LTS: Với mong muốn đưa ra quan điểm về việc bỏ cộng điểm thi Nghề phổ thông trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, tác giả Trần Vũ đã có những chia sẻ về vấn đề này.
Theo đó, tác giả cho rằng, sau một số bất cập, thiết nghĩ ngành Giáo dục và Đào tạo nên bỏ ngay việc cộng điểm thi Nghề phổ thông khi tuyển sinh vào lớp 10.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông, ban hành kèm theo Thông tư số 11/2014/TT-BGDĐT ngày 18/4/2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, có quy định:
"Sẽ bỏ cộng điểm khuyến khích trong đó có điểm thi Nghề phổ thông cho thí sinh khi tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông".
Vậy, vì sao phải bỏ cộng điểm thi Nghề phổ thông khi tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông?
Bỏ cộng điểm thi Nghề phổ thông trong tuyển sinh lớp 10 là hợp lý (Ảnh minh họa: lamdong.gov.vn). |
Như đã biết, khi thực hiện Công văn số: 10945/BGDĐT-GDTrH ngày 27/11/2008 về hướng dẫn thi và cấp giấy chứng nhận Nghề phổ thông của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhiều năm nay Sở Giáo dục và Đào tạo ở các địa phương đã giao nhiệm vụ tổ chức thi Nghề phổ thông cho các Trung tâm giáo dục thường xuyên cấp huyện (quận, huyện, thành phố thuộc tỉnh) thực hiện.
Qua nhiều năm tổ chức thi đã xuất hiện một số bất cập, do vậy thiết nghĩ Ngành Giáo dục và Đào tạo nếu chưa chấn chỉnh được nên bỏ ngay việc cộng điểm thi Nghề phổ thông khi tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông, bởi:
1. Về thi lý thuyết môn nghề phổ thông
Ở nhiều Hội đồng thi Nghề phổ thông do Trung tâm giáo dục thường xuyên cấp huyện chủ trì, cán bộ coi thi lý thuyết thường là giáo viên phổ thông ở các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông và Trung tâm giáo dục thường xuyên trong huyện nên không ít cán bộ coi thi dễ dãi với thí sinh.
Mặt khác, đề thi lý thuyết các môn Nghề ở một số địa phương vẫn ra theo hình thức tự luận. Cán bộ chấm thi lý thuyết là giáo viên dạy nghề của trường phổ thông và của Trung tâm giáo dục thường xuyên trong huyện, nên việc họ chấm bài học sinh của mình dạy là đương nhiên.
Do vậy, bài thi lý thuyết môn Nghề phổ thông của thí sinh hầu như không có điểm dưới 3.0.
Học nghề phổ thông toàn đối phó, bỏ ưu tiên cộng điểm là đúng |
2. Về thi thực hành môn Nghề phổ thông
Ngoài môn Tin học văn phòng, có đủ cán bộ coi thi là giáo viên Tin học và thí sinh thực hành trên máy tính, nên kết quả thi có đảm bảo được tính khách quan.
Còn lại các môn khác như: Điện dân dụng, Thêu tay, Nấu ăn, Nhiếp ảnh, Làm vườn…cán bộ coi thi thực hành hầu hết là giáo viên dạy phổ thông trong huyện nên đã dễ dãi để thí sinh trao đổi hoặc làm thay sản phẩm cho nhau.
Mặt khác, không ít Hội đồng thi Nghề thường xếp phòng thi thực hành theo đơn vị trường trung học cơ sở, nên nhiều phòng thi có thí sinh học cùng lớp với nhau.
Còn cán bộ chấm thi thực hành cũng là giáo viên dạy nghề của thí sinh dự thi và chỉ chấm sản phẩm thực hành mà không chấm cả quá trình làm bài của thí sinh.
Do đó, bài thi thực hành môn Nghề phổ thông của phần lớn thí sinh đều đạt điểm cao.
Ở Hội đồng thi Nghề phổ thông do Trung tâm giáo dục thường xuyên cấp huyện chủ trì, hàng năm, có 2 đợt thi vào tháng 3 và tháng 8, hầu như không có thí sinh nào bị lập biên bản vi phạm quy chế thi còn lãnh đạo Hội đồng thi Nghề phổ thông và cán bộ giám sát thi, không có nhiều thời gian để quan sát tường tận, nhất là phần thi thực hành.
Theo Hướng dẫn 10945 của Bộ Giáo dục và Đào tạo: “Điểm bài thi thực hành hệ số 3 còn điểm bài lý thuyết hệ số 1. Nếu đạt điểm trung bình hai bài thi từ 5.0 trở lên, không bài thi nào có điểm dưới 3.0 thì đều được cấp chứng nhận nghề phổ thông.
Được xếp loại giỏi khi điểm trung bình hai bài thi đạt từ 9 đến 10 điểm; loại khá khi điểm trung bình hai bài thi đạt từ 7.0 đến dưới 9.0, điểm bài thi lý thuyết từ 5.0 trở lên và loại trung bình ngoài tiêu chuẩn của 2 loại trên”.
Thế nên, hàng năm, tỉ lệ thí sinh được cấp giấy chứng nhận Nghề phổ thông, qua mỗi đợt thi có nơi đạt 100 % (trừ học sinh bỏ thi) và tỉ lệ xếp loại khá, giỏi trên 90 %.
Cụ thể như, kỳ thi cấp chứng chỉ nghề phổ thông tháng 3/2016 tổ chức tại Trung tâm dạy nghề và giáo dục thường xuyên Thành phố Yên Bái tỉnh Yên Bái có 437/450 học sinh các trường trung học cơ sở trên địa bàn thành phố dự thi.
Bỏ cộng điểm tuyển sinh đầu cấp là quyết định sáng suốt, tạo sự công bằng |
Kết quả xếp loại thí sinh: Loại giỏi: 295, tỉ lệ: 67,51%; loại khá: 142, tỉ lệ: 32,49%; không có loại trung bình.(Trang web của Trung tâm dạy nghề và giáo dục thường xuyên Thành phố Yên Bái).
Hoặc kỳ thi cấp chứng chỉ nghề phổ thông tháng 3/2016 của Trường trung học phổ thông Chầu Thành 1 tỉnh Đồng Tháp có 441/443 học sinh dự thi.
Kết quả xếp loại thí sinh: Loại trung bình: 41, tỉ lệ 9,29%; loại khá, giỏi: 400 tỉ lệ 90,7%. (Trang web của Trường trung học phổ thông Chầu Thành 1).
Từ thực trạng trên đây, cho thấy kỳ thi cấp chứng chỉ Nghề phổ thông hiện nay ở các địa phương chưa thật sự nghiêm túc và công bằng.
Do vậy, việc bỏ cộng điểm thi Nghề phổ thông khi tuyển sinh lớp 10 theo dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo là hợp lý.
Bởi theo Thông tư số: 02/2013/TT-BGDĐT, ngày 30/01/2013 về tuyển sinh trung học phổ thông của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định:
“Học sinh được cấp chứng nhận nghề phổ thông trong kỳ thi do Giáo dục và Đào tổ chức ở cấp trung học cơ sở: loại giỏi cộng 1.5 điểm; loại khá cộng 1.0 điểm; loại trung bình cộng 0.5 điểm”.