LTS: Thẳng thắn chỉ ra một phần nguyên căn trong vấn nạn bạo hành trẻ mầm non đang xảy ra ngày càng phổ biến như hiện nay, tác giả Phan Tuyết đã có bài viết chia sẻ.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Khá nhiều vụ bạo hành trẻ mầm non bị phát giác, cũng đã có khá nhiều giáo viên, bảo mẫu mất việc, đi tù.
Thế nhưng câu chuyện trẻ bị bạo hành một cách dã man nơi trường học vẫn chưa thể chấm dứt.
Điều đáng buồn là nhiều vụ phát hiện sau tính chất còn tàn nhẫn hơn những vụ trước.
Câu hỏi không ít người đặt ra vì sao lại như thế? Hãy nghe người trong cuộc nói gì?
Vấn nạn bạo hành trẻ mầm non (Ảnh minh họa: LAP). |
“Tại phiên tòa xét xử vụ bạo hành năm 2008, bảo mẫu Quảng Thị Kim Hoa đã thừa nhận các hành vi của mình và giải thích: "Do nóng giận khi các bé quấy khóc, không chịu ăn".
Tại buổi tọa đàm "Bạo hành trẻ mầm non - Vì đâu nên nỗi?" do Trường đại học Sài Gòn, báo Tiền Phong, hệ thống giáo dục Tesla tổ chức mới đây, Thạc sĩ Phan Thị Thu Hà - hiệu trưởng Trường mầm non Tesla - cho rằng:
"Giờ cho trẻ ăn là giờ kinh hoàng đối với nhiều giáo viên, bắt nguồn từ nhu cầu trẻ phải tăng cân mỗi tháng của phụ huynh".
Cô Nguyễn Thị Lan, nguyên giáo viên mầm non ở Thành phố Hồ Chí Minh, bộc bạch với phóng viên Báo Tuổi Trẻ:
"Nhiều trẻ không chịu ăn. Có bé không chịu mở miệng khiến giáo viên phải dỗ dành, thậm chí cả dọa nạt, đánh đòn; có trẻ chịu ăn nhưng rồi ói, khi đó giáo viên phải đi lau, dọn, thay đồ cho bé...
Có ngày, bữa ăn của trẻ kết thúc trong sự mệt mỏi rã rời của tôi.
Trong tình cảnh đó, nên tôi không tránh khỏi sự cau có, bực bội, quát mắng học sinh.
Những lúc ấy, có bé nào lỡ gây những việc chướng tai gai mắt như giành đồ chơi của nhau, đánh nhau hay đi vệ sinh trong quần thì tôi sẽ điên lên, phát cho mỗi bé mấy cái vào mông.
Dù bình thường tôi thương các bé như con của mình".
Theo quy định ở nhiều trường mầm non, một giáo viên hiện nay có trách nhiệm đút ăn từ 10 - 20 học sinh/bữa.
Số lượng học sinh như thế là khá đông, trong khi phụ huynh thường mong muốn và yêu cầu con phải ăn được nhiều, được tăng cân sau mỗi tháng quả là áp lực không hề nhỏ.
Với số lượng học sinh nhiều như thế, thời gian dành cho mỗi bữa ăn cũng không thể nhiều vì sẽ vướng vào những giờ đã quy định như (ăn, ngủ trưa, dậy sinh hoạt…) nếu bé không chịu ăn thì chẳng bao giờ kịp thời gian, cũng như không thể tăng cân hàng tháng.
Nhiều phụ huynh sẵn sàng đổi trường cho con chỉ sau vài tháng bé không tăng cân.
Khá nhiều trường học sợ mất học sinh nên ra quy định “bất kể vì lý do gì để sĩ số giảm, giáo viên phải chịu hoàn toàn trách nhiệm”.
Vì thế, giáo viên luôn bị áp lực sợ mất học trò nên phải tìm mọi cách ép cho trẻ ăn bằng được.
Với trẻ biếng ăn, ăn uống là cực hình thì với các cô cho những đứa trẻ này ăn được cực hình phải chịu gấp mười lần.
Có gia đình, ở nhà ba mẹ đút cho con ăn cả buổi cũng chỉ được vài thìa. Phụ huynh đã lên lớp gửi gắm cô để cho bé ăn nhiều hơn.
Một số giáo viên cho biết, có trẻ vô cùng khó ăn. Thức ăn đưa đến miệng nhưng cứ ngậm chặt, hay đút thức ăn vào là nhổ, là lè, là phun ra bằng hết.
Những đứa trẻ này ngay ở nhà ba mẹ cho ăn đã khó.
Thay vì gửi đi trẻ cũng đừng nên yêu cầu cô phải ép cho bé ăn thật nhiều thì cha mẹ các em luôn làm ngược lại.
Những chiều về, khi các mẹ đón con từ nhà trẻ, câu đầu tiên nhiều người hỏi cô “cháu hôm nay ăn được nhiều không?”.
Và các cô cũng được dịp khoe “hôm nay, bé ăn được cả tô luôn chị”. Nét mặt rạng ngời của các mẹ khi thấy con mình ăn được nhiều thấy rõ.
Người viết bài này không có ý bênh vực cho chuyện bạo hành trẻ. Thế nhưng vẫn phải nói để xảy ra tình trạng bạo hành phổ biến như hôm nay có một phần lỗi ở nơi phụ huynh.
Vậy thì muốn chấm dứt tình trạng này, ngoài việc tuyển chọn thật kĩ giáo viên thì các gia đình cũng không nên đặt nặng yêu cầu trẻ phải ăn được nhiều, phải tăng cân vào cuối tháng.