Tuyên truyền như thế chỉ làm lệch lạc đổi mới giáo dục

16/10/2017 07:06
Đạt Nguyễn
(GDVN) - VTV đã dùng hình ảnh trích đoạn một tiết dạy phân môn Chính tả, kiểu bài “Nghe đọc và chép” để minh hoạ cho lối dạy “thầy đọc – trò chép”.

LTS: Thày giáo Đạt Nguyễn, nguyên cán bộ quản lý giáo dục tỉnh Đồng Nai từng tham gia tìm hiểu và triển khai mô hình Trường học mới Việt Nam ngay từ những ngày đầu gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết mới.

Bài viết này, thầy Đạt Nguyễn bày tỏ một số ý kiến xung quanh bản tin “Tương lai nào cho mô hình trường học mới VNEN?” của VTV, phát sóng ngày 1/10/2017. Tôn trọng tính tranh luận đa chiều, Tòa soạn xin mời quý bạn đọc theo dõi bài viết này.

Văn phong và nội dung bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn của tác giả. Tiêu đề bài viết do Tòa soạn đặt. Trân trọng cảm ơn thày Đạt Nguyễn và mời quý bạn đọc theo dõi.

Xem chương trình “90 phút để hiểu” phát trên VTV1 ngày 01/10/2017, một lần nữa tôi thật sự thất vọng với VTV về bản tin “Tương lai nào cho mô hình trường học mới VNEN?”.

Đây là một vấn đề còn đang có nhiều ý kiến tranh luận trái chiều và phản ứng không chấp nhận rất rõ ràng từ chính quyền và nhân dân, giáo viên ở nhiều địa phương.

Ảnh chụp màn hình phóng sự "Tương lai nào cho mô hình trường học mới VNEN?" của VTV.
Ảnh chụp màn hình phóng sự "Tương lai nào cho mô hình trường học mới VNEN?" của VTV. 

Biên tập viên chương trình “90 phút để hiểu” dẫn nhập:

“Từ bao đời nay, hình ảnh lớp học truyền thống với thầy cô giáo đứng trên bục giảng, tất cả học sinh đều nhìn về một hướng, trật tự, chăm chú và có phần thụ động lắng nghe bài giảng đã in hằn trong tâm trí của nhiều thế hệ người Việt Nam. 

Với lối dạy học thiên về truyền thụ kiến thức, người thầy sẽ luôn là trung tâm của lớp học, là hiện thân của chân lí, là người luôn luôn đúng. 

Nhưng từ 4 năm nay, một hình ảnh khác đang bắt đầu xuất hiện trong các lớp học ở Việt Nam,… phá vỡ phương pháp giáo dục truyền thống thầy đọc, trò chép”.

Chương trình này của VTV đã phác hoạ chân dung giáo dục phổ thông hiện nay bằng một gam màu đơn điệu và cũ kĩ đến rêu mốc nhằm cố ý làm nổi bật cái mà họ tưởng là mới mẻ của mô hình VNEN.

Không rõ là những người viết/trình bày những câu chữ rất chỉn chu, khúc chiết nêu trên thuộc lớp nào trong cái “bao đời nay” ấy, nhưng chắc một điều là họ đã phải là học trò từ những cái lớp học mà họ cho là “truyền thống” đó. 

Và điều khó hiểu là vì nguyên nhân nào mà, như dân gian vẫn thường nói, họ đã dùng “đôi mắt bịt bạc” để nhìn nên đã không thấy được sự thay đổi, chuyển biến của trường lớp hiện nay. 

Đó là một cách nhìn xuất phát từ lối tư duy siêu hình, đóng khung và cách li sự vật khỏi các mối quan hệ.

Cho nên chẳng những người làm chương trình này đã không thấy được sự vận động của sự vật, xoá mờ những bước tiến bộ đã có qua bao nhiêu năm thực hiện đổi mới;

Mà họ còn như cố tình xuyên tạc sự thật, bôi bác hình ảnh lớp học hiện nay và biến “truyền thống” thành ra những gì đồng nghĩa với chậm tiến, lạc hậu.

Thật buồn cười vì những người làm chương trình này của VTV đã dùng hình ảnh trích đoạn một tiết dạy phân môn Chính tả, kiểu bài “Nghe đọc và chép” để minh hoạ cho lối dạy “thầy đọc – trò chép” của lớp học truyền thống. 

Hình ảnh tiết học Nghe đọc và chép chính tả được chương trình "90 phút để hiểu" sử dụng minh họa cho phóng sự, ảnh chụp màn hình.
Hình ảnh tiết học Nghe đọc và chép chính tả được chương trình "90 phút để hiểu" sử dụng minh họa cho phóng sự, ảnh chụp màn hình.

Chi tiết này không chỉ cho thấy sự thiếu hiểu biết mà còn tố cáo cái nhìn phiến diện đầy thành kiến sai lệch của những người làm chương trình này của nhà đài VTV.

Người trong nghề sư phạm, ai cũng hiểu tất cả giáo viên tiểu học đều cần thực hiện cách dạy chính tả như vậy đối với riêng kiểu bài “Nghe đọc và chép” và ngoài ra còn có một số hình thức luyện tập chính tả khác nữa. 

Ai đã từng học qua bậc tiểu học (mấy ai không nhỉ?!) chắc đều nhớ và hiểu rằng, chính nhờ những bài luyện tập chính tả như thế mà họ đã có thể bước đầu hình thành ý thức và khả năng viết đúng chính tả tiếng Việt. 

Về việc từ bỏ mô hình VNEN tại thành phố Hải Phòng, chương trình của VTV đã đặc tả việc lột bỏ một số trang trí đặc trưng của mô hình VNEN trên các bức tường lớp học và sắp xếp lại bàn ghế học sinh theo kiểu truyền thống với hàm ý như là những bước thụt lùi.

Những người làm chương trình đã không hề tạo điều kiện cho các giáo viên ở đó nêu ý kiến giải thích vì sao như vậy và họ sẽ thực hiện những gì để thay thế. 

Tôi tin rằng giáo viên tại Hải Phòng thừa năng lực và trình độ để chỉ ra rằng: 

(1) Cần phải thay thế nhiều loại bảng biểu như “10 bước học tập” hay “Sơ đồ tổ chức Hội đồng tự quản lớp học”,… bằng những hình ảnh tươi vui kèm câu chữ (danh ngôn, cách ngôn, ca dao, tục ngữ,…) phù hợp;

Các tranh ảnh/đồ dùng dạy học được thay đổi theo từng chủ đề, chủ điểm của các môn học ở mỗi giai đoạn trong năm học hay những sản phẩm, bài làm tốt của học sinh thì có tác dụng giáo dục và hỗ trợ việc dạy-học thiết thực hơn rất nhiều lần so với những trang trí rất hình thức và cứng nhắc của VNEN. 

Từ rất lâu trước khi có VNEN, nhiều trường học ở Hải Phòng và trên cả nước, đã tiến hành khai thác, tận dụng 4 bức tường lớp học (không gian lớp học);

Thậm chí là toàn cảnh không gian nhà trường (hành lang, thang lầu, góc sân,…) thành những vị trí, tụ điểm hoạt động cho học sinh với những trang trí ngày càng vừa thẩm mĩ, vừa có tính giáo dục cụ thể, phù hợp và gần gũi hơn với tuổi thơ. 

Tuyên truyền như thế chỉ làm lệch lạc đổi mới giáo dục ảnh 3

Báo cáo đánh giá tác động VNEN có thực sự là của Ngân hàng Thế giới?

Chỉ cần những người thực hiện chương trình này của VTV đem máy ghi hình đến những trường, lớp không VNEN bất kì ở đâu và lúc nào cũng sẽ thấy rõ những điều này. 

(2) Sắp xếp bàn ghế học sinh trong lớp học theo kiểu truyền thống (tất cả nhìn theo về hướng bảng lớp) hay kiểu nào là tuỳ thuộc vào ý định tổ chức hoạt động dạy học của giáo viên đối với mỗi buổi, môn, tiết học hay hoạt động học tập cụ thể. 

Điều đáng lưu ý ở đây là loại bàn ghế học sinh 2 chỗ ngồi trong lớp học tại Hải Phòng, tự nó đã là một chỉ dấu của sự đổi mới vốn đã xuất hiện từ trước khi VNEN. 

Với loại bàn ghế này, giáo viên và học sinh gần như rất dễ dàng trong việc tiếp cận nhau cũng như rất mau chóng khi cần thay đổi kiểu bố trí để thuận tiện và phù hợp cho các hình thức tổ chức lớp học/hoạt động học tập khác nhau. 

Do đó, cho dù thoạt đầu bàn ghế được xếp theo kiểu truyền thống thì vẫn có thể linh hoạt hơn rất nhiều so với kiểu bố trí theo nhóm cố định của VNEN. 

Qua một số phim ảnh, mọi người đều thấy lớp học phổ thông ở những nước tiên tiến hiện nay, học sinh với bàn ghế 1 chỗ ngồi – nhìn chung, vẫn được sắp xếp chủ yếu theo kiểu hướng về bảng lớp. 

Không thể chỉ nhìn kiểu sắp xếp bàn ghế mà vội phán đoán về việc có hay không sự thay đổi phương pháp dạy học. 

Rất tiếc là đã không có giáo viên hay phụ huynh học sinh nào ở Hải Phòng được phỏng vấn. Thay vào đó là một hiệu trưởng trường tiểu học và ông Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo. 

Ai xem đoạn phim này đều thấy rõ những cán bộ quản lí này đã phải “uốn lưỡi” một cách rất khó khăn để né tránh câu trả lời thẳng vào sự thật của vấn đề VNEN vì ngại mất lòng cấp trên. 

Điểm sáng nhất trong bản tin là những hình ảnh một tiết dạy Lịch sử lớp 7 của cô giáo Nguyễn Thị Huyền Thảo, trường Trung học phổ thông chuyên Trần Đại Nghĩa, thành phố Hồ Chí Minh. 

Nhưng cũng rất tiếc, tiết học sinh động này lại được nhóm nhà báo của VTV cho là một điển hình từ việc tiếp thu và vận dụng nguyên lý dạy học lấy học sinh làm trung tâm của mô hình VNEN. 

Tuyên truyền như thế chỉ làm lệch lạc đổi mới giáo dục ảnh 4

Vì sao giáo viên không chấp nhận VNEN, tiếng nói người trong cuộc

Có lẽ không cần phải nói lại cho đúng là lí thuyết dạy học lấy người học làm trung tâm không hề xuất phát từ VNEN hay chỉ được sử dụng độc quyền trong mô hình VNEN. 

Chỉ cần nghe kĩ lời phát biểu của cô giáo, tôi tin rằng mọi người sẽ nhận thấy những người làm chương trình này của VTV đã rất khiên cưỡng và làm lệch lạc sự thật trong mẩu tin này. 

Cô giáo Huyền Thảo không hề tán thành bất kì mô hình nào có tính áp đặt, bó buộc cách dạy, cách học của giáo viên và học sinh, mà VNEN - với các sản phẩm cụ thể có tên là “Hướng dẫn học”, chính là một điển hình cho kiểu mô hình như thế. 

“Giáo dục, đó là sự sáng tạo, tạo sự thăng hoa và bay bổng trong suy nghĩ của học sinh và giáo viên.

Tôi nghĩ rằng đã đến lúc hãy để cho giáo viên tự sáng tạo theo góc độ của mình, vì giáo viên này mạnh cái này sẽ dạy cho học sinh mạnh cái này, giáo viên kia mạnh cái kia sẽ dạy cho học sinh mạnh cái kia.

(Thế) thì không có lí do gì tại sao tất cả mọi giáo viên phải mặc một đồng phục như nhau, một suy nghĩ như nhau để rồi áp đặt cho tất cả học sinh một suy nghĩ như nhau.”

Các cấp lãnh đạo, các nhà hoạch định chương trình giáo dục phổ thông mới cũng nên cần lắng nghe và thấu hiểu phát biểu này vì đây cũng là ý nguyện chung của rất nhiều giáo viên. 

Đổi mới giáo dục là rất cần thiết và cấp bách. 

Nhưng đổi mới thực sự cũng rất cần sự tĩnh táo, sáng suốt để nhận diện và loại bỏ những gì đội lốt khoa học, khoa học giả hiệu.

Tệ hơn nữa là việc mượn danh đổi mới để trục lợi, làm giàu bất chính trên công sức lao động của giáo viên, móc túi người dân, rút ruột ngân sách quốc gia và làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào công cuộc đổi mới. 

Và đổi mới giáo dục sẽ không thực sự thành công nếu giáo viên - lực lượng chính yếu thực hiện những ý tưởng tốt đẹp, không nhận được gì thiết thực làm tăng thêm giá trị tinh thần và vật chất cho mình từ các chủ trương chính sách đổi mới cũng như những thay đổi về cung cách đào tạo, quản lí và ứng xử đối với giáo viên.

Tôi tin rằng, là một cơ quan ngôn luận chính thức và uy tín, VTV sẽ đầu tư công sức nhiều hơn nữa với sự nhạy cảm và lương tâm nghề nghiệp cao hơn nữa để có thể tiếp tục tìm hiểu rõ hơn, sâu hơn, chính xác hơn về những nguyên nhân dẫn đến sự thất bại của mô hình VNEN.

Và từ đó hy vọng những người làm chương trình này sớm từ bỏ cách nhìn rất lệch lạc, sai trái khi cho rằng mọi đổi mới giáo dục đã có hiện nay đều là kết quả do mô hình VNEN đem đến. 

Có như vậy, VTV mới có thể tiếp tục làm tốt vai trò dẫn dắt công luận tham gia tích cực vào công cuộc đổi mới giáo dục nói riêng và sự nghiệp đổi mới đất nước nói chung.

Tài liệu tham khảo:

http://vtv.vn/giao-duc/tuong-lai-nao-cho-mo-hinh-truong-hoc-moi-vnen-20171001211413092.htm

Đạt Nguyễn