Có nên tồn tại mô hình homeschooling?

10/05/2017 06:48
Thùy Linh
(GDVN) - Câu chuyện về xu hướng homeschooling (dạy học tại nhà) đang gây ra những tranh cãi gay gắt trong dư luận.

Dạy trẻ học ở nhà – Homeschooling là mô hình khá phổ biến ở các nước phát triển nhưng vẫn còn rất mới mẻ tại Việt Nam. 

Mới đây, sau khi báo chí đưa tin về một gia đình tại Thành phố Hồ Chí Minh nhận thấy áp lực học hành đã cho con tự học ở nhà thay vì đến trường đã thu hút sự quan tâm của xã hội và từ đó những tranh cãi về xu hướng giáo dục này mới bắt đầu “nóng” lên. 

Đó là câu chuyện của gia đình anh Đặng Quốc Anh, chị Lê Thị Thanh (quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh) cùng 2 con trai là Đặng Thái Anh (sinh năm 2003) và Đặng Nhật Anh (sinh năm 1998). 

Con trai lớn của anh chị đã được cho nghỉ học ở trường từ năm 2014, sau đó là con trai nhỏ. Lý do anh chị đưa ra quyết định này là thấy con quá mệt mỏi với việc học ở trường lớp.

Anh Đặng Quốc Anh hướng dẫn hai con là Đặng Nhật Anh (bên phải) và Đặng Thái Anh học tại nhà – Ảnh: Như Hùng
Anh Đặng Quốc Anh hướng dẫn hai con là Đặng Nhật Anh (bên phải) và Đặng Thái Anh học tại nhà – Ảnh: Như Hùng

Chia sẻ với báo chí, chị Thanh cho biết, các con chị từng gặp những bất công khi học ở trường. Con trai lớn vì không thuộc bài đã từng bị cô giáo bắt phạt cùng 20 bạn khác đứng trước cửa phòng giám hiệu để học. 

Còn con trai nhỏ vì gia đình không cho đi học thêm thì cô giáo giao 10 trang bài tập về nhà (học sinh đi học thêm thì không phải truy bài), làm không hết sẽ bị phạt ngồi xuống, đứng lên với số lần tăng gấp đôi sau mỗi lần có lỗi.
 
Là giảng viên Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông nhưng vợ chồng anh Quốc Anh nhận thấy đó cách giáo dục như vậy không hiệu quả. 

Hơn nữa, anh chị cũng thấy chương trình học của các con còn nặng nề, quá tải, nhiều phần thừa thãi không cần thiết trong khi việc dạy kỹ năng chưa được chú trọng.

Để cứu vãn tình thế, bắt đầu từ năm 2014, anh Quốc Anh đã quyết định nghỉ làm, cho các con nghỉ học ở nhà để mình tự dạy. 

Có nên tồn tại mô hình homeschooling? ảnh 2

Học ở trường giúp trẻ hình thành nhiều kỹ năng hơn

Sau gần 3 năm tự học ở nhà, với sự hướng dẫn của bố mẹ, được tự do học những gì mà mình thích, hai anh em Đặng Thái Anh (14 tuổi) và Đặng Nhật Anh (19 tuổi) đã đạt được những kết quả bất ngờ.

Tháng 9/2016, Thái Anh thi IELTS đạt 8.5 khi chưa tròn 13 tuổi. Riêng Nhật Anh thi IELTS vào tháng 7/2015 đạt 8.0.Hiện Nhật Anh đang chuẩn bị đi du học với học bổng đạt được.

Tuy vậy, vợ chồng anh Quốc Anh cũng thừa nhận, kết quả này của các con là sự đánh đổi rất to lớn về cả công sức, nguồn lực, tiền bạc, thời gian... của cả gia đình.

Sau câu chuyện này nhiều gia đình đang băn khoăn rằng, có nên đưa con tới trường nữa không?

Chuyên gia nói gì về mô hình homeschooling?

Chia sẻ về vấn đề này với phóng viên, Tiến sĩ Nguyễn Khánh Trung (Viện nghiên cứu và Phát triển giáo dục IRED) - người có nhiều năm nghiên cứu về giáo dục đặc biệt là giáo dục gia đình cho rằng, nhà trường không chỉ là nơi để truyền tải kiến thức chuyên môn trong sách vở cho học sinh mà trường học còn có chức năng xã hội hóa. 

Các em đến trường có thầy cô, bạn bè, có môi trường sư phạm. Trong môi trường đó, nhà trường sẽ góp phần rất quan trọng vào việc phát triển nhân cách cho con em chúng ta. 

Còn nếu như ở nhà, không có bạn bè, trẻ không được giao tiếp với nhiều người, sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát triển nhân cách của các em
”, ông Trung nói. 

Tuy vậy, Tiến sĩ Trung cho rằng chúng ta vẫn nên có mô hình homeschooling như một cách tạo ra "cơ chế thị trường" trong giáo dục.

Chuyên gia Viện nghiên cứu và Phát triển giáo dục IRED cho biết, thực tế mô hình homeschooling rất phổ biến trên thế giới. 

Tại Phần Lan và Pháp – nơi ông Trung dành nhiều năm nghiên cứu thì phụ huynh có quyền cho con tự học tại nhà nếu như không muốn cho con đến trường hoặc không có điều kiện để đến trường vì bố mẹ thường xuyên phải đi công tác. 

Có nên tồn tại mô hình homeschooling? ảnh 3

Không cho con đến trường, tự học tại nhà, nên hay không?

Trong trường hợp này, bố mẹ vẫn phải đi đăng ký cho con tự học ở nhà tại các cơ sở giáo dục. Các cơ quan này có nhiệm vụ chuyên biệt là giám sát việc tự giáo dục con của các bậc phụ huynh tại nhà. Khi trẻ đạt các tiêu chuẩn đề ra sẽ được lên lớp bình thường.

Do vậy, theo quan điểm của ông Trung, trong các trường hợp bất khả kháng, học sinh không thể đến trường vì một lý do nào đó thì hoàn toàn có thể lựa chọn mô hình homeschooling. 

Đồng thời, vị này cũng cho rằng, xã hội nên tạo ra nhiều lựa chọn để cho người dân, cho các em có cơ hội tiếp xúc với các hình thức giáo dục khác nhau, phù hợp với từng em, từng hoàn cảnh của các phụ huynh. 

Cũng giống như kinh tế thị trường, khi có nhiều thành phần tham gia vào nền kinh tế, tạo ra một cơ chế cạnh tranh như thế sẽ  thúc đẩy sự phát triển, sản phẩm nào chất lượng tốt hơn sẽ được sử dụng.

Trong giáo dục cũng cần có một cơ chế cạnh tranh phát triển như thế”, ông Trung nhấn mạnh. 

Và theo chuyên gia này, khi để con cái học ở nhà thì bố mẹ cần bù lấp những khoảng trống mà con bị thiếu hụt đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ cần phải có một bộ phận chuyên trách về việc quản lý việc phụ huynh cho con tự học tại nhà không bị quá khác biệt giữa chương trình giáo dục quốc gia và giáo dục tại nhà. 

Trong khi đó, Thạc sĩ Nguyễn Quốc Vương- nghiên cứu sinh tại Đại học Kanazawa Nhật Bản thì lại cho rằng, trên nhiều phương diện, bố mẹ chính là người thầy đầu tiên của con.

Tuy nhiên việc làm thầy của các ông bố bà mẹ hoàn toàn không đơn giản. Để làm thầy của con cái bố mẹ cũng phải học rất nhiều. Ngay cả bản thân tôi, dạy học là chuyên môn, nhưng khi làm bố, tôi đã phải đọc rất nhiều sách để có thể dạy con mình”, ông Vương nêu quan điểm. 

Ông Vương cũng thừa nhận thực tế rằng, gia đình có một vai trò rất lớn trong việc giáo dục con cái. Nhưng để tạo nên sự trưởng thành, phát triển toàn diện của học sinh thì vẫn cần đến cả 3 yếu tố gia đình, nhà trường và giáo dục địa phương.

Gia đình là yếu tố đầu tiên tác động đến học sinh, nhưng chưa phải là tất cả. Hơn thế khi đi học tại trường, các em có một lợi thế là được giáo dục theo hệ thống được thiết kế bởi những người có trình độ. 

Trong trường hợp có những vấn đề phụ huynh cảm thấy chưa thể khắc phục được có thể bàn lại với giáo viên để đưa ra giải pháp. Tôi cho rằng nếu muốn các em phát triển không bị thiên lệch thì không nên chỉ tập trung vào một yếu tố
”, Thạc sĩ Nguyễn Quốc Vương lưu ý. 

Thùy Linh