Ai sẽ bảo vệ giáo viên khi bị bạo hành?

21/10/2016 06:15
Phan Tuyết
(GDVN) - Ai sẽ bảo vệ giáo viên khi chính họ bị bạo hành? Chẳng ai cả ngoài chính họ.

LTS: Trước trường hợp do bức xúc con bị “xước má” trong giờ học, một phụ huynh đã xông vào trường tát nhầm giáo viên, cô giáo Phan Tuyết bày tỏ sự lo lắng khi hiện nay chúng ta mới chỉ dành sự chú ý bạo lực học đường đối với học sinh mà quên mất chính giáo viên cũng có khi trở thành nạn nhân của hiện tượng này.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả!

Mới đây nhất, câu chuyện một phụ huynh xông vào trường đánh nhầm giáo viên vì vết xước trên má của con đã trở thành tâm điểm nóng trong ngành giáo dục.

Theo trình bày của cô O., giáo viên dạy lớp 3 của trường. Trong giờ ngủ trưa, em H.G nhiều lần không chịu ngủ mà còn nói chuyện với bạn gây ảnh hưởng đến những học sinh khác.

Quá tức giận, cô O. đã ấn vào vai em này nhưng do móng tay cô dài làm má em có một vết trầy xước, do cô không biết nên không kịp thời xử lý.

Ba mẹ H.G đã xông vào trường đánh nhầm một cô giáo khác trước sự chứng kiến của rất đông học sinh.

Cô O. đã xin lỗi gia đình em H.G. Nhưng ba của em vẫn giành lấy micro của cô giáo đang trả học sinh ra về và hai bên giằng co nhau khiến giáo viên này bị thương, chảy máu ở tay; sự việc khiến giáo viên và học sinh trong trường hoảng loạn.

Vết xước ở trên má của em học sinh khiến phụ huynh tức giận (Ảnh: vtc.vn).
Vết xước ở trên má của em học sinh khiến phụ huynh tức giận (Ảnh: vtc.vn).

Dù thế, mới đây nhất Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng đã ra quyết định kỉ luật đình chỉ một tháng công tác và xử phạt hành chính 5 triệu đồng đối với cô O. về hành vi xâm phạm thân thể học sinh.

Mức kỉ luật đã được đông đảo bạn đọc chia sẻ, đa phần mọi người đều nói là quá nặng, bởi giáo viên cũng không dùng vũ lực mạnh để đánh học sinh.

Trong lúc tức giận, giáo viên ấn vào vai để em nằm yên ngủ nhưng do móng tay dài làm trầy xước một bên má. Nếu quan sát kĩ vết thương của em bên má đúng chỉ là một vết xước ngoài da chưa chảy máu.

Trong trường hợp này, khiển trách và nhắc nhở giáo viên trong toàn trường cũng đã đủ làm gương.

Công bằng mà nhìn nhận, giáo viên tức giận và dùng biện pháp mạnh với học sinh như thế cũng là điều bất đắc dĩ.

Thử hình dung xem, cả lớp đã yên giấc nhưng vài học sinh không nghe lời, nói chuyện gây ồn ào; chắc chắn, trước khi mạnh tay, giáo viên đã nhắc nhở nhiều lần nhưng em vẫn không chịu nghe.

Nhiều phụ huynh chỉ nhìn sự việc, nghe một chiều nên đã hành động lỗ mãng với giáo viên dạy con mình, vì sao ư?

Vì họ luôn biết giáo viên dù phạt roi trẻ với bất cứ lý do gì cũng sẽ bị kỉ luật nếu để gia đình làm lớn chuyện.

Giáo viên ngày nay không có được sự bảo vệ của chính những đồng nghiệp cấp trên; bởi ai cũng sợ liên lụy, sợ mang tiếng bao che. Vì thế, giáo viên thường đơn độc, vừa ra sức chống chọi với những phụ huynh ưa dùng vũ lực, vừa tìm cách tự bảo vệ mình trước một tập thể vô cảm là những đồng nghiệp cấp trên.

Chuyện giáo viên bị phụ huynh đánh, hành hung, chửi rủa, mạt sát không phải là hiếm; đôi khi, chỉ vì nhắc nhở học sinh việc học hay la rầy khi các em vi phạm nội quy; không ít gia đình kéo theo dăm bảy người, sát khí đùng đùng, hùng hổ xông thẳng vào lớp học để: “Dạy cho nó bài học lần sau chừa con ông bà ra”.

Có không ít giáo viên chỉ dùng roi quất một cái vào mông học trò đã bị chính cha em học sinh ấy tát thẳng tay vào mặt cùng những lời lẻ thách thức trước hàng trăm cặp mắt ngơ ngác của học trò.

Ai sẽ bảo vệ giáo viên khi bị bạo hành? ảnh 2

Vì sao bạo lực học đường chưa có hồi kết?

Chưa hết, dù bị đánh, bị xúc phạm nhưng những giáo viên cũng phải đến tận nhà phụ huynh năn nỉ họ bỏ qua, đừng viết đơn thưa kiện. Bởi chỉ cần có đơn kiện dù đúng sai thế nào thì không chỉ giáo viên ấy bị kỉ luật mà cả trường cũng bị vạ lây như việc mất hoàn toàn danh hiệu thi đua của năm nhà trường vừa đăng kí.

Trở lại trường hợp cô O. làm trầy xước má học sinh H.G.

Cô không chỉ bị phía phụ huynh đánh, lăng nhục còn bị cấp trên của mình thẳng tay đình chỉ dạy học một tháng, bị phạt tiền cũng bằng cả tháng lương.

Ai sẽ bảo vệ giáo viên khi chính họ bị bạo hành? Chẳng ai cả ngoài chính họ.

Muốn bảo vệ được mình trước những học sinh hư, những em phá phách, bất cần… giáo viên chỉ còn một cách im lặng và làm thinh: “Đến giờ vào lớp dạy, hết giờ xách cặp bước ra”, và ngày càng có nhiều thầy cô hành động như thế!

Phan Tuyết