Ngày 26/7, trên các diễn đàn và mạng xã hội lan truyền nhanh chóng hình ảnh bé gái 5 tuổi đanghọc nhóm lớp mẫu giáo tư thục Ánh Sao Vàng (xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh) có gương mặt bị thâm tím.
Nguyên nhân ban đầu được xác định, bé gái đã bị cô giáo ở nhóm lớp này đánh do ăn trưa bị nôn ra.
Luật sư Lê Ngọc Luân. (Ảnh: H.L) |
Trao đổi với Phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, luật sư Lê Ngọc Luân (Hãng luật Chìa Khóa Vàng) chia sẻ, hành vi của cô giáo Trần Thị Hồng Phượng (đã đổi tên nhân vật, sinh năm 1992) đã xâm phạm đến quyền bảo vệ trẻ em và vi phạm pháp luật về trẻ em.
Hành vi của cô P còn có dấu hiệu phạm vào tội “Bạo hành trẻ em” và “Cố ý gây thương tích”. Theo thông tin ban đầu, hành vi của cô P là rõ ràng và cần phải nghiêm trị.
Luật sư Luân phân tích, hiện nay, hành vi bạo hành đối với trẻ em diễn ra rất đáng báo động. Không thể chấp nhận hay cảm thông cho cô giáo làm nhiệm vụ chăm sóc trẻ em lại có hành vi bạo lực như vậy.
Trẻ em phải là đối tượng cần được yêu thương và bảo vệ tuyệt đối.
Luật sư Luân nói, tôi cho rằng, những vụ việc bạo hành diễn ra càng về sau này có tính chất, mức độ nghiêm trọng hơn những vụ trước là có nhiều nguyên nhân.
Ở đây, có 2 nguyên nhân chính: Quy định về chế tài đối với hành vi “Bạo hành trẻ em”, “Xâm phạm trẻ em” không đủ sức răn đe, phòng ngừa chung trong xã hội.
Kế đến, do việc quản lý của cơ quan nhà nước với những cơ sở chăm sóc trẻ em, các quy định của pháp luật, sự giám sát của cơ quan chức năng với các cơ sở chăm sóc trẻ em chưa đúng mức.
Luật sư Lê Ngọc Luân đưa ra quan điểm, ngay trong gia đình, việc quan tâm đến tâm lý các em chưa được rõ ràng và chặt chẽ. Hành vi bạo hành của những người có chức năng chăm sóc trẻ em trở nên “lờn mặt” với luật pháp.
Các phương thức tuyên truyền đến với cơ sở chăm sóc trẻ em chưa được sâu sát nên với những người chăm sóc trẻ em chưa hiểu, chưa rõ những hành vi có thể gây ra cho trẻ.
Đây là những nguyên nhân chính dẫn đến các vụ bạo hành trẻ em ngày càng tăng và tính chất mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn.
Ngoài những nguyên nhân trên, luật sư Luân còn đề cập đến nguyên nhân thứ 3 ngoài các vụ bạo hành trẻ em xảy ra ở trong trường mần non và cơ sở giữ trẻ thì còn có nguy cơ xảy ra ở các cơ sở phát sinh thuê lao động giữ trẻ.
Những nơi này không có sự giám sát của các cơ quan chức năng và cũng như tổ chức xã hội để chấn chỉnh kịp thời khi “manh nha” xảy ra.
Nhiều cơ sở giữ trẻ có giáo viên chưa được đào tạo bài bản và đầy đủ nhất về phương thức của “quyền trẻ em”.
“Nghề giữ trẻ” sẽ tạo ra một sức ép rất lớn đối với những người chăm sóc trẻ. Do đó, họ phải có tình yêu thương rất lớn để vượt qua được những sức ép này.
Nhóm lớp mẫu giáo tư thục Ánh Sao Vàng ở xã Đa Phước, huyện Bình Chánh (ảnh: N.Q) |
Luật sư Luân đánh giá, các cô giáo phải giữ trẻ với tâm thế như con của mình và dành tất cả những yêu thương cho trẻ.
Ba mẹ có lỗi một phần trong việc trẻ mầm non bị bạo hành |
Bằng tất cả tình yêu thương dành cho trẻ em thì việc bạo hành trong môi trường “sư phạm mầm non” sẽ giảm.
Các cơ quan nhà nước cần quan tâm, chia sẻ với công việc gây ra áp lực với giáo viên rất lớn.
Dưới góc độ nhà quản lý, cơ sở tổ chức chăm sóc trẻ em cần phải thường xuyên quán triệt và chia sẻ nhiều hơn nữa với cô giáo để làm giảm sức ép lên vai người giữ trẻ.
Các cơ sở, tổ chức cần trang bị đầy đủ hệ thống giám sát kể cả thiết bị máy móc lẫn con người để việc nuôi dạy và chăm sóc trẻ được tốt hơn.
Một vấn đề đặc biệt cần chú ý, những người làm cha, làm mẹ hay giám hộ cho trẻ cũng cần phải thường xuyên hỏi han các cháu khi đi học.
“Việc quan sát cô giáo dạy dỗ con em qua hệ thống camera của trường và phải quan tâm đến tâm lý của trẻ có biến đổi hay không nhằm ngăn chặn những nguy cơ bị xâm hại”, luật sư Lê Ngọc Luân đúc kết vấn đề.