Phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã phỏng vấn Tiến sĩ Huỳnh Anh Bình, chuyên gia tâm lý, Giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh xung quanh vấn đề này:
- Phóng viên: Thưa ông, dưới cách nhìn nhận của chuyên gia tâm lý, ông phân tích hành động của cựu sinh viên Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh đã đốt bằng tốt nghiệp của mình gây xôn xao dư luận trong thời gian qua như thế nào?
Tiến sĩ Huỳnh Anh Bình: Ở đâu đó, có rất nhiều góc độ để phân tích về hành vi đốt Bằng tốt nghiệp của cựu sinh viên Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh. Tôi chỉ muốn đề cập đây là tình trạng hy hữu mà ở Việt Nam có và thế giới cũng có. Trên thế giới cũng đã từng xảy ra những trường hợp như vậy.
Nhưng tôi muốn nhắn nhủ, nếu các bạn trẻ giải quyết cảm xúc tức thời như vậy, nếu các bạn bỏ quên những kiến thức đã học, nếu các bạn bỏ quên những kiến thức của Trường Đại học… thì tôi không ủng hộ các bạn trẻ và đấy là quan điểm cá nhân.
Tiến sĩ Huỳnh Anh Bình. (Ảnh: Đ.Q) |
Đứng dưới góc độ tâm lý thì có nhiều nguyên nhân khách quan nhưng có nguyên nhân khách quan rất nhỏ là các bạn trẻ cũng bất mãn với môi trường học, quá kỳ vọng vào tấm Bằng Đại học, Cao đẳng, hoặc những tấm Bằng Thạc sĩ, Tiến sĩ…
Hành động đốt Bằng tốt nghiệp là điều khó có thể tránh khỏi bởi vì những kỳ vọng của các bạn trẻ là có và các bạn trẻ đang suy nghĩ sai lầm về tấm Bằng Đại học. Tấm Bằng Đại học và Trình độ Đại học hoàn toàn khác nhau.
Các bạn trẻ nên nhìn nhận thế nào về tấm Bằng Đại học, thưa chuyên gia?
- Bằng Đại học chỉ nên nhìn nhận dưới góc độ đã học ở đâu và Trình độ Đại học được nhìn nhận là bản thân, năng lực, nhận thức của một cá nhân. Ngoài việc được học ở các Trường Đại học thì các bạn trẻ còn phải tự học ở những kiến thức khác.
Không thể đơn giản, có những kiến thức ở xã hội không nằm trong các Trường Đại học mà thầy cô đã giảng dạy. Nhà trường chỉ cho các bạn trẻ một phương pháp. Từ phương pháp này, các bạn trẻ phải phát huy nhiều hơn nữa những điều đã học ở bên ngoài.
Cựu sinh viên Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh… đốt bằng đại học |
Rất nhiều người thành công không nhờ bằng cấp nhưng đó là số ít. Nhưng ở đâu đó, tấm bằng là cơ sở, là nền tảng, là cơ bản để bạn trẻ phát triển thêm về kiến thức ở bên ngoài.
Nếu các bạn trẻ chỉ trông chờ vào tấm bằng thì tấm bằng không giải quyết được tương lai của các bạn trẻ. Ngay thời điểm này, tấm bằng đại học chỉ chứng minh là các bạn trẻ đã học ở đâu và năng lực mới là vấn đề quan trọng. Người tuyển dụng sẽ nhìn nhận, đánh giá và trả lương cho các bạn trẻ theo khả năng đáp ứng yêu cầu của công việc.
Nhưng thưa ông, trên mạng xã hội có rất nhiều ý kiến phê phán cựu sinh viên đốt Bằng tốt nghiệp Đại học…
- Nếu chúng ta chỉ cân đối trên mạng xã hội là một điều rất khó. Mạng xã hội chỉ là một khía cạnh để đánh giá, nhìn nhận và quan sát. Nếu chỉ đánh giá từ mạng xã hội mà không nhìn nhận khách quan từng góc độ và tất cả mọi người nhìn nhận vào vấn đề đó cũng khó.
Phải phân tích rất nhiều yếu tố và trong đó, mạng xã hội chỉ là một trong những yếu tố, cơ chế để có thể nhìn nhận lại bản thân. Qua đó, tự bản thân mỗi người có thể biết mình là ai và hành động đúng hay sai. Nhưng, mạng xã hội vẫn cho chúng ta một cách nhìn của xã hội nhìn vào chúng ta.
Bằng tốt nghiệp Đại học bị đốt gây xôn xao dư luận. (Ảnh: Đ.Q) |
Quan điểm của cá nhân tôi không ủng hộ hành động đốt Bằng tốt nghiệp. Bởi đơn giản, đó là nỗ lực của nhà nước, nỗ lực của trường – nơi chính các bạn học, nỗ lực của gia đình các bạn, nỗ lực của chính bản thân bạn. Vậy nên, nỗ lực của các bạn trẻ chỉ là một phần nhỏ trong rất nhiều nỗlực để chúng ta xây dựng đất nước.
Hành động đốt bằng có nghĩa là, các bạn trẻ đã bỏ quên đâu đó nhiều rất là nhiều nỗ lực của cả hệ thống nhà nước để giúp cho đất nước đi lên, cho bản thân gia đình các bạn trẻ đi lên và cho chính bản thân các bạn trẻ đi lên.
Cần phải có hành động như thế nào liên quan đến vấn đề này?
- Nếu tôi là Ban Giám hiệu Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh thì cũng sẽ chấp nhận lời xin lỗi của bạn trẻ ấy. Hành động của bạn trẻ đôi lúc chỉ nhất thời nên không nhắm vào hành động tức thời để đánh giá toàn thể nhân cách, con người của bạn trẻ đã đốt tấm Bằng tốt nghiệp.
Nếu trong một lúc nhất thời, cảm xúc của bạn trẻ không kiềm chế được, giải quyết bằng cách đốt tấm bằng hoặc hủy hoại bằng cách khác thì có thể sẽ dễ được tha thứ.
Nhưng, các bạn trẻ nên nhìn nhận lại trước khi hành động về một vấn đề nào đó, nên nghĩ đến xã hội, đến ngôi trường đã từng học, đến người thầy đã từng chỉ dạy cho mình. Người thầy chính là người cha thứ 2 trong cuộc đời.
Cựu sinh viên đốt bằng tốt nghiệp viết thư xin lỗi đồng môn, nhà trường |
Hành động đốt Bằng tốt nghiệp được ví như đang “đạp đổ” một số giá trị cơ bản khác, nền tảng đạo đức. Hãy trân trọng những người đóng góp để bản thân các bạn trẻ có được ngày hôm nay.
Tấm Bằng tốt nghiệp Đại học chỉ là một phần rất nhỏ để ghi nhận bản thân các bạn là ai trong cuộc sống này. Hãy trân trọng cuộc sống xung quanh nhiều hơn nữa, bởi cha mẹ là người nuôi các bạn lớn khôn như ngày hôm nay.
Tấm bằng tốt nghiệp đại học chỉ được xem là xác nhận một cá nhân đã học ở đâu, đã học như thế nào, học ngành gì? Vấn đề còn lại, bản thân các bạn trẻ là ai mới quan trọng.
Ngày nay, giới trí thức trẻ hay có những khoảnh khắc “mất kiểm soát cảm xúc”, ông có lời khuyên nào dành cho các bạn?
Người ta nói: “Không nói khi bạn tức giận. Không hành động, không đưa ra quyết định khi bạn nóng vội”. “Mất kiểm soát cảm xúc” bản thân mang tính chất tức thời. Do đó, mọi người cần phải có kỹ năng cơ bản vì trong cuộc sống ngày nay, có rất nhiều tác động cuộc sống xung quanh chúng ta.
Có thể đâu đó, có những cảm xúc làm chúng ta mất kiểm soát để không biết mình là ai, mình đang làm những gì nên hãy bình tĩnh nhận ra “giá” của hành động các bạn chứ không muốn các bạn trẻ phải… trả giá.
Xin cám ơn ông!