Viết tiếp bài “Công và tư chẳng công bằng, nạn chạy trường sẽ không thể "nguội", Phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam nhận thấy, hầu như các trường dân lập chất lượng nhất Hà Nội đều nằm trên địa bàn Q. Nam Từ Liêm, Hà Nội và lân cận, trong khi quận này cũng đã có hai trường chất lượng cao khác, việc này có gây nên sự lãng phí?
Chạy trường có từ đâu?
Trao đổi với bà Vũ Hồng Loan – Phó Trưởng phòng Giáo dục quận thì được biết, sau khi tách từ huyện Từ Liêm thì quận này vẫn thiếu trường học và hiện các phường đang tiếp tục xây dựng thêm trường để đảm bảo môi trường học tập cho con em địa phương.
Có thể sự lãnh phí trong đầu tư giáo dục này dẫn đến vấn nạn chạy trường, chạy lớp như chúng ta vẫn nói trong thời gian qua. Bởi khi đầu tư vào các trường công chất lượng cao, các trường trọng điểm thì cha mẹ tìm mọi cách để cho con được học tại đó, trong khi các trường công bình thường khác lại thiếu sự đầu tư.
Bà Vũ Hồng Loan – Phó trưởng phòng Giáo dục Q. Nam Từ Liêm, Hà Nội– một trong những quận có nhiều cơ sở giáo dục điểm của thành phố gồm cả trường công và tư, cho biết việc tuyển sinh đầu cấp của quận thực hiện đúng văn bản do Sở triển khai. Tuyệt đối không thi tuyển đối với các lớp đầu cấp từ lớp 1-6, tuyển sinh theo đúng thời gian chỉ đạo.
Trường THCS chất lượng cao Nam Từ Liêm được đầu tư xây dựng hàng trăm tỷ. Ảnh Phương Thảo |
Với hệ thống các trường công lập đã được phân tuyến địa bàn thường xuyên. Hiện quận có 10 phường thì các phường đã thống nhất với nhau tuyển từ đâu tới đâu, khi xây dựng phân tuyến thường xuyên các trường cũng đã có sự rà soát số lượng trẻ để cân đối, không có sự chênh lệch giữa các trường.
Với các trường dân lập, bà Loan cho biết không chỉ ở Q. Nam Từ Liêm quản lí, các trường này cũng đã làm báo cáo về kế hoạch tuyển sinh và không thi tuyển. Bà Loan cũng tâm sự, trường học cũng không khác gì một doanh nghiệp, nếu thu hút được động số lượng khách hành thì đó là điều đáng mừng.
“Chúng ta có con đi học luôn luôn hướng tới trường tốt, đó là xây dựng một trường thương hiệu. Chúng tôi cũng đang hướng tới tất cả các trường ở Nam Từ Liêm cố gắng xây dựng được thương hiệu cho mình” bà Loan chia sẻ.
Cũng theo bà Vũ Hồng Loan, trường có thương hiệu trường rất đông học sinh và cha mẹ cũng muốn con mình được học ở đó, dẫn tới tình trạng không vừa ý lòng cha mẹ khi trường tuyển đủ cũng là điều dễ hiểu. Trường Đoàn Thị Điểm là một trong những trưởng điểm rơi vào tình trạng này.
“Trường Đoàn Thị Điểm họ phải có quyết định khi lựa chọn học sinh, chứ không thể là một trẻ khuyết tật hay chậm về tư duy, nhận thức. Nếu ở các điạ bàn phường thì các trường phải tuyển sinh tất cả các đối tượng đó. Tức là các trường dân lập họ có một tiêu chí tuyển học sinh cao hơn các trường công lập thì họ sẽ có lựa chọn cao hơn” bà Loan chia sẻ về việc phụ huynh phản ánh khó vào các trường điểm.
Có lãng phí khi xây trường chất lượng cao
Được biết, đối với Q. Nam Từ Liêm đang có kế hoạch xây dựng bổ sung thêm trường THCS, với phường Xuân Phương bổ sung xây dựng thêm một trường tiểu học và THCS, phường Mỹ Đình đang xây dựng một trường THCS.
Như vậy, quận Nam Từ Liêm vẫn đang trong quá trình xây dựng bổ sung các trường công lập để đảm bảo cho học sinh được tới trường đầy đủ thì cũng ở quận này còn đầu tư cho hai trường chất lượng cao, với số vốn đầu tư lên tới hàng trăm tỷ đồng, vậy có lãng phí hay không khi tập trung đầu tư cho chất lượng cao trong khi địa phương vẫn đang thiếu trường?
Công và tư chẳng công bằng, nạn chạy trường sẽ không thể "nguội"(GDVN) - Đầu tư trường công tiểu học, THCS vài trăm tỷ đã “vô tình” tạo ra sự lãng phí ngay trong hệ thống giữa các trường công và tư. |
Hơn nữa, ngân sách bỏ ra để xây trường chất lượng cao cũng không hề nhỏ và điều này có gây lãng phí ngân sách? Về câu chuyện này, bà Vũ Hồng Loan chia sẻ việc xây dựng hai trường chất lượng cao là tiểu học và THCS Nam Từ Liêm không phải ở thời điểm này, mà hai trường này đã có từ khi Q. Nam Từ Liêm chưa được tách (lúc đó là huyện Từ Liêm).
Vì sao lại xuất hiện hai trường chất lượng cao? Theo bà Loan, tất cả đều thực hiện Luật Thủ đô. Luật Thủ đô yêu cầu: Mỗi một quận, huyện trên địa bàn thành phố thì cố gắng xây dựng ít nhất mỗi một cấp học có một trường chất lượng cao. Huyện Từ Liêm lúc đó đủ điều kiện và làm tờ trình báo cáo TBND Thành phố Hà Nội.
Nhiều người cho rằng với sự đầu tư ngân sách cho trường chất lượng cao như vậy đối với một quận cũng có nhiều trường tư chất lượng cao (hiện trên địa bàn Q. Nam Từ Liêm có một số trường tư có chất lượng như Đoàn Thị Điểm, Việt Úc, Lê Quý Đôn, Marie curie) là quá lãng phí? Bà Loan cho rằng, các trường dân lập đóng trên địa bàn không chỉ đào tạo cho học sinh của địa phương mà còn cho cả thành phố.
“Trách nhiệm của lãnh đạo Q. Nam Từ Liêm là phải trăm lo cho con em của địa phương để có nhu cầu học tập tốt nhất. Hầu như các trường dân lập tốt nhất của thành phố đều nằm trên Q. Nam Từ Liêm,nhưng họ đều hướng tới hội nhập quốc tế” bà Loan cho biết.
Hiện nay, một số quận, huyện của Hà Nội đang dựa vào Luật thủ đô để xây quá nhiều trường chất lượng cao. Áp dụng luật cần có sự nghiên cứu, quy hoạch, đánh giá, nhưng để sự lãng phí tiền của có đúng tinh thần của luật?
"Sinh ra đã làm vua"? Một số trường mất hàng chục năm phấn đấu mới đạt chuẩn chất lượng cao, còn một số trường ngay khi mở đã được mác chất lượng cao. Cần có sự đánh giá, rà soát quy chuẩn cụ thể hơn.
Trao đổi thêm về vấn đề này, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Xuân Nhĩ đặt câu hỏi: Không hiểu trong khi nhà nước đang thực hiện phổ cập bậc tiểu học và trung học thì sao lại có trường công lập chất lượng cao thu học phí cao trong hệ thống trường công?
Ông Nhĩ cũng cho rằng, thành lập trường công lập chất lượng cao là đảm bảo công bằng xã hội và mục tiêu xã hội hóa giáo dục là sai. Chủ trương của nhà nước là phải có trách nhiệm nâng cao chất lượng giáo dục trong hệ thống trường công, nghĩa là trường nào cũng phải làm cho nó tốt hơn, chứ không phải đầu tư vào một số trường nào đó đề mà thu tiền học phí cao.