Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội cho biết, ông ủng hộ ý tưởng lùi thời gian áp dụng chương trình-sách giáo khoa phổ thông mới, để có thêm điều kiện nghiên cứu thật kỹ lưỡng, đánh giá các vấn đề cho thật thấu đáo, chứ không chỉ có riêng chương trình-sách giáo khoa.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, dù có thay đổi chương trình – sách giáo khoa như thế nào thì vai trò của giáo viên cũng phải được quan tâm số một. Đây là mắt xích quan trọng nhất làm nên thành công của cuộc đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục.
Số đông nhà giáo ngại thay đổi
Theo đánh giá của Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, giáo dục Việt Nam đã bị bệnh thành tích chi phối quá lâu ở tất cả các ngành học, cấp học, đó là: Chỉ đo kết quả học tập của học sinh bằng kết quả phần trăm lên lớp, xếp loại học lực và hạnh kiểm, không có tổ chức kiểm định chất lượng để đánh giá một cách khách quan, khoa học về tất cả các quá trình giáo dục trong mỗi nhà trường.
Tỷ lệ thi tốt nghiệp trung học phổ thông gần như các trường, các tỉnh thành sau mỗi năm học đều tiến đến con số tuyệt đối gần 100% (2012 – 2013 toàn quốc 98%).
“Như vậy đã từ lâu yếu tố quản lý, yếu tố đội ngũ nhà giáo trong mỗi nhà trường không được xem xét, đánh giá một cách khoa học, khách quan. Người dạy tốt chủ động sáng tạo cũng giống như người năng lực kém tinh thần trách nhiệm không cao. Tất cả đều chỉ biết đến tháng lĩnh lương… như vậy là ngành giáo dục đã thủ tiêu hoàn toàn động lực của người dạy”, Tiến sĩ Lâm nhận định.
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm: “Nếu trả thù lao tượng trưng thì người ta cũng làm tượng trưng. Lao động của người thày giáo xứng đáng được trân trọng bằng tiền lương”. ảnh: Ngọc Quang. |
Năm 2012 Viện Khoa học giáo dục Việt Nam có làm điều tra khoa học nhỏ lấy mẫu ở một số tỉnh thành ở các cấp học khi hỏi giáo viên thì đều nhận được một tỷ lệ là gần hoặc trên 50 % giáo viên các cấp trả lời “nếu được chọn lại nghề họ đều không muốn chọn lại nghề giáo viên”.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, bằng thực tế quản lý của các trường học phổ thông có thể phân loại đội ngũ nhà giáo đang giảng dạy ở các trường phổ thông thành 4 loại:
Loại 1: Giỏi chuyên môn có năng lực sư phạm luôn chủ động sáng tạo, say mê yêu nghề, trong điều kiện nào họ đều là người đi đầu kiên trì đổi mới nội dung phương pháp giảng dạy luôn lôi cuốn khích lệ học sinh. Họ luôn là những nhà giáo mẫu mực, thực hiện lời dạy Chủ tịch Hồ Chí Minh “Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt, học tốt”.
Loại 2: Có năng lực chuyên môn, năng lực sư phạm nhưng không nhiệt tình, không tự giác, không say mê với nghề như loại 1. Họ có thể làm tốt tùy hoàn cảnh, tùy vào năng lực cán bộ quản lý mỗi nhà trường.
Loại 3: Năng lực chuyên môn, năng lực sư phạm còn có nhiều hạn chế nhưng về mặt ý thức họ là người nghiêm túc cố gắng làm hết sức mình nhưng kết quả giảng dạy, giáo dục đều không đạt đến điều mong muốn, không thể đáp ứng nổi yêu cầu “đổi mới toàn diện, triệt để giáo dục” hiện nay.
Nếu loại 1 và 2 chỉ chiếm số ít trong các nhà trường, loại 3 là loại chiếm số đông ở các nhà trường
Loại 4: Hạn chế cả về năng lực lẫn phẩm chất hoặc có năng lực nhưng phẩm chất kém, tạo ra những tiêu cực cho ngành nhiều hơn là đóng góp tích cực. Loại nhà giáo này tuy không nhiều nhưng phải sớm được thanh lọc khỏi các nhà trường.
“Nêu 4 loại nhà giáo để thấy ngành giáo dục phải sớm có cơ chế chính sách khích lệ, quản lý thế nào để loại 2 nhanh chóng thành loại 1 và phải tổ chức đào tạo lại, trang bị lại kiến thức, phương pháp cho số đông nhà giáo ở loại 3.
Chúng ta mới có thể thực hiện yêu cầu đổi mới toàn diện, triệt để mới tạo chất lượng bền vững cho giáo dục Việt Nam”, Tiến sĩ Lâm bày tỏ.
Giáo sư Trần Hồng Quân: "Quan trọng nhất là phải chuẩn bị tốt đội ngũ giáo viên" |
Với kinh nghiệm của một nhà giáo dục, một chuyên gia tâm lý sư phạm lâu năm, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, số đông nhà giáo chưa nắm được tâm sinh lý đối tượng mình dạy, mình giáo dục – trong khi đó lại là yêu cầu vô cùng quan trọng nếu giáo viên muốn dạy giỏi.
Số đông nhà giáo mắc bệnh chạy theo lý thuyết kinh điển, bám vào tri thức có sẵn trong sách giáo khoa (mặc dù nó đã lạc hậu cả về khoa học lẫn thực tiễn) không gắn với thực tiễn đời sống, luôn cho mình là đúng coi thường những đóng góp của đồng nghiệp, khó chịu với những thắc mắc của học sinh.
Luôn nói nhiều, không chịu lắng nghe, luôn đổ lỗi cho học sinh, cho cha mẹ học sinh và nhà trường, đồng nghiệp, còn bản thân luôn cho là hoàn hảo.
Số đông giáo viên chưa thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy, phương pháp giáo dục là do coi thường những đợt tập huấn, huấn luyện nghiệp vụ của từng trường hoặc cơ quan quản lý giáo dục tổ chức.
Tất cả những chuẩn mực của một giờ lên lớp họ chỉ quan tâm thực hiện khi thao giảng hoặc có thanh tra, có người dự giờ. Do không nắm được tâm sinh lý lứa tuổi học sinh, không hiểu được phương pháp giáo dục, kinh nghiệm giáo dục tiên tiến nên dễ tùy tiện và dễ mắc sai lầm trong quá trình giáo dục.
Đặc biệt khi áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới theo hướng tích hợp các môn học, theo hướng phát triển theo năng lực người học nếu giáo viên không được huấn luyện đến mức có đủ kỹ năng, có thói quen để làm tốt trong các giờ lên lớp gây hứng thú học sinh hay lại để giáo viên tự do, tùy tiện thực hiện.
Nếu vậy chắc chắn không thể thay đổi tận gốc về chất đội ngũ nhà giáo hiện nay!
Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo kèm theo chính sách đãi ngộ tốt là yếu tố vô cùng quan trọng tạo nên thành công cho nên giáo dục. ảnh minh họa: Báo Lao động. |
Phải có chế độ đãi ngộ tốt, công bằng
Từ những nhận định trên, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm nêu một số giải pháp sớm nâng cao năng lực nghề nghiệp, phẩm chất nhà giáo để đáp ứng yêu cầu “đổi mới, căn bản toàn diện”.
Bản thân mỗi nhà giáo, các bộ phận quản lý giáo dục phải coi công tác bồi dưỡng nâng cao chất lượng nghiệp vụ nhà giáo là nhiệm vụ cấp bách, cần tập trung nguồn nhân lực để giải quyết căn bản, toàn diện, trong vòng 3 đến 5 năm tới phải thực hiện được 100% đội ngũ nhà giáo. Nếu không làm nổi điều này coi như chưa thể có chất lượng giáo dục.
"Việc rất lớn, ảnh hưởng toàn dân, phải thận trọng, đã làm là phải thành công" |
Để tránh tình trạng bồi dưỡng nhưng không có hiệu quả đã diễn ra lâu nay thì phải gắn với thực tiễn giáo viên đang giảng dạy.
Sau khi được bồi dưỡng nâng cao nhận thức và được thực hành tay nghề, giáo viên phải tự nâng cao tay nghề bằng việc tự trải nghiệm một số thời gian nhất định trên lớp, khi nào giáo viên đủ tự tin, tự khẳng định mới mời người đến kiểm tra, đánh giá, cấp chứng chỉ. Giáo viên đạt “trình độ thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy”.
Cách bồi dưỡng đến đâu cấp chứng chỉ đến đó sẽ dần dần tuyển chọn được đội ngũ nhà giáo có chất lượng, có nghiệp vụ, có tay nghề và làm việc chuyên nghiệp hơn. Giáo viên nào nhiều lần không lấy nổi chứng chỉ phải chuyển ngành.
Bên cạnh đó, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm đề nghị phải giải quyết chế độ tiền lương thỏa đáng để người giáo viên sống thật bằng nghề và nhà giáo yên tâm làm việc một cách chuyên nghiệp về nghề dạy học.
“Phải làm rõ lao động của giáo viên để có đãi ngộ xứng đáng, phải đo đạc có tính chất khoa học chứ không thể nói chung được. Sản phẩm của giáo dục là nhân cách của học trò, phải tạo cho học sinh nếp tư duy để họ tự phát triển nhân cách. Lao động của thầy giáo không chỉ là trí tuệ mà là lao động bằng chính nhân cách, bằng sự yêu thương, nhạy cảm của họ với con người.
Không phải ai cũng trở thành nhà sư phạm được. Chúng ta cứ nghĩ là chỉ cần nhúng qua trường sư phạm là thành nhà giáo. Người thày giáo không chỉ truyền thụ kiến thức mà quan trọng là họ dẫn dắt học sinh đi đến đâu, tạo cho học sinh động lực gì để học, để sống. Không có động lực thì chỉ là học hình thức, học qua quýt.
Chúng ta muốn có một nền nhân lực chất lượng cao hơn thì phải có thày tốt. Chứ không phải chất lượng cao là có sàn gỗ, điều hòa... Chất lượng cao là phải ở chất lượng cao của người thày”, Tiến sĩ Lâm chia sẻ.
Hiện nay còn một vấn đề bất cập trong đội ngũ nhà giáo là chưa đánh giá đúng vai trò của giáo viên chủ nhiệm nên việc đào tạo bồi dưỡng và đãi ngộ chưa thỏa đáng khiến họ tập trung vào công tác giáo dục chưa cao. Đây cũng là vấn đề cấp bách cần đổi mới với giáo dục phổ thông.
Cái quan trọng là làm thế nào để các trường học được trả lương cho thày giáo theo hiệu quả lao động thực tế. Lương hiện nay chỉ xếp theo giờ dạy chuẩn, nhưng công tác giáo dục, ngoại khóa, đoàn đội, chủ nhiệm... cũng phải được trả tiền.
“Nếu trả tượng trưng thì người ta cũng làm tượng trưng. Lao động của người thày giáo xứng đáng được trân trọng bằng tiền lương”, Tiến sĩ Lâm cảnh báo.
Mỗi cơ sở giáo dục đào tạo phải làm rõ yêu cầu đối với từng giáo viên, rồi cử họ đi bồi dưỡng. Nếu trả lương thỏa đáng và được đào tạo lại, giáo viên lại biết yêu cầu của ngành thì họ sẽ thực hiện theo. Còn ai không phấn đấu được, không phù hợp với nghề thì phải tự điều chỉnh. Sử dụng, đãi ngộ và thải loại phải đi với nhau.
Chỉ có làm đồng bộ, làm triệt để những giải pháp trên, trên tinh thần tự chủ của mỗi nhà trường và tự chủ, tự chịu trách nhiệm của mỗi nhà giáo.