Có nhiều vấn đề trong Luật giáo dục đại học của ta tụt hậu hơn Indonesia

07/02/2018 06:45
Thùy Linh
(GDVN) - Nếu Luật giáo dục đại học của Indonesia đưa “cống hiến công cộng” là một trong “ba nghĩa vụ” thì Việt Nam lại chưa chú trọng tới yếu tố này.

LTS: Luật Giáo dục đại học ban hành năm 2012 đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập và đã trở thành những điểm nghẽn, nút thắt cản trở đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đại học.

Tháng 11/2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức công bố dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học để lấy ý kiến trước khi trình Chính phủ.

Được biết, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cũng đã tìm hiểu và có văn bản góp ý gửi Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học vào tháng 12/2017 vừa qua. 

Trong quá trình tìm hiểu, Hiệp hội nhận thấy Luật giáo dục đại học hiện hành hay dự thảo Luật giáo dục đại học sửa đổi còn nhiều nội dung đang vướng, gây ra tranh luận nhiều nhưng chưa đi đến hồi kết. 

Cùng lúc đó, Hiệp hội đã tìm thấy một số tài liệu nước ngoài liên quan đến những nội dung mà dư luận đang còn nhiều tranh cãi mà quốc gia họ đã tìm được cách tháo gỡ. 

Nhận thấy tầm quan trọng của tài liệu này, Hiệp hội đã dịch tài liệu này với mong muốn Ban soạn thảo cũng như dư luận có thêm nguồn thông tin để tham khảo. 

Được biết, hiện nay, Hiệp hội đã dịch xong Luật của nước Cộng hòa Indonesia, số 12 năm 2012 về giáo dục đại học, dự kiến trong thời gian tới Hiệp hội sẽ tiến hành dịch thêm một số tài liệu khác nữa. 

Để rộng đường dư luận, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – Nhà nghiên cứu của Viện Các vấn đề giáo dục thuộc Trường Đại học Bình Dương, người đã có nghiên cứu sâu tài liệu Luật giáo dục đại học của Indonesia - với mong muốn có thêm một số thông tin để Ban soạn thảo cũng như độc giả tham khảo một cách cụ thể nhất.

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả cuộc trao đổi này.

Phóng viên: Sắp tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ thông qua dự án sửa đổi Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học.

Là người đã nghiên cứu sâu Luật giáo dục đại học của Indonesia, ông thấy Luật giáo dục đại học hiện hành và dự thảo mới nhất về Luật giáo dục đại học sửa đổi của Việt Nam còn điểm nào Ban soạn thảo cần phải lưu ý, thưa ông? 

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến: Theo tôi, Luật Giáo dục đại học sửa đổi sắp tới tối thiểu phải đạt được các yêu cầu quan trọng sau:

Một là, phải định hướng cho sự hình thành một hệ thống giáo dục đại học phân tầng thống nhất, đa dạng, rõ ràng và hiệu quả, hiện đại, mang tính đại chúng và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, bảo đảm hội nhập quốc tế, như tinh thần của Nghị quyết 29.

Quý vị bạn đọc có thể tải về bản dịch của Luật Giáo dục đại học Indonesia tại đây

Hai là, phải khẳng định và tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát huy quyền tự chủ thực sự và hợp lý (trên tất cả các phương diện) và trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục đại học.

Ba là, phải khẳng định được trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của cộng đồng xã hội đối với giáo dục đại học, thể hiện quan điểm xã hội hóa toàn diện về giáo dục.

Bốn là, phải triệt tiêu mọi hậu họa của tệ nạn “xin – cho” trong cơ chế quản lý giáo dục đại học.

Tôi cho rằng, chỉ khi Luật Giáo dục đại học đáp ứng được cả 4 yêu cầu trên thì giáo dục đại học Việt Nam mới hy vọng trong tương lai gần đạt được các tiêu chí cần có của một nền giáo dục đại học tiên tiến là: công bằng, chất lượng, hiệu quả, nhất quán và quốc tế hóa.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho rằng, nếu Luật giáo dục đại học của Indonesia đưa “cống hiến công cộng” là một trong “ba nghĩa vụ” thì Việt Nam lại chưa chú trọng tới yếu tố này. (Ảnh: Xuân Trung)
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho rằng, nếu Luật giáo dục đại học của Indonesia đưa “cống hiến công cộng” là một trong “ba nghĩa vụ” thì Việt Nam lại chưa chú trọng tới yếu tố này. (Ảnh: Xuân Trung)

Ngoài ra, khi xét chung về kết cấu và nội dung Luật Giáo dục đại học hiện hành, kể cả dự thảo Luật giáo dục đại học sửa đổi vẫn còn một số hạn chế sau: 

Thứ nhất, Luật Giáo dục đại học hiện hành, kể cả dự thảo Luật giáo dục đại học sửa đổi vẫn nghiêng theo hướng của một luật về các cơ sở giáo dục đại học - một văn bản thường chỉ được trình bày dưới dạng “dưới luật”, tức Điều lệ trường đại học chứ chưa đáp ứng một luật tổng quát về giáo dục đại học. 

Điều này có thể thấy rõ ngay tại các Điều 1 và 2 của Luật quy định về phạm vi điều chỉnh và về đối tượng áp dụng.

Trong khi đó, Luật giáo dục đại học của Indonesia thể hiện rõ đó là văn bản luật viết về hệ thống giáo dục đại học. Phần viết về các cơ sở giáo dục đại học rất quan trọng nhưng cũng chỉ nằm trong một chương chứ không phải nằm ở toàn bộ văn bản luật này. 

Phải chăng những nhà soạn thảo luật của chúng ta vẫn chưa hình dung và phân biệt rõ luật về giáo dục đại học khác gì với luật về cơ sở giáo dục đại học. 

Thứ hai, trong quá trình soạn thảo, thảo luận để viết và hoàn thiện Luật giáo dục đại học dường như chúng ta không có ý định soạn thảo cho tầm quốc gia  mà vẫn quan niệm luật này chỉ viết cho riêng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Chính điều này đã dẫn tới việc, chúng ta đã đưa vào Luật nhiều nội dung mang tính khiên cưỡng, không hợp lý, không tuân theo thông lệ quốc tế. 

Có nhiều vấn đề trong Luật giáo dục đại học của ta tụt hậu hơn Indonesia ảnh 2Giáo dục đại học tư thục là một trong hai cánh của một con đại bàng

Ví dụ, cao đẳng vốn là một trình độ đào tạo trong bậc giáo dục đại học nhưng vì Chính phủ đã giao cho Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chức năng quản lý nhà nước trình độ này nên dự thảo Luật sửa đổi đã tự động đưa hệ cao đẳng ra khỏi giáo dục đại học để nhập vào bậc học giáo dục nghề nghiệp. 

Trong khi đó, theo thông lệ quốc tế, giáo dục đại học là một bậc đào tạo với nhiều trình độ khác nhau, trong đó có trình độ cao đẳng, còn giáo dục nghề nghiệp không phải là một bậc đào tạo mà là một lĩnh vực đào tạo, bao hàm nhiều chương trình thuộc các bậc học khác nhau (từ sơ học đến trung học,... đại học). 

Nếu tách bậc tiểu học ra khỏi bậc trung học thì đúng nhưng nếu vì cao đẳng có trong giáo dục nghề nghiệp mà loại nó ra khỏi bậc giáo dục đại học thì quả là sai lầm. 

Trong khi Việt Nam vẫn đang tranh cãi về điều này thì ở Luật giáo dục đại học năm 2012 của Indonesia đã chỉ rất rõ, giáo dục đại học được hợp nên từ 3 luồng: giáo dục học thuật (academic), giáo dục nghề nghiệp(vocational) và giáo dục chuyên nghiệp(professional). 

Luật giáo dục đại học năm 2012 của Indonesia nêu rõ: “luồng giáo dục nghề nghiệp thuộc giáo dục đại học gồm các chương trình dẫn đến văn bằng diploma để chuẩn bị cho sinh viên làm việc ở một trình độ ứng dụng cụ thể, nhằm hướng đến một chương trình cử nhân ứng dụng nếu thời gian đào tạo là 4 năm”.     
          
Thứ ba, về cách viết luật, Luật giáo dục đại học của Indonesia quán xuyến rất toàn diện nhưng không đi vào từng chi tiết vụn vặt (những nội dung cụ thể được quy định trong các quy chế hoặc Nghị định) còn ở ta thì dự thảo Luật lại đưa vào nhiều nội dung quá chi li, không xứng tầm với một luật về giáo dục đại học.

Ngoài ra, trong dự thảo Luật giáo dục đại học của Việt Nam, những nội dung rất quan trọng của một Luật Giáo dục đại học hiện đại như Hệ thống giáo dục đại học, quyền lợi và trách nhiệm của cộng đồng xã hội đối với giáo dục đại học hầu như không được thể hiện rõ. 

Từ những yêu cầu nêu trên, xin ông cho biết, Luật Giáo dục đại học của ta nên học tập như thế nào từ Luật giáo dục đại học của Indonesia để hoàn thiện việc sửa đổi, bổ sung một cách phù hợp nhất?

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến:
  Theo tôi có 2 vấn đề lớn cần sửa đổi ngay. Đó là: Kết cấu và Nội dung. 

Thứ nhất, về phần kết cấu: 

Nếu Luật giáo dục đại học của Indonesia đưa “cống hiến công cộng” là một trong “ba nghĩa vụ” (cung cấp giáo dục, nghiên cứu, cống hiến công cộng) của trường đại học thì Việt Nam lại chưa chú trọng tới yếu tố này. 

Do vậy, tôi cho rằng, Luật giáo dục đại học của ta cần đưa thêm vào hai chương mới: một chương về Hệ thống giáo dục đại học (chương 2) và một chương về Quan hệ Xã hội (chương gần cuối).

Trong chương về Hệ thống giáo dục đại học thì cần chứa đựng các nội dung như: cơ cấu hệ thống giáo dục đại học, các chuẩn mực giáo dục đại học quốc gia, các trình độ đào tạo, hệ thống văn bằng, các cơ sở giáo dục đại học, mạng lưới các hội và hiệp hội về giáo dục đại học...

Có nhiều vấn đề trong Luật giáo dục đại học của ta tụt hậu hơn Indonesia ảnh 3Nên sửa đổi nội dung về văn bằng trong dự thảo Luật Giáo dục

Còn chương về Quan hệ Xã hội  thì cần đưa vào các nội dung về nguyên tắc bình đẳng trong cơ hội và điều kiện tiếp cận với giáo dục đại học của mọi công dân có nguyện vọng và nhu cầu được học đại học, về trách nhiệm và quyền lợi của công dân, của doanh nghiệp, của cộng đồng (giống Chương VII của Luật giáo dục đại học Indonesia).

Đây là hai chương rất cơ bản không thể thiếu vắng trong mọi Luật Giáo dục đại học.

Ngoài ra, mặc dù Luật có đề cập đến “hệ thống giáo dục mở” nhưng khi đối chiếu với các điểm khác trong Luật về trình độ đào tạo, hệ thống văn bằng thì lại hoàn toàn không phải vậy. 

Cụ thể, Luật giáo dục của ta có nêu “hệ thống giáo dục mở” nhưng cách thiết kế lại theo kiểu sau bậc trung học cơ sở là tách ra thành trung học phổ thông và trung cấp nhưng chỉ có học sinh nào tốt nghiệp trung học phổ thông mới đủ điều kiện học lên cao đẳng, đại học thì hệ thống giáo dục như vậy làm sao có thể gọi là mở? 

Trong khi đó, ở Indonesia và rất nhiều nước học sinh sau trủng học cơ sở được phân theo hai luồng hoàn toàn bình đẳng với nhau (để học lên) là trung học phổ thông và trung học nghề.

Thứ hai, về phần nội dung: 

Tôi cho rằng, có những nội dung cụ thể của các Điều cần lưu ý.

Điều 4: Chỉ nên tập trung vào một số khái niệm lớn của riêng giáo dục đại học như: giáo dục đại học, cơ sở giáo dục đại học, trình độ giáo dục đại học, các Chuẩn quốc gia giáo dục đại học....

Riêng khái niệm Giáo dục đại học nên được định nghĩa theo nghĩa rộng, hàm chứa cả giáo dục nghề nghiệp sau trung học (trong đó có đào tạo nghề) như xu hướng thế giới hiện nay, để bảo đảm tính thống nhất của một hệ thống giáo dục đại học phân tầng. 

Điều 5: Mục tiêu của giáo dục đại học cần rộng hơn nhiều so với nội dung viết ở Khoản 1 chỉ về đào tạo. Điều 6: Nên có các trình độ: cao đẳng, cử nhân, chuyên gia (như kỹ sư, bác sỹ, luật sư,...), thạc sỹ và tiến sĩ. Không nên dùng chung một thuật ngữ đại học cho cả 2 trình độ cử nhân và chuyên gia.
 
Và có thể có thêm các trình độ phụ sau trình độ chuyên gia cho những ngành đặc thù (như Chuyên khoa 1, Chuyên khoa 2 ở ngành y,...).

Có nhiều vấn đề trong Luật giáo dục đại học của ta tụt hậu hơn Indonesia ảnh 4Đề xuất tăng học phí Đại học lên 2,5 lần

Điều 7: Trong cách gọi tên cơ sở giáo dục đại học Ban soạn thảo Luật Giáo dục đại học có sự nhầm lẫn giữa cấu trúc và đẳng cấp của trường với tên gọi được Nhà nước đặt cho. 

Theo thông lệ chung, đại học (university) chỉ những cơ sở giáo dục đại học đa lĩnh vực nên sẽ không có chuyện chỉ sử dụng tên gọi “đại học” cho các trường Đại học quốc gia hoặc vùng. 

Cũng không thể nhầm lẫn gọi đại học là trường hai cấp (xem Khoản 8 Điều 4), bởi gọi như vậy sẽ biến đại học thành một liên hiệp các trường đại học chuyên ngành.

Theo quan niệm phổ biến hiện nay: chữ “college” chỉ có nghĩa là một trường đại học khi nó đứng độc lập, còn khi nằm trong một “university” thì ý nghĩa đó không hề có.

Do vậy, không thể vì quan niệm sai khái niệm trường đại học đa lĩnh vực (university) mà đưa ra một cách hiểu khác lạ như trong Luật Giáo dục đại học hiện hành.

Để tránh hiểu lầm tôi đề nghị thay tên gọi Đại học bằng thuật ngữ Viện đại học.

Theo thông lệ quốc tế hiện nay, các cơ sở giáo dục đại học có thể được phân loại theo những tiêu chí khác nhau:

- Theo cơ cấu tổ chức (viện đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng), theo sứ mệnh (viện Đại học quốc gia, viện Đại học vùng, trường đại học ngành, trường đại học địa phương, trường cao đẳng ngành, trường cao đẳng địa phương, trường đại học tư thục,...).

- Theo đẳng cấp (trường đại học nghiên cứu, trường đại học, trường cao đẳng), theo phương thức tuyển sinh (trường đại học truyền thống, trường đại học mở), theo loại hình sở hữu (công lập, tư thục, tư thục hoạt động không vì lợi nhuận, dân lập). 

Trong Luật Giáo dục đại học cần có định nghĩa rõ cho từng loại trường như ở các nước để tránh gọi tên tùy tiện đồng thời xác định rõ sứ mệnh của chúng.

Bên cạnh đó, cần bổ sung vào chương Hệ thống giáo dục đại học một điều về Cơ cấu hệ thống giáo dục đại học.

Có nhiều vấn đề trong Luật giáo dục đại học của ta tụt hậu hơn Indonesia ảnh 5Hiệp hội kiến nghị sửa đổi và bổ sung một số điều của các luật về giáo dục

Cần viết thêm điều về Hệ thống các chuẩn giáo dục đại học (như: chuẩn chương trình, chuẩn năng lưc, chuẩn đầu ra, chuẩn nhà trường, chuẩn đội ngũ giảng viên,...) với ý nghĩa là những quy định tối thiểu được nhà nước đặt ra cho các cơ sở giáo dục đại học.

Nhà nước chỉ quản lý cái tối thiểu còn các trường được phát triển không hạn chế những chuẩn này tùy theo sứ mệnh và năng lực của mình.

Điều 14 và Điều 15: Nên viết theo cấp quản lý hành chính trong trường chứ không nên viết về bộ máy tổ chức của trường.

Với quan niệm như vậy, đại học (hay viện đại học) được tổ chức theo cơ chế 3 cấp: Viện đại học, trường thành viên, khoa; còn trường đại học và học viện thường được tổ chức theo cơ chế 2 cấp: trường và khoa.

Nếu lấy đến cấp bộ môn thì ở mỗi loại hình đều tăng thêm một cấp. Cần viết kỹ hơn về nguyên tắc tổ chức các cấp quản lý trong một cơ sở giáo dục đại học.

Ví dụ, đại học mang tính đa lĩnh vực, đẳng cấp; trường/học viện mang tính chuyên môn hơn (đơn lĩnh vực); khoa mang tính chất ngành; bộ môn mang tính chuyên ngành.

Thuật ngữ “đại học” (hay viện đại học) thường để chỉ những cơ sở giáo dục đại học đa lĩnh vực, có đào tạo ở các trình độ sau đại học, được tổ chức theo cơ chế 3 cấp quản lý hành chính. 

Vậy đâu phải chỉ có đại học quốc gia và đại học vùng mới được mang tên “đại học”. Còn phụ từ “quốc gia” là để chỉ sứ mệnh của những cơ sở giáo dục đại học đào tạo nhân lực đáp ứng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội ở tầm quốc gia.

Do đó, nhiều trường đại học, học viện vẫn được quyền gắn phụ từ đó vào tên của mình (ví dụ: Học viện Âm nhạc Quốc gia Hà nội, Học viện Chính trị Quốc gia,...). 

 Ở Chương X cần bổ sung một vài điều về sở hữu của các loại hình cơ sở giáo dục đại học, phân biệt cơ chế vì lợi nhuận và không vì lợi nhuận. Chính thuộc tính sở hữu quyết định cơ cấu thành phần hội đồng quản trị của mỗi loại hình trường. 

Khác với các đại học tư hoạt động không vì lợi nhuận những trường đại học tư thục (có lợi nhuận) phải được xem như những doanh nghiệp tư nhân nên không cần đưa đại diện chính quyền địa phương vào hội đồng quản trị (như ở Khoản 3 Điều 17) và không xem phần tài sản tích lũy thuộc khối tài sản chung không chia (như Khoản 4 Điều 66).

Việc né tránh không muốn làm minh bạch giữa các cơ chế vì lợi nhuận và không lợi nhuận trong khu vực giáo dục đại học ngoài công lập là một hạn chế của Luật Giáo dục Đại học. 

Theo phân tích của chúng tôi, chính sự thiếu rõ ràng giữa 2 cơ chế này ở hệ thống các văn bản đã ban hành của Nhà nước là nguyên nhân chủ yếu của những tiêu cực đang diễn ra trong khối trường ngoài công lập hiện nay và gây khó cho việc ban hành các chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với giáo dục đại học ngoài công lập. 

Định nghĩa cơ chế không vì lợi nhuận như ở Khoản 7 Điều 4 là phiến diện và không đầy đủ, bởi vì cổ đông không chỉ quyết định mức lợi tức mà còn có quyền can thiệp vào công việc điều hành nhà trường, chiếm giữ các vị trí trọng trách trong trường.

Xin trân trọng cảm ơn ông. 

Thùy Linh