LTS: Xung quanh tranh luận về những sửa đổi trong quy định về bằng đại học chính quy, đại học tại chức trong dự thảo Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, thầy giáo Đạt Nguyễn từ Đồng Nai gửi tới Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết chia sẻ góc nhìn của mình.
Tòa soạn trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc bài viết này!
Ngày 15/12/2017 Uỷ ban Văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội tổ chức Hội nghị tham vấn chuyên gia về sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục và Luật Giáo dục Đại học. Báo Tuổi Trẻ tường thuật:
Không phân biệt bằng: tin thất thiệt?
Tại hội nghị, nhiều chuyên gia tỏ ra băn khoăn trước thông tin trong dự thảo luật sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ không còn phân biệt bằng đại học tập trung (trước đây vẫn gọi là chính quy) hay không tập trung (trước đây hay gọi là hệ tại chức, vừa học vừa làm) trên văn bằng.
Đáp lại băn khoăn này, ông Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định:
Dự thảo luật không hề đề cập đến việc trên bằng cấp có ghi hay không còn ghi hình thức đào tạo (tập trung hay không tập trung). Dự thảo điều 38 quy định "Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định thống nhất các nội dung chính ghi trên văn bằng và phụ lục kèm theo...".
Hình minh họa, nguồn: VTV.vn. |
Như vậy, theo ông Phúc, ghi hay không ghi hình thức đào tạo trên văn bằng sẽ do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cân nhắc, quyết định trên cơ sở các góp ý.
Tất nhiên đa số các nước không ghi, nhưng với Việt Nam, "do có yếu tố lịch sử khiến nhiều người còn nghi ngại về chất lượng..." - ông Phúc nói. [1]
Có thể "tóm lại" phát biểu của Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc với hai ý chính như sau:
(1) Khẳng định dự thảo Luật Giáo dục Đại học không hề đề cập đến việc trên bằng cấp có ghi hay không còn ghi hình thức đào tạo (tập trung hay không tập trung).
Dự thảo điều 38 quy định: “Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định thống nhất các nội dung chính ghi trên văn bằng và các phụ lục kèm theo…”.
Như vậy, việc ghi hay không ghi hình thức đào tạo trên văn bằng sẽ do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định trên cơ sở các góp ý.
(2) Đa số các nước đều không ghi rõ hệ đào tạo trên văn bằng, nhưng với Việt Nam, do có yếu tố lịch sử khiến nhiều người còn nghi ngại về chất lượng…
Trước những băn khoăn và tranh luận khá gay gắt trên các phương tiện truyền thông hiện nay về giá trị của tấm bằng đại học và chất lượng của các loại hình đào tạo đại học, cách giải đáp này đã tỏ ra không mấy thuyết phục.
Ngoài việc phân trần với dư luận rằng dự thảo Luật Giáo dục Đại học không quy định cụ thể nội dung ghi trên văn bằng và Bộ trưởng đang còn chờ những góp ý, ông Thứ trưởng đã tỏ ra khá kín kẽ khi không bày tỏ một chính kiến rõ ràng nào về việc này.
Theo thông lệ hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo chính là cơ quan chủ trì biên soạn và đệ trình dự thảo luật Giáo dục Đại học;
Và dĩ nhiên, cũng chính Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tham mưu Chính phủ và/hoặc tự mình ban hành các văn bản dưới luật để hướng dẫn chi tiết việc tổ chức thực hiện luật sau khi dự luật này được Quốc hội thông qua và Chủ tịch nước công bố hiệu lực thi hành.
Do đó, tuy dự thảo điều 38 không quy định chi tiết về những nội dung chính cần ghi trên văn bằng, nhưng chắc chắn, những nội dung chi tiết này cũng sẽ do chính Bộ Giáo dục và Đào tạo soạn thảo và ban hành.
Vì vậy thiết nghĩ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phải công khai quan điểm, chủ trương và những giải pháp cần thiết của mình trong nỗ lực bảo đảm giá trị thực chất của các loại bằng cấp nói chung và bằng đại học nói riêng.
Và cụ thể nhất là, Bộ cần nêu rõ chủ ý và những lý giải của mình liên quan đến việc duy trì hay không tiếp tục ghi nhận sự phân biệt các loại hình đào tạo trong văn bằng đại học.
Có vậy, các chuyên gia và công luận mới có thể tham gia đóng góp những ý kiến cụ thể để bổ sung hay phản biện đạt hiệu quả thiết thực.
Trên cơ sở ấy, Bộ trưởng cùng ban tham mưu của mình thận trọng tiếp thu, điều chỉnh hay giải trình, giải thích thêm.
Việc công khai những thông tin này, khi ấy, không chỉ có tác dụng làm minh bạch chủ trương và quyết tâm của Bộ mà còn hướng dẫn công luận tham gia giám sát quá trình tổ chức thực hiện.
Điều này sẽ góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với quyết định về nội dung ghi trên văn bằng cùng với các giải pháp liên quan nhằm đảm bảo chất lượng của bằng cấp.
Nếu không, nhân dân sẽ lại phải tiếp tục nghe mãi cách giải thích cho những yếu kém, tồn tại trong xã hội hiện nay bằng các từ ngữ đầy huyễn hoặc như “yếu tố lịch sử” nêu trên.
Đã đến lúc chấm dứt việc đổ tội cho lịch sử; bởi lẽ, không ai khác mà là chính chúng ta đã và đang viết tiếp những trang lịch sử của dân tộc mình.
Xin đừng để thế hệ mai sau nhìn thấy nền giáo dục hôm nay cũng đầy dẫy cảnh “mua bằng, bán cấp”, “vàng thau lẫn lộn” như trong xã hội thời kì mạt vận của một số triều đại phong kiến trước đây.
Tài liệu tham khảo:
[1]https://tuoitre.vn/chinh-sach-uu-dai-phai-binh-dang-giua-truong-cong-va-tu-20171216094847842.htm