Nếu cho chọn lại, tôi vẫn chọn nghề giáo

20/11/2016 06:45
Thuận Phương
(GDVN) - Dù áp lực công việc lớn, đời sống vật chất còn khó khăn, nhưng nhiều giáo vẫn kiên quyết theo nghề.

LTS: Trước thềm ngày lễ Hiến chương các nhà giáo, cô giáo Thuận Phương đã gửi đến tòa soạn một bài viết bày tỏ tình yêu với nghề nghiệp của mình.

Cô nói, dù có áp lực, có khó khăn thế nào, những người thầy vẫn miệt mài chở những chuyến đò đến bến bờ tri thức.

Tòa soạn trân trọng giới thiệu đến độc giả bài viết này!

Có thể nói, nghề giáo hiện nay là nghề chịu nhiều áp lực nhất của xã hội. Ngoài những áp lực về công việc mang lại như phải đảm bảo dạy đúng đủ chương trình, luôn tiếp cận cái mới để đổi mới phương pháp dạy học, luôn trau dồi kiến thức, đạo đức để đảm nhận tốt vai trò người thầy.

Các thầy cô luôn nỗ lực kèm học sinh còn yếu, bồi dưỡng học sinh khá giỏi, giáo dục đạo đức cho các em mà cực nhất là những học sinh cá biệt ít chăm ngoan...

Ngoài hai buổi đến trường, tối về còn miệt mài bên trang giáo án, bên những đồ dùng dạy học, phiếu học tập để mỗi bài giảng được hiệu quả hơn.

Dù thầy cô luôn hết lòng với học sinh là thế nhưng chỉ đôi phút nóng nảy không kìm chế được bản thân mình trước những lời nói hỗi của trò, sự chây lười có phần thách thức của các em... chỉ vài roi quất vào mông theo kiểu cha mẹ răn dạy con cái cũng làm dậy sóng dư luận.

Có khi, các thầy cô còn bị chính phụ huynh nhiếc móc, chửi rủa bằng những ngôn từ chợ búa một cách không thương tiếc...

Nếu cho chọn lại, tôi vẫn chọn nghề giáo ảnh 1
Nhiều thầy cô rất yêu nghề, yêu học trò dù cuộc sống còn nhiều khó khăn. (Ảnh: vtc.vn)

Cũng đã có không ít đồng nghiệp phải giã từ bục giảng hay bị khiển trách, cảnh cáo toàn ngành chỉ vì còn mang nặng suy nghĩ: “Thương cho roi cho vọt”.

Đâu đó vẫn còn có những thầy cô tâm chưa sáng, lợi dụng việc dạy của mình để làm nhiều điều khuất tất như ép học trò phải đi học thêm, lạm thu để tư lợi cá nhân mình... hay dùng những hình phạt nặng nề xúc phạm đến các em học sinh một cách tàn nhẫn...

Những hiện tượng trên chỉ là số ít, là cá biệt trong hàng vạn thầy cô đang từng ngày hết lòng vì sự nghiệp chung, vì sự tiến bộ của học trò. Thời đại công nghệ thông tin nên một việc làm xấu chỉ một cái click chuột là vài phút sau cả nước biết tên.

Nhưng những việc làm tốt mà các thầy cô đang làm từng ngày ở trường chỉ là sự hy sinh âm thầm, lặng lẽ chứ có mấy ai thấu hiểu cho?

Áp lực về công việc quá lớn nhưng đời sống vật chất mang lại chưa thật sự tương xứng. Với đồng lương ba cọc ba đồng, hai vợ chồng nhà giáo không có việc làm thêm thì nuôi hai con cũng vô cùng vất vả và chật vật.

Nhưng thầy cô vẫn luôn dành thời gian nghỉ ngơi của mình cặm cụi bên bàn để phụ đạo, kèm cặp thêm cho những em học sinh còn yếu để theo kịp các bạn nhưng không nhận một đồng thù lao nào, sẵn sàng dạy miễn phí cho học sinh nghèo.

Những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, không được may mắn trong cuộc sống luôn được các thầy cô quan tâm đặc biệt, thầy cô lo cho các em từng bộ sách giáo khoa, từng cuốn tập, cây viết, cái cặp sao cho tươm tất cùng chúng bạn.

Dù còn nghèo nhưng nhiều thầy cô vẫn dành chút tiền lương ít ỏi mua ít bộ đồ tặng cho các em nhân buổi khai trường, hay trích đóng dùm số tiền bảo hiểm khi gia đình các em chưa thể lo kịp.

Rồi bỏ thời gian đi xin những bộ đồ cũ, đôi dép, đôi giày được giặt ủi tươm tất cho học sinh có đủ đồ đến trường như chúng bạn.

Dù mệt mỏi và áp lực như thế nhưng chỉ nhìn các em, đón nhận những tình cảm hồn nhiên, trong sáng dành cho thầy cô thì bao vất vả, mệt nhọc lại tiêu tan hết.

Vẫn còn đâu đó những học trò hư không nghe lời hay có thái độ vô lễ coi thường thầy cô giáo, còn có những phụ huynh nói lời nặng nhẹ khi không vừa lòng điều gì đó... Nhưng cũng chỉ là số ít.

Chẳng có niềm vui nào sánh bằng việc các em luôn xem thầy cô như người cha, người mẹ ở trường luôn tin tưởng, lắng nghe những lời dạy bảo.

Hàng năm, cứ gần đến ngày kỉ niệm, những cô cậu học trò lại tự tay làm những cánh thiệp nhỏ xinh, nắn nót viết từng dòng chữ chan chứa tình yêu thương để tặng thầy cô.

Nếu cho chọn lại, tôi vẫn chọn nghề giáo ảnh 2

Suy nghĩ về "cái phong bì" của một người thầy!

(GDVN) - Không phải những phong bì hay món quà xa xỉ với thầy, cô món quà vô giá lớn nhất là sự biết ơn chân thành của học trò dành cho mình.

Ai không vui, không xúc động khi đọc được những dòng chữ: “Em yêu cô nhất trên đời”, “Cô là người mẹ hiền thứ hai của em”... Rồi những học trò cũ phương xa vẫn hướng về thầy cô giáo của mình bằng những cánh thiệp, những lời chúc thấm đầy tình thương, lòng biết ơn sâu sắc...

Nghề giáo tuy có nghèo về vật chất nhưng lại là nghề “giàu có nhất” đó là sự giàu có về tình thương, về lòng nhân ái, về sự tận tụy với nghề với người...

Đáp lại những hy sinh ấy, nghề giáo luôn được mọi người tôn vinh là “nghề cao quý”, không chỉ học sinh dành tình cảm, lòng yêu thương cho cô thầy thứ mà có bạc tiền nhiều cũng không dễ gì mua được mà chính các bậc phụ huynh cũng luôn gọi thầy cô giáo của con mình bằng hai chữ “thầy, cô” một cách đầy trân trọng.

Đã không ít thầy cô giáo, khi được hỏi: “Nếu cho chọn lại có chọn nghề giáo”? Không chút đắn đo, phần lớn họ đều tha thiết trả lời: “Tôi vẫn chọn nghề giáo”!

Thuận Phương