, những nhân sự chủ chốt trong cơ quan hành pháp.
“Tôi rất quan tâm và ủng hộ quan điểm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu rằng, giảm bớt thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp, giảm thanh tra kiểm tra, nhưng không có nghĩ là không thanh tra, kiểm tra.
Thanh tra, kiểm tra phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Không để trở thành áp lực mà là để tháo gỡ, chứ không phải chỉ để xử lý kỷ luật”, ông Lợi chia sẻ.