"Chuột cùng sào" mới vào sư phạm, chương trình mới sẽ đi về đâu?

10/08/2017 07:10
Tiến sĩ Vũ Thu Hương
(GDVN) - Liệu rằng một giáo viên trình độ kém có thể đứng lớp dạy môn tích hợp trong chương trình giáo dục phổ thông mới hay không?

LTS: Điểm chuẩn khối ngành sư phạm thấp trở thành sự lo lắng của cả xã hội. Trong khi thời điểm thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới sắp đến gần (dự kiến sẽ thực hiện từ năm học 2018-2019).

Trong bài viết gửi tới Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Vũ Thu Hương – giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học (Đại học Sư phạm Hà Nội) tỏ ra lo lắng về đảm bảo chất lượng giáo viên thực hiện chương trình mới. 

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả ý kiến này. 


Phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm học 2016-2017, triển khai nhiệm vụ năm học 2017-2018 bậc Tiểu học được tổ chức ở Phú Thọ ngày 4/8 vừa qua, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã nhận xét: “nếu so với bộ chuẩn giáo viên mới Bộ đang xây dựng thì cũng còn nhiều giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu”. 

Điều đó có nghĩa là, nhiều giáo viên hiện hành còn đang chưa đủ điều kiện theo chuẩn giáo viên, do đó, tôi cho rằng, việc thực hiện các chương trình mới sẽ gặp khó khăn cũng là một phần ở nguyên nhân này. 

Giờ đây, khi việc tuyển sinh khối ngành Sư phạm lại gặp những bất cập khi điểm chuẩn đầu vào thấp kỉ lục, có trường thí sinh chỉ cần đạt 3 điểm/môn đã có thể vào học. 

Câu hỏi đặt ra là: Liệu sau khi lứa sinh viên này ra trường, họ có thể đáp ứng được Chuẩn giáo viên do Bộ xây dựng hay không? 

Điểm đầu vào nhiều trường sư phạm thấp, chương trình mới sẽ đi về đâu? (Ảnh minh họa: Thùy Linh)
Điểm đầu vào nhiều trường sư phạm thấp, chương trình mới sẽ đi về đâu? (Ảnh minh họa: Thùy Linh)

Liệu những giáo viên này có đủ trình độ để thực hiện chương trình tổng thể mới hay không?

Chương trình giáo dục phổ thông mới thông qua có rất nhiều điểm đổi mới, trong đó việc thực hiện các môn tích hợp Tự nhiên hoặc Xã hội đòi hỏi trình độ của người giáo viên rất cao và rộng. 

Bởi lẽ, mỗi một "chủ đề tích hợp" như Phó giáo sư Mai Sỹ Tuấn lấy ví dụ sẽ chứa đựng rất nhiều kiến thức. 

Vậy, liệu rằng một giáo viên trình độ kém có thể đứng lớp dạy "chủ đề tích hợp" đó hay không? 

"Chuột cùng sào" mới vào sư phạm, chương trình mới sẽ đi về đâu? ảnh 2

“Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu”

Hơn nữa, khi trả lời phỏng vấn Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề sử dụng giáo viên trong môn tích hợp của chương trình mới, Tổng Chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể - Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết có nêu: 

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các trường sư phạm xây dựng chương trình, mở ngành đào tạo giáo sinh dạy liên môn ở Trung học cơ sở”. 

Thử hỏi, với trình độ sinh viên sư phạm có điểm đầu vào 9-10 điểm/3 môn như hiện nay, liệu rằng họ có thể tích lũy đủ kiến thức để dạy được các "môn tích hợp" như chương trình mới? 

Liệu rằng với trình độ như vậy họ có trở thành gánh nặng cho cả ngành khi chẳng những khó tham gia giảng dạy khi áp dụng chương trình mới, mà ngay cả chương trình hiện hành cũng không thể đảm đương nổi.

Chương trình phổ thông tổng thể mới không chỉ thay đổi về nội dung các môn học mà còn tăng cường rất nhiều hoạt động như Hoạt động trải nghiệm. 

Là sản phẩm của giáo dục ít có hoạt động trải nghiệm, lại có điểm đầu vào không cao thì liệu những giáo viên tương lai này có đủ trình độ, năng lực đảm nhận công việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm cho học sinh?

Dạy học là một nghề rất đặc thù. Khi học tập tại các trường sư phạm là khi các sinh viên được đào tạo với hướng đi rất rõ ràng: trở thành giáo viên. 

Nghề dạy học với những đặc thù riêng sẽ khiến cho các sinh viên Sư phạm rất khó để tìm thấy một công việc khác sau khi tốt nghiệp ra trường. 

Khi đó, lượng cử nhân thất nghiệp tăng cao, bài toán về nhân sự của ngành lại một lần nữa được đặt ra và chúng ta sẽ giải quyết ra sao?

Bài viết thể hiện nhận thức, quan điểm, ý kiến riêng của tác giả. 

Tiến sĩ Vũ Thu Hương