Tiếp tục cuộc trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Vũ Mão – nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhận định, cán bộ nhà nước chỉ được làm những gì luật pháp cho phép, khác với người dân thường được làm những gì luật không cấm.
Vì vậy, nếu cán bộ tự cho phép mình hành xử như người dân bình thường tức là tùy tiện, vô nguyên tắc và cần phải xử lý nghiêm minh.
Ông có suy nghĩ gì khi xảy ra những vụ việc gây bức xúc dư luận mà nguyên nhân xuất phát từ cán bộ nhà nước lạm quyền khi thực thi công vụ?
Ông Vũ Mão: Chuyện cán bộ nhà nước tùy tiện, vô nguyên tắc, lạm quyền để xảy ra bức xúc trong dư luận xã hội không phải bây giờ mới xảy ra.
Vì sự tùy tiện nên mới có oan sai, vì sự tùy tiện nên mới có chết người trong nhà tạm giam, vì tùy tiện nên mới thất thoát hàng nghìn tỷ đồng của nhà nước, vì tùy tiện nên đường xá thì bé mà nhà cao tầng cứ mọc lên như nấm…
Không chỉ là các vụ việc có ảnh hưởng trực tiếp tới tính mạng, đời sống của người dân, mà sự tùy tiện, nhũng nhiễu của cán bộ nhà nước còn gây ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của doanh nghiệp.
Điển hình như báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2015 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố ngày 31/3/2016 cho thấy, 65% doanh nghiệp khảo sát cho biết tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp là phổ biến; tỷ lệ doanh nghiệp chi trả chi phí không chính thức tăng qua các năm, từ 50% (2013), lên tới 64,5% (2014) và 66% (2015).
Hơn 11% doanh nghiệp tham gia điều tra năm 2015 cho biết các khoản chi cho riêng mục này chiếm tới hơn 10% tổng doanh thu của họ.
Hay như trong báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) do Chương trình Phát triển Liên Hiệp quốc (UNDP) công bố ngày 17/04/2016, chỉ số nội dung “kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” giảm 3% điểm so với năm 2014.
Các chỉ tiêu đo mức độ hối lộ trong trường học công lập và trong dịch vụ hành chính công về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đều cho thấy tình trạng nhũng nhiễu, vòi vĩnh để nhận được dịch vụ tốt hơn có xu hướng gia tăng.
Ông Vũ Mão nêu quan điểm, những cán bộ tùy tiện, vô nguyên tắc phải xử lý nghiêm khắc. ảnh: Ngọc Quang. |
Người dân cũng bị hành, doanh nghiệp cũng bị hành, vậy đâu là lối thoát, thưa ông?
Ông Vũ Mão: Vào đầu tháng 5 vừa rồi, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã thông tin về sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chú trọng vào một số vấn đề:
Tăng cường giáo dục cán bộ, công chức thượng tôn pháp luật; chỉ được làm những gì pháp luật cho phép, không ngừng nâng cao chất lượng thực thi công vụ và tinh thần phục vụ.
Khẩn trương rà soát các chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực, nhất là những chính sách ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân, môi trường đầu tư kinh doanh để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra việc thực thi công vụ, việc chấp hành pháp luật, chấp hành các quy tắc ứng xử và quy tắc, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Ngày 4/6 vừa rồi, tại hội nghị xúc tiến đầu tư tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa
Cần tạo được động lực để từng đơn vị, từng cán bộ phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn như: thí điểm áp dụng chương trình chấm điểm của người dân và doanh nghiệp ở một số cơ quan, quận, huyện trên địa bàn thành phố; có cơ chế ghi nhận, khuyến khích kịp thời, thích đáng với các cơ quan, cán bộ làm tốt, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Dùng nhầm người, đặt nhầm chỗ sẽ là tai họa cho đất nước |
Thủ tướng nhấn mạnh, hiện nay, chúng ta đang xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, hành động trên tinh thần phục vụ người dân, doanh nghiệp; xây dựng chính phủ điện tử; Chính phủ liêm chính, hạn chế tối đa, tiến tới xóa bỏ cơ chế xin cho trong tất cả các lĩnh vực.
Chính phủ tập trung nhiều hơn vào xây dựng thế chế; quản lý điều hành bằng cơ chế, chính sách, công cụ kinh tế, hạn chế tối đa can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính vào các hoạt động kinh tế; đề cao trách nhiệm cá nhân.
Đây đều là những việc hết sức cần thiết, mang tính hệ thống và lâu dài, nếu làm đúng với những gì mà Thủ tướng yêu cầu thì sẽ không còn cảnh người dân và doanh nghiệp bị hành.
Theo tôi, xây dựng một hệ thống minh bạch, xây dựng một xã hội dân sự là mục tiêu lâu dài. Tuy nhiên, trên con đường đi đến cái đích cuối cùng ấy sẽ có vô vàn khó khăn, đó là:
Công tác cán bộ được giải quyết thế nào, coi trọng người có năng lực hay lại thiên về “con ông, cháu cha” và các mối quan hệ vây cánh? Đào tạo, sử dụng cán bộ có đúng với năng lực không? Sử dụng cán bộ có đánh giá, kiểm tra thực chất không? Hậu kiểm, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu thế nào, đã xử lý được ai chưa?
Những câu hỏi như vậy dứt khoát phải tìm được lời giải thỏa đáng.
Nhiều doanh nghiệp cho biết, phải chi tiền bôi trơn vì bị gây khó khăn. ảnh minh họa, vietnamnet. |
Ông nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng, nhìn ở khía cạnh đạo đức công vụ, cán bộ không làm được việc cho dân tức là “vô đạo đức”?
Ông Vũ Mão: Tôi đồng ý với quan điểm này! Đạo đức là một phạm trù rộng lớn, ở mỗi con người có mặt tốt, mặt chưa tốt. Nhưng đã là cán bộ trong bộ máy nhà nước thì rất cần đề cao “đạo đức công vụ”, tức là phải tuân thủ nghiêm pháp luật, kỷ luật, kỷ cương, xứng đáng với sự tin tưởng của Đảng, của nhân dân.
Trong 5 năm gần đây có hàng nghìn tổ chức đảng cơ sở bị xem xét trách nhiệm các mức khác nhau. Có hàng nghìn đảng viên bị kỷ luật, buộc ra khỏi tổ chức và cũng có hàng trăm cán bộ bị khiển trách kỷ luật, thậm chí bị cách chức.
Ai là người cho Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang mượn xe siêu sang? |
Những điều đó cho thấy Trung ương Đảng đã nghiêm túc khi đánh giá những việc làm của cán bộ, đạo đức cán bộ, đảng viên.
Tuy nhiên, việc xử lý kỷ luật cán bộ đảng viên hầu hết chỉ ở các cấp thuộc địa phương. Còn nhiều vụ việc cán bộ ở cấp bộ, ngành vi phạm thì sao? Có hay không? Có nghiêm túc đánh giá, xử lý không?
Có đại biểu quốc hội đã nói rằng, chống tham nhũng phải tập trung vào chiến dịch bắt hổ. Tức là không bắt được hổ mẹ thì hổ con vẫn sinh sôi. Bắt vài con hổ bé thì chẳng ăn thua gì, vì hổ mẹ tiếp tục đẻ ra một loạt các nhánh khác. Tôi cũng ủng hộ quan điểm này
Chúng ta hiểu rằng, Đảng rất sót xa khi phải xử lý cán bộ của mình. Tuy nhiên, phải nhìn ở góc độ giáo dục để thấy rằng, kiểm điểm cán bộ cũng là làm cho họ tốt hơn, còn nếu vi phạm nặng thì rõ ràng phải xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật, bởi vì mỗi đảng viên hay các tổ chức cơ sở đảng đều hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật.
Mặt khác, xử lý kỷ luật một cán bộ đảng viên thì sẽ đem lại bài học cho nhiều cán bộ khác.
Tôi cũng mong muốn, Trung ương sớm có tổng kết đánh giá về công tác lựa chọn, đào tạo và sử dụng cán bộ. Đánh giá cán bộ đã đúng mức chưa, hay vẫn còn nể nang, nhẹ trên nặng dưới? Kê khai tài sản lâu nay làm hình thức, bây giờ phải đổi mới thế nào?
Tất nhiên, đồng thời với việc đổi mới công tác cán bộ thì nhà nước cũng phải có đổi mới về cơ chế, chính sách để đời sống của từng vị trí cán bộ tốt hơn, vì suy cho cùng họ phải đảm bảo được cuộc sống, mức thu nhập chính đáng phải nuôi được con cái ăn học tử tế thì mới hết lòng, hết sức cống hiến cho đất nước được.
Trân trọng cảm ơn ông!