LTS: Trước những bức xúc, lo lắng của xã hội về chất lượng đầu vào của các ngành sư phạm quá thấp, có trường còn lấy mức điểm dưới điểm sàn, nhiều nhà giáo tâm huyết cũng đã bày tỏ lo ngại.
Với kinh nghiệm nhiều năm làm công tác đào tạo, giảng dạy, “ươm mầm” cho nhiều giáo viên tương lai, Phó Giáo sư Võ Văn Minh – Phó hiệu trưởng Trường Đại học sư phạm Đà Nẵng đã có những chia sẻ về thực trạng đáng buồn này.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Điểm đầu vào không quyết định hoàn toàn chất lượng đầu ra
Trong những năm qua, nhiều ngành sư phạm của các trường có điểm đầu vào thấp gây nhiều boăn khoăn cho xã hội là đúng.
Điểm đầu vào của nhiều trường đào tạo giáo viên quá thấp gây lo lắng trong xã hội. Ảnh: TT |
Tuy nhiên, nhìn nhận kỹ thì các trường sư phạm uy tín như: Đại học Sư phạm Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… điểm đầu vào các ngành sư phạm trong những năm qua luôn cao và vẫn ổn định.
Năm nay, trung bình của các trường đều trên 20 điểm, thậm chí có ngành rất cao lên trên 27 điểm. Như vậy, cũng không khác sự phân hóa các ngành kỹ thuật, kinh tế của các trường đại học trong cả nước.
“Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu” |
Tuy nhiên do cả xã hội quan tâm đến giáo dục nên lo lắng đến chất lượng đào tạo giáo viên của nhiều trường có điểm đầu vào thấp là đều dễ hiểu.
Tất nhiên, điểm đầu vào thấp sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đầu ra. Tương tự như nguyên liệu tốt để chế biến ra cái bánh ngon hơn và ngược lại.
Tuy nhiên, “nguyên liệu” đầu vào hiện nay cũng không phải yếu tố quyết định hoàn toàn chất lượng đào tạo.
Vấn đề hết sức quan trọng hiện nay là các em có thực sự mong muốn học sư phạm, có quyết tâm theo nghề không?
Các trường đào tạo giáo viên có thực sự đầu tư cho đào tạo giáo viên vì sự nghiệp giáo dục nước nhà không hay chỉ vì sự tồn tại của nhà trường?
Chúng ta biết, hiện nay các trường có đào tạo giáo viên rất nhiều và sử dụng hai nguồn ngân sách chính là của Ủy ban nhân dân các tỉnh (các trường Đại học địa phương) và nguồn ngân sách trung ương (các trường thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo).
Các trường Đại học địa phương được hình thành chủ yếu trên nền tảng Cao đẳng Sư phạm với nhiệm vụ chính là đào tạo giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở. Nên nay dù có đa ngành đi nữa thì các trường này vẫn đào tạo giáo viên là chính.
Tuyển sinh sư phạm có khó nhưng vẫn còn dễ hơn các ngành ngoài sư phạm. Vì các ngành sư phạm sinh viên không đóng học phí, còn các ngành ngoài sư phạm không dễ gì cạnh tranh với các trường chuyên ngành khác trong khu vực.
Sự khác nhau về mô hình quản trị, đội ngũ giáo viên và nhiều yếu tố khác… dẫn đến có sự phân hóa rất lớn về chất lượng đào tạo giữa các trường đào tạo giáo viên trong cả nước.
Vừa rồi, điểm đầu vào của các ngành sư phạm ở các trường đã phản ánh tương đối khách quan sự lựa chọn của xã hội.
Đào tạo giáo viên chất lượng cao nhưng không thu học phí
Về chất lượng đầu ra của các ngành sư phạm hiện nay, tôi không thể nhận xét chất lượng các trường khác. Nhưng riêng tại Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, tôi xin khẳng định rằng chúng tôi đang đào tạo giáo viên theo mô hình chất lượng cao nhưng không thu học phí.
“Con nhà giáo có bao nhiêu em nối nghiệp cha mẹ?” |
Như đã công bố, mỗi ngành chỉ có 30-40 sinh viên. Đội ngũ giảng viên được tuyển chọn tốt, cơ sở vật chất được đầu tư theo chương trình mục tiêu quốc gia tập trung cho đào tạo và bồi dưỡng giáo viên, chương trình đào tạo được cập nhật mới.
Trong nhiều năm nhà trường dồn toàn lực cho việc xây dựng chương trình đào tạo, đào tạo đội ngũ, nâng cao chất lượng phục vụ, đầu tư cơ sở vật chất… với một mục tiêu đóng góp cho việc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục.
Tuy nhiên, điều đáng tiếc rằng, hiện nay hình ảnh của ngành giáo dục trong xã hội chưa cải thiện đáng kể, đã ảnh hưởng không nhỏ đến tâm tư của nhiều thầy cô giáo.
Cả xã hội đều thể hiện sự quan tâm đến giáo dục nhưng chưa thể hiện sự quyết tâm xây dựng nền giáo dục. Chỉ trích, kêu ca, phản ánh tiêu cực nhiều… trong khi những cống hiến không mệt mỏi, sự hy sinh của nhiều thầy cô, cán bộ quản lý thì ít được nhắc đến.
Những sinh viên thất nghiệp kiêu ca thì lên tiếng nhiều, nhưng nhiều sinh viên ra trường có việc, nhanh chóng bắt nhịp và đóng góp, cống hiến trí tuệ, sức sáng tạo cho sự nghiệp giáo dục thì cũng ít được đề cập…
Với tôi – người trong cuộc – tôi có thế nói là hoàn toàn yên tâm đến sản phẩm đào tạo của nhà trường.