LTS: Chính sách cộng điểm ưu tiên cho các thí sinh trong kì thi quốc gia và xét tuyển đại học trước nay vốn có nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận.
Bày tỏ quan điểm của mình, cô giáo Phan Tuyết cho rằng việc cộng điểm này đang gây ra sự bất công khi những em học sinh có lực học kém hơn nhưng do được cộng ưu tiên nên trúng tuyển.
Trong khi đó, những em học giỏi lại không có cơ hội theo ngành mình mong muốn.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Gần đến kì thi trung học phổ thông quốc gia và xét tuyển đại học thì chuyện nên hay không cộng điểm ưu tiên vẫn được nhiều người đề cập đến.
Trong khi các thí sinh cạnh tranh nhau từng 0.25 điểm lại có những thí sinh được cộng điểm ưu tiên nhiều nhất là 6.5 điểm, ít nhất cũng được cộng 0.5 điểm.
Điểm thi đại học chỉ cần hơn nhau 0.25 thì số phận của nhiều thí sinh đã có sự cách biệt rất lớn.
Người đàng hoàng bước chân vào giảng đường đại học, người lại chẳng có được cơ hội ấy. Thế nên, dù chỉ là 0.25 điểm nhưng có sức mạnh thay đổi số phận của rất nhiều người.
Để giành được 0.25 điểm thi đại học cũng không phải dễ dàng gì. Do đó, việc cộng điểm ưu tiên trong tuyển sinh đại học từ trước đến nay đã bộc lộ nhiều bất cập.
Vấn đề cộng điểm ưu tiên sẽ tạo ra sự không công bằng giữa các thí sinh. ảnh minh họa: TTXVN. |
Có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh chuyện này. Người cho rằng cộng điểm ưu tiên là hợp lý bởi vùng khó khăn điều kiện học tập sinh hoạt của học sinh nơi đây thiệt thòi hơn nhiều so với những vùng đô thị.
Nếu như cách đây vài chục năm thì điều đó là đúng. Nhưng những năm sau này, khoảng cách giữa vùng nông thôn và thành thị đang được xích lại gần.
Trừ một số vùng đặc biệt khó khăn, nhưng không ít vùng tuy là giáp ranh nhau, mọi điều kiện cũng ngang bằng nhau nhưng nơi được cộng điểm, nơi thì không gây không ít thiệt thòi cho một số học sinh.
Một điều bất hợp lý cũng cần phải nói ở đây, có nhiều học sinh đỗ đại học nhờ được cộng điểm ưu tiên vùng. Nhưng khi học ra trường, có mấy em xung phong về nơi ấy để làm việc?
Nếu chúng ta thực hiện việc cam kết nhận điểm ưu tiên theo vùng thì khi ra trường buộc phải về lại nơi đó phục vụ chắc chẳng có mấy ai đồng ý.
Hay việc cộng điểm ưu tiên cho con thương binh liệt sĩ, nhiều ý kiến cho rằng, cha hoặc mẹ các em hy sinh là một thiệt thòi lớn nên con cái họ cần có sự quan tâm, đãi ngộ của nhà nước.
Theo tôi, chúng ta cần bù đắp cho các em về kinh tế như tặng học bổng, giảm học phí hay xây tặng nhà tình nghĩa... sẽ hợp lý hơn nhiều việc cộng điểm ưu tiên.
Bởi, nhiều người cho rằng “trong lĩnh vực học tập cần có sự cạnh tranh công bằng.
Có thế mới chọn được người tài, người giỏi, mới đủ năng lực để làm tốt mọi công việc sau này”.
Không ít ý kiến đề xuất “Đã đến lúc cần chấm dứt chính sách cộng điểm ưu tiên như hiện nay để mọi thí sinh đều bình đẳng trong thi tuyển, có thế mới tuyển chọn được người tài đích thực”.
Đối với những trường tốp đầu như đại học Y Dược, Ngoại thương, Bách khoa… chỉ có những học sinh giỏi mới dám thi vào.
Nếu không áp dụng việc cộng điểm ưu tiên, ai đỗ được chắc chắn là những thí sinh giỏi.
Nhưng bạn nghĩ gì khi một học sinh thi được 28 điểm bị trượt, một em khác chỉ đạt 25 điểm, cộng với 4 điểm ưu tiên thành 29 điểm trở thành người đỗ chính thức.
Đó là chưa nói đến có những em được cộng tới 6.5 điểm ưu tiên và khuyến khích đủ loại.
Trong trường hợp này, em trượt chắc chắn lại học giỏi hơn em đỗ. Đây chính là điều cực kì vô lý. Đó là chưa nói đến những ngành đặc thù như ngành Y hơn bao giờ hết cũng cần người tài.
Nếu một kĩ sư có năng lực kém chỉ làm hỏng một cái máy, thậm chí là một lô hàng bị lỗi. Nhưng một người bác sĩ yếu kém sẽ giết chết cả một mạng người.
Hay nghề giáo chẳng hạn, một học sinh kém bạn đến 3 điểm nhưng nhờ được cộng tới 4 điểm ưu tiên nên đã trúng tuyển.
Và như thế, trường sư phạm cũng đã mất đi một sinh viên giỏi. Đồng nghĩa với việc ngành giáo dục cũng sẽ mất đi một nhà giáo giỏi.
Đối với những gia đình có công, học sinh vùng khó khăn… cần sự đãi ngộ của xã hội là điều chính đáng nhưng có nhiều cách để đền đáp và tri ân, đâu nhất thiết chỉ có cách cộng điểm ưu tiên như hiện nay.