Sự kiện cựu sinh viên Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh đốt tấm bằng tốt nghiệp đã càng làm cho các bạn trẻ phải thận trọng trong mùa tuyển sinh sắp tới. Nghề và nghiệp trong tương lai của các bạn trẻ được ví như “người tình” nếu có những lựa chọn… sai lầm.
Vòng tròn hướng nghiệp: “Nghề - ngành – trường”
Tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng đào tạo Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh nhân câu chuyện này đã dành cho các bạn học sinh trước mùa tuyển sinh: “Hãy luôn cân nhắc thật kỹ đối với việc lựa chọn nghề nghiệp trước ngưỡng vào đời.
Hãy xác định thật kỹ cần phải vào đại học hay theo lối rẽ khác?
Vào đại học bằng sở thích sở trường hay vào đại học chỉ để có tấm bằng đại học?”.
Các bạn trẻ cần tuân thủ thứ tự ưu tiên trong hướng nghiệp: Chọn nghề - chọn ngành - chọn trường. Nếu chọn lầm nghề, bạn không bỏ nghề hoặc không theo nghề thì nghề cũng sẽ bỏ bạn bất kỳ lúc nào.
Ba vấn đề: “nghề - ngành – trường” biểu trưng cho 3 vòng tròn hướng nghiệp, theo thứ tự trước sau.
Các bạn học sinh cũng phải cân nhắc nhu cầu việc làm trong tương lai của ngành mình chọn và các yếu tố tác động khác.
Nếu xác định được sẽ có ý nghĩa đối với cả cuộc đời, lâu dài… hơn là tìm câu trả lời cho câu hỏi: “Chọn trường nào, ngành nào để dễ đậu?”.
Học sinh năm cuối cấp Trung học Phổ thông luôn băn khoăn trước ngưỡng cửa ngành nghề. (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn) |
Tiến sĩ Lý phân tích: “Đậu rồi nhưng chỉ là sự trú chân tạm bợ, ngồi đó nhưng trong đầu lại không một chút tâm huyết gì với ngành nghề đó, sẽ tạo ra một sự lãng phí vô cùng lớn cho bản thân, gia đình và cao hơn là lãng phí xã hội”.
Thí sinh cần tránh ngộ nhận và biết lượng sức mình. Thí sinh không nên chọn những nghề thật… cao siêu mà năng lực khó với tới.
Sau khi chọn nghề phù hợp, thí sinh nên lượng sức để chọn vào ngành của trường nào hoặc thậm chí bậc nào phù hợp.
Các tiêu chí để tham khảo: Điểm chuẩn vài năm gần nhất, chỉ tiêu tuyển, nhu cầu xã hội, việc làm sau khi ra trường, điều kiện vị trí địa lý…
Nghề nghiệp hiện nay rất đa dạng nhưng năng lực của con người thì có hạn, trong khi giới trẻ thì lại có quá nhiều ước mơ, mong mỏi. Sự lựa chọn nghề nghiệp đương nhiên là chuyện tự do, tự nguyện.
Tiến sĩ Trần Đình Lý nhận xét, cũng có nhiều trường hợp học sinh… bị lệ thuộc vào quyết định của người khác. Cần nhớ rằng lời khuyên luôn bổ ích, quan trọng, nhưng bạn phải là người quyết định về tương lai của mình.
Nhìn được sở thích và chú ý đến năng lực
Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng phòng đào tạo Trường Đại học Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá vấn đề chọn ngành nghề trong tương lai cho các em học sinh là rất quan trọng.
Gia đình các em cần hiểu rằng việc chọn ngành nghề là theo sở nguyện của các em chứ không nên ép.
Phụ huynh có nhiều kinh nghiệm, có thể định hướng cho con em việc chọn ngành nghề trong tương lai.
Khi các em đã quyết định chọn ngành nghề, tức là các em đã có tính tự lập thì phụ huynh chỉ nên hiểu và tạo điều kiện cho các em phát triển với niềm đam mê của mình.
Nếu lựa chọn những ngành nghề các em không thích với sở trường thì sau này tốt nghiệp ra trường, các em cũng không làm tốt các công việc.
Thạc sĩ Anh Vũ khẳng định, để tư vấn, hướng nghiệp khi các em còn ngồi trên ghế giảng đường, phụ huynh cần phải nhìn thấy được ngoài sở thích thì còn phải chú ý đến năng lực thực sự của con em mình.
Thích ngành nghề nào đó là một chuyện nhưng năng khiếu, năng lực của các em lại là vấn đề khác.
Một ví dụ, có nhiều bạn trẻ rất thích ngành Y nhưng khi nhìn thấy máu đã “xanh mặt” và ngất xỉu thì rõ ràng không thể phù hợp với ngành nghề này.
Kế đến, phụ huynh cần xem xét đến điều kiện gia đình để chọn bậc học và chọn trường cho phù hợp.
Gia đình phụ huynh quá khó khăn không thể học ngay 4 năm vì lý do tài chính, hoặc nhiều em học sinh không có điều kiện đi học xa nhà thì xem xét đến các trường địa phương.
Nếu điều kiện gia đình không học liên tục 4 – 5 năm thì hướng đến việc học Trung cấp hoặc Cao đẳng để tương lai có điều kiện sẽ tiếp tục học lên Đại học…
Học sinh lựa chọn ngành - nghề phù hợp sẽ tránh được tình trạng "thừa thầy thiếu thợ". (Ảnh: Đan Quỳnh) |
Để định hướng đúng cho các em học sinh, ý kiến gia đình cũng như các thầy cô trong trường rất quan trọng và nên lưu ý đến.
Những định hướng của phụ huynh cũng như nhà trường sẽ thiết thực và phải phù hợp với các em học sinh sẽ là tiền đề tốt để phát triển trong tương lai.
Để gieo mầm tốt cho các em, phụ huynh nên hướng đến ngành nghề “vừa là sở thích cũng như sở trường” của các em.
Thạc sĩ Anh Vũ nói, không thể ép một em học sinh có học lực trung bình mà cứ phải thi vào trường đại học danh giá.
Các em có thi từ năm này sang năm khác vẫn lay hoay tìm kiếm cơ hội học hành, trong khi các bạn đồng trang lứa đã tốt nghiệp, ra trường và có việc làm bằng ngành nghề và lựa chọn trường phù hợp.
Tâm lý sính bằng cấp khiến các trường Trung cấp bị… lãng quên
Thạc sĩ Trần Phương, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Việt Giao đánh giá, thực trạng hiện nay cử nhân ra trường thất nghiệp hoặc làm việc trái chuyên môn một phần đã cho thấy trình độ và kỹ năng của họ không đáp ứng được yêu cầu xã hội nên rất khó tìm việc. Vì vậy, các trường Đại học cần có sự thay đổi trong cách thức giảng dạy.
Hiện nay, các nhà tuyển dụng ngoài đòi hỏi về chuyên môn, tay nghề còn muốn tìm kiếm những ứng viên có trình độ về ngoại ngữ và có một số các kỹ năng mềm như làm việc nhóm, giao tiếp, thuyết trình...
Không chỉ vậy, nhà tuyển dụng còn "chọn mặt gửi vàng" những bạn hội tụ các tố chất như luôn biết cố gắng, phấn đấu và nhiệt huyết với nghề, ham học hỏi, chịu được áp lực cao của công việc, có tinh thần trách nhiệm cao...
Thạc sĩ Trần Phương trăn trở, một trong những nguyên nhân dẫn đến bất cập trong nền giáo dục hiện nay là tâm lý sính bằng cấp hiện diện rất nặng nề trong xã hội, kể cả ở cấp quản lý nhà nước.
Cơ cấu hệ thống giáo dục của Việt Nam vốn được xác định ở thế “kiềng 3 chân” khá hài hòa gồm: Phổ thông, Đại học và Dạy nghề.
Trong nhiều năm trở lại đây, do tâm lý sính bằng cấp ngày càng nặng nề nên nhánh Dạy nghề gần như bị “bỏ quên”, dẫn đến thực trạng “thừa thầy thiếu thợ”, lãng phí tiền của trong đào tạo, khiến cho “thế chân kiềng” này chỉ còn… hai chân, chênh vênh không bền vững.
Thạc sĩ Trần Phương đưa ra quan điểm, mặc dù không phủ nhận hoàn toàn những lợi ích mang lại từ môi trường giáo dục Đại học, nhưng chắc chắn đó không phải là con đường phù hợp cho tất cả.
Thay vì cố sức vào cuộc chạy đua “Đại học”, các bạn trẻ nên xác định rõ đam mê, sở thích và chọn trường vừa sức, phù hợp khả năng, có điều kiện đào tạo tốt chuyên ngành mình lựa chọn.